GS,TS, Bác sĩ  Đỗ Kim Quế, Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất thông tin với báo chí (Ảnh: Anh Thư) 

 Stent Graft được sử dụng như một đoạn động mạch nhân tạo, gồm phần giá đỡ bằng kim loại đặc biệt, phủ sợi tổng hợp, đưa vào tận động mạch của bệnh nhân để "trợ giúp" đoạn động mạch bị tổn thương.

Nam bệnh nhân (42 tuổi) nhập viện lúc 23 giờ 50 phút ngày 2/1 vừa qua, bị tai nạn giao thông, chấn thương rất nặng. Kết quả khám cho thấy nam bệnh nhân bị vỡ động mạch chủ ngực đoạn eo, dập mạc treo ruột non và đa chấn thương, tụt huyết áp, choáng sau chấn thương.

PGS,TS, Bác sĩ  Đỗ Kim Quế, Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất cho biết: Đây là tình huống cấp cứu tim mạch cực kỳ nghiêm trọng, nếu không can thiệp kịp thời, tỉ lệ tử vong lên đến 90%.

BS Đỗ Kim Quế và các cộng sự đã áp dụng một kỹ thuật mới là Stent Graft để chữa trị cho nam bệnh nhân. Stent Graft được sử dụng như một đoạn động mