Các cháu phải để cho chú xung trận

“Các cháu ra trận mà không cho các chú ra trận, thì tuổi này còn ham sống gì nữa, để chú cống hiến cho trận này là trận chiến cuối cùng trong cuộc đời của chú” - chú Trần Quốc Độ - Phó Chủ nhiệm CLB Truyền thống kháng chiến khối vũ trang Biệt động Quân khu Sài Gòn - Gia Định, xúc cảm dâng trào khi nhớ về những ngày tháng ấy.

Sáng 5/3, buổi họp mặt con em Tình báo, Biệt động và lực lượng tình nguyện viên tham gia chống dịch, đã diễn ra tại Garage Citroen Biệt động Sài Gòn (499/20 Cách Mạng Tháng Tám, phường 13, quận 10), tuy không có sự có mặt đầy đủ nhất, nhưng diễn ra trong không khí vô cùng ấm áp, tràn đầy tình yêu thương.

 

Khi những ngày TP Hồ Chí Minh rơi vào tâm dịch, bắt đầu đưa người nhiễm covid vào khu cách ly đã gặp muôn vàn khó khăn, thiếu thốn về nhân sự, thuốc men, máy thở, thực phẩm, trang thiết bị y tế… Nhận thấy những điều này, lực lượng con cháu của Tình báo, Biệt động Sài Gòn lập tức xung trận do ông Trần Vũ Bình (cán bộ Viện kiểm sát Tối cao tại TP Hồ Chí Minh ) làm cầu nối chỉ huy. Lớp trẻ vào việc, thì thế hệ cựu chiến binh U80, U90, U100 cũng vào cuộc.

Đại tá Trần Đức Thơ (Mười Thơ) - Chủ nhiệm CLB Truyền thống kháng chiến khối vũ trang Biệt động Quân khu Sài Gòn - Gia Định, đã hơn 90 tuổi, nhưng lúc ấy, với tinh thần người lính từng tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống mỹ, ông không sợ nhiễm bệnh, không sợ chết. Dù các cụ bằng tuổi ông lúc đó phải ở nhà cách ly nghiêm ngặt để phòng ngừa nhiễm bệnh, bác Mười Thơ cùng Phó chủ nhiệm Trần Quốc Độ đã trực ngày trực đêm, miệt mài gặp gỡ, ký hàng trăm giấy đi đường cho đội ngũ tình nguyện viên kịp thời đi vào những vùng dịch nơi bà con đang khó khăn nhất, chờ đợi nhất. Đặc biệt, các bác cho biết sẵn sàng chịu trách nhiệm nếu có gì không hay xảy ra, khi cấp giấy đi đường cho đội ngũ này.

Lực lượng tình nguyện viên Câu lạc bộ khối vũ trang Biệt động là những con em gồm nhiều thành phần làm nghề nghiệp khác nhau như quản lý nhà nước, bác sỹ, công nhân, lao động… Cũng như cha anh tình báo, biệt động trước đây, họ sẵn sàng xung trận với khí thế mạnh mẽ.

Trên thực tế, lực lượng tình nguyện viên con em tình báo, biệt động, đã không phụ lòng mong mỏi, với bản chất con cháu bộ đội gần gũi nhân dân, họ đã được các cán bộ cơ quan nhà nước mạnh dạn tâm sự, chia sẻ khó khăn. Từ đó, lực lượng tình nguyện đã kịp thời có thông tin để chuẩn bị những vật dụng thiết yếu, giải quyết công văn giấy tờ nhanh chóng, đem lại hiệu quả cao và kịp thời cho công tác chống dịch, ở thời điểm đỉnh dịch trùng trùng lớp lớp khó khăn bủa vây.

Lực lượng con em tình báo, biệt động là một trong những lực lượng xung trận đầu tiên, đã làm việc một cách kịp thời, hiệu quả cao, được UBND Thành phố, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh  ghi nhận hoàn toàn.

“Bằng khen chúng con giấu đi, vì vui mừng, sung sướng gì mà đem ra khoe, đến hôm nay mới lấy ra để anh em ôn lại. Nhớ lại những ngày tháng đó chúng con vẫn rùng mình, phải vào tận những những bệnh viện, khu cách ly có nạn nhân tử vong để vận chuyển thi thể. Vào những nơi đó, chúng con mới thấy lằn ranh mong manh giữa sự sống và cái chết. Thấy những hoàn cảnh quá đau thương, kinh hoàng khi vợ mất chồng, cha mẹ mất con, cháu mất ông bà, thậm chí không biết xác người thân mình ở đâu. Những ngày đó chúng con chỉ ăn ngày một bữa, thức trường kỳ đến 1-2 giờ sáng, chợp mắt một lúc lại làm việc tiếp. Vì nghĩ mình còn sống thì còn phải chiến đấu vì lòng yêu nước, vì tình nghĩa đồng bào, chứ không màng vật chất” - ông Trần Vũ Bình chia sẻ với các cô chú cựu chiến binh tại buổi họp mặt.

Ông Bình cho biết thêm, những ngày đó, Câu lạc bộ đã lập 5 kho thuốc lớn tại 5 điểm di tích của lực lượng Tình Báo - Biệt động. Kho thuốc cứu trợ lớn đến nỗi nhiều người nghi là đầu cơ, nhưng thực tế là số thuốc này đã lan tỏa đi khắp nơi. Từ những khu tạm cách ly bệnh nhân f0 khi ban đầu ở đó gần như chưa có thuốc men gì, đến những bệnh viện dã chiến, những khu phố, con hẻm trên khắp Sài Gòn.

Ngoài ra, những người con Biệt động Sài Gòn còn lập nên các bếp ăn từ thiện quy mô rất lớn. Đó là bếp ăn của chị Tám Thổ vợ Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ (nguyên Tham mưu trưởng Quân khu 7). Hay bếp ăn của cô Lan, con gái Thiếu tướng Trần Hải Phụng, nguyên cố Tư lệnh Quân khu Sài Gòn - Gia Định. Hay bếp tại quán Phở Bình, của gia đình cố cán bộ biệt động thành Ngô Toại… Tại những bếp này, đã cung cấp suất ăn cho lực lượng chống dịch, và bà con nhân dân những ngày đầu tiên.

“Thật đau xót khi có 3 người ở những bếp ăn này đã hy sinh, đó là anh Dũng con trai cụ Ngô Toại phở Bình, và 2 tình nguyện viên là anh Lộc, chị Cúc tại bếp Tình Sài Gòn” - ông Bình chia sẻ trong nỗi buồn vô hạn, và bày tỏ mong muốn thành lập quỹ hỗ trợ những gia đình có người mất khi đi vào trận chiến chống dịch, hỗ trợ cho những trẻ em mất cha mẹ, ông bà…

Không chỉ cung cấp thuốc men, thực phẩm, ngay từ những ngày đầu ở các khu cách ly, bà con đã bệnh tật lại vô cùng thiếu thốn khi không có thức ăn, nước uống, mà ngay cả những vật dụng sinh hoạt nhất cũng không có. Theo anh Bình, lực lượng khối vũ trang Biệt động thời điểm ấy đã kịp thời phát hàng trăm ngàn xô đựng nước, lương khô, cháo dinh dưỡng, mì gói, để chia sẻ cho bà con vơi bớt khó khăn, có thêm sức để chiến đấu với bệnh tật.

 

Mang phẩm chất bộ đội cụ Hồ

Giở điện thoại, chú Trần Quốc Độ xúc động đọc cho cả hội trường nghe đoạn tin nhắn vào lúc 3 giờ 30 sáng ngày 21/7/2021, chú nhận được từ chị Ngọc Hiền - một tình nguyện viên - báo cho chú rằng giấy giới thiệu của chị đã hết hạn.

“Tại sao cháu thức sớm vậy?”

“Dạ, cháu vừa tư vấn xong cho một ca F0 đến bệnh viện điều trị. Cháu làm suốt đêm chú ạ, bà con mình khổ quá, cháu coi các cô bác như cha mẹ mình, giờ cứu được ai thì mừng cho người ấy ạ!”.

Dứt lời, chú Độ nói đó là một trong số vô vàn những trường hợp để nói lên công lao, và tấm lòng của đội ngũ tình nguyện viên đã hy sinh cho những ngày tháng đó, với việc trường kỳ thức thêm đâu không chỉ riêng 1-2 bữa.

Chú Trần Quốc Độ đánh giá, lực lượng tình nguyện Khối vũ trang Biệt động đã đóng góp một số lượng rất lớn trang thiết bị, máy móc phục vụ chữa trị, chăm sóc người bệnh, và lương thực, nhu yếu phẩm, gồm: 23 máy trợ thở, 400 máy đo nồng độ oxy, 100 máy đo huyết áp, 25 thùng khẩu trang. Cùng 150 tấn gạo, 460 tấn rau củ quả, 400 thùng mì và cháo, trên 2,8 triệu viên thuốc các loại; trên 26.000 phần thuốc tây và đông y đặc trị dành cho F0; 40 máy cung cấp oxy cho gia đình; hàng chục ngàn phần quà, sữa; 10 máy tính bảng cho con em các nạn nhân mất vì dịch bệnh…

“Sự hy sinh gian khổ, dám xông vào chỗ chết để cứu nhân dân, chính là mang phẩm chất của bộ đội cụ Hồ” - ông Trần Quốc Độ đánh giá về lực lượng tình nguyện viên.

Trước buổi họp mặt, chúng tôi cũng nhận được sự chia sẻ xúc động của chị Nguyễn Thị Thu Thủy - một thành viên trong đội ngũ tình nguyện viên chống dịch. Chị Haà viết: “Vô cùng xúc động khi các tình nguyện viên chưa từng quen biết đã xích lại gần nhau, bất chấp mọi khó khăn, nguy hiểm đến tính mạng của bản thân, cùng nhau nhường cơm, xẻ áo, giúp đỡ đồng bào trong đỉnh dịch covid. Họ có thể là doanh nhân thành đạt, thương gia, luật sư, cán bộ quản lý, giáo viên, hưu trí, nhân viên văn phòng, tài xế, … trở thành người “buôn chuyến” đủ các chủng loại hàng hoá, thành cửu vạn, dân công hoả tuyến cùng chung tay thực hiện, đáp ứng tốt nhất những yêu cầu từ các bệnh viện dã chiến, các khu cách ly, phong toả trong thời gian nhanh nhất một cách phi thường, bắt đầu bằng câu “tôi/chỗ này, chỗ kia cần…”.

Chị chia sẻ thêm: “Những đôi mắt gấu trúc Panda vì mất ngủ, những nụ cười duyên thường xuyên qua chốt gác quá giờ khiến các anh quen mặt, những cuộc gọi cầu cứu vì bị làm khó. Không gian như chùng hẳn khi mất mát đau thương quá nhiều. Những ngày đêm không có cảm thức về thời gian í ới điện thoại cho nhau kể mọi buồn vui bằng giọng hài hước, lạc quan để quên hết mỏi mệt, những lời hẹn ước gặp nhau ngày “hoà bình.

Gần hai năm sau thời điểm Thành phố bước vào trạng thái bình thường mới, kinh tế từng bước được khôi phục, đạt được một số thành tựu đáng khích lệ nhưng dường như những khó khăn cũng như những ảnh hưởng đến sức khoẻ, tinh thần vẫn còn lưu dấu rõ nét, những tháng ngày không quên là một phần ký ức để trân trọng và nâng niu cuộc sống, để yêu thương nhiều hơn”.

Có mặt tại buổi họp mặt, chị Hồ Thanh Nguyên (41 tuổi, tiểu thương chợ Tân Quy, huyện Củ Chi) chia sẻ, thời điểm ấy chiếc xe gắn máy của chị chở một lần 200kg rau, thực phẩm đến với bà con khắp TP.HCM, Bình Dương đã trở thành “nỗi sợ”, cũng như sự quen thuộc với các chốt chống dịch khắp các ngả đường của hai tỉnh thành này.

Chị kể lại trong sự dí dỏm, nhưng mấy ai hiểu hết nỗi vất vả, nguy hiểm mà chị phải đối mặt, trên những chặng đường vận chuyển gạo, sữa, nước mắm, dầu ăn, bột ngọt, đến cho bà con ở những khu nhà trọ, hẻm hóc bị cách ly.

“Lúc đó con bị bắt hoài, ấp này xã này không cho qua ấp kia xã kia. Dù có giấy đi đường nhưng các anh vẫn nói không ai được can thiệp hết, lệnh là lệnh” - chị Nguyên nói và cho biết với người khác tưởng có thể bỏ cuộc, nhưng với chị tinh thần quyết liệt và không sợ hãi, đã thôi thúc chị dùng mọi cách để tiến lên, để đưa được rau, thực phẩm đến với bà con, vì những nơi đó họ đang cực kỳ cần đến. Chính vì sự quyết liệt đó, mà cuối cùng các chốt thấy mặt chị Nguyên cùng chiếc xe thồ hàng quen thuộc đã tháo barie cho chị qua, đến những khu phố tương trợ bà con bệnh tật, khó khăn.

Còn cô giáo mầm non Nguyễn Thị Hoàng Nguyên với cơ thể nhỏ bé, nhưng câu chuyện của chị Nguyên đã gây cảm xúc mạnh mẽ cho người nghe, về những ngày tháng trực tiếp cùng đồng đội đứng giữa lằn ranh sống - chết, để đưa người nhiễm covid nặng đi bệnh viện cứu chữa. Hỗ trợ lực lượng y bác sỹ thuốc men, lương thực, giúp cho nhiều người được cứu sống, từ cõi chết trở về.

“Cô chú biết sao không, đó là trường hợp con thức đến 4 giờ sáng chăm sóc người bệnh, đồng đội nói con mệt quá rồi ngủ chút đi, 6 giờ sáng thức dậy thì người đó đã mất. Rồi đến lượt người con gái cũng tuột oxy và đi theo mẹ. Con cảm nhận rõ sự bấp bênh giữa sự sống và cái chết, nên nếu không làm thì con sẽ ân hận”, chính vì lẽ đó mà chị Nguyên tiếp tục lao vào cứu người, cùng những người quen, người thân, bạn bè vượt các trạm gác, quyết lao vào các khu dân cư, khu nhà trọ cung cấp thực phẩm, gạo, rau, từ khắp các tỉnh ủng hộ về.

Công việc nhiều đến nỗi ngày nào chị cũng nhận được hàng chục, hàng trăm tin nhắn, chị không dám đọc hết, mà theo số thứ tự để giải quyết xong trong ngày, đến hôm sau lại trả lời tin nhắn của những người tiếp theo. Chị và những người trong nhóm thức đêm ròng rã 1-2 giờ sáng, ngủ vài tiếng rồi lại vội vã lên đường.

Hay trường hợp của anh Huỳnh Minh Hiệp, là người tình nguyện đem máy thở, máy đo ô xy vào các bệnh viện dã chiến. Anh cùng người bạn thân của mình là anh Dũng Lê, đi suốt từ sáng đến tối ròng rã nhiều ngày liền, giúp cho các bệnh viện trang thiết bị ngay từ những ngày đầu chống dịch, khiến y bác sỹ rất vui mừng.

Không có mặt ở buổi họp mặt, nhưng câu chuyện về anh Dũng Lê đã lay động người nghe, khi được biết gia đình anh có đến 4 người thân mất vì covid. Không được ở bên cạnh lần cuối, không được đưa tiễn người thân mình anh đi, anh Dũng chỉ có thể cùng anh Hiệp lập bàn thờ trước bệnh viện thắp hương từ biệt. Anh lao vào chống dịch, hỗ trợ bà con, người bệnh, với tinh thần như cứu giúp người thân của mình, với tinh thần còn hơi thở cuối cùng là còn chiến đấu, vì anh có thể là một trong những người gánh chịu nỗi đau thương lớn nhất vì đại dịch, nên anh thấu hiểu nỗi đau này của bà con.

Nói về tấm lòng, và sự hiệu quả của lực lượng Khối vũ trang Biệt động trong công tác chống dịch covid, cô Trần Thị Lệ Thu, cho biết bản thân cô là một chiến sỹ biệt động thành tham gia kháng chiến chống Mỹ. Thời điểm đỉnh dịch, cô ở thuê tại phường Long Thạnh Mỹ, quận 9, vì tuổi già lại mang bệnh tật nên các đồng chí trong Ban chủ nhiệm Khối vũ trang Biệt động khuyên cô ở nhà, không nên tham gia chống dịch.

Trong không khí chống dịch như chống giặc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan, đoàn thể, tổ chức đã hỗ trợ thực phẩm kịp thời cho bà con các khu nhà trọ, công nhân nghèo… Nhưng thực tế, theo cô Thu đôi khi các đoàn thể bỏ quên mất những gia đình được cho là khá giả. Vì vậy, nguyên dãy nhà lầu nơi cô ở suốt 3 tuần không có ai giúp đỡ, bị cách ly nghiêm ngặt không đi mua lương thực được dẫn đến cạn kiệt.

“Lúc đó nghe cháu Trần Vũ Bình gọi hỏi có khó khăn gì không, tôi nghe mà xúc động rơi nước mắt, cảm động trước dòng máu của Anh hùng lực lượng vũ trang Trần Văn Lai”, cô Thu bày tỏ, ngay sau đó, lực lượng tình nguyện viên Khối vũ trang Biệt động theo chỉ đạo của ông Bình đã xuống tận chốt trao thùng mì gói, thùng cháo, rau, chanh, sả cho cô Thu.

Cô Thu xúc động nói thêm: “Khi về đến nhà tôi, thì thùng mì, thùng cháo mỗi thứ chỉ còn một gói, bà con, đặc biệt là các cụ già trong xóm khó khăn quá chẳng lẽ không chia sẻ, nên tôi sẵn sàng nhường cơm xẻ áo, với suy nghĩ một miếng khi đói bằng một gói khi no. Nếu mà so sánh thì nhận được gói cháo lúc đó còn hơn cả chục triệu bây giờ”.

Hướng về phía chú Trần Quốc Độ, người đồng đội chiến đấu của mình khi xưa, đã có mặt kịp thời ở khu nhà cô Thu ở thời điểm phong tỏa vì dịch bệnh.

 

“Nghe anh Độ nói có thuốc men, máy thở, tôi đã khóc. Những người đồng chí, đồng đội Khối vũ trang Biệt động thật sự gương mẫu, vẫn một lòng một dạ thể hiện tình cảm gắn bó bất chấp hoàn cảnh hiểm nguy, khó khăn”, cô Thu bày tỏ lòng biết ơn những người đồng đội của mình, và sự cảm phục với các con em cán bộ, chiến sỹ biệt động đã không màng hiểm nguy, sống chết, để lo cho đồng đội, đồng bào, nói lên đức tính tiếp nối của cha anh tình báo, biệt động mình trước đây.

Thành lập Bảo tàng về cuộc chiến chống dịch COVID-19

Nhận được chủ trương chấp thuận của Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ truyền thống kháng chiến Khối vũ trang Biệt động Sài Gòn - Gia Định, ông Trần Vũ Bình đã tiếp nhận các hiện vật do Ban chủ nhiệm và lực lượng tình nguyện viên trao tặng, nhằm tiến tới thành lập bảo tàng về cuộc chiến chống dịch Covid, để ghi nhớ về một thời dịch bệnh khốc liệt, để ghi nhớ những đóng góp, công lao của lực lượng tình nguyện viên sẵn sàng lao vào tâm dịch, chiến đấu vì lòng yêu nước, vì tính mạng, sức khỏe của nhân dân.

Các hiện vật gồm có Bằng khen của Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, ghi nhận thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh

Đó là hai cuốn giấy giới thiệu đi đường chỉ còn cùi, do Ban chủ nhiệm cấp giấy đi đường cho các tình nguyện viên. Đó là những bộ quần áo bảo hộ, là những chiếc khẩu trang, là những lọ nước muối, dung dịch sát khuẩn; đèn ưu tiên xe đi đường… của những người một thời lao vào tâm dịch cứu người.

 

 

 

 

 

Tuyết Khuê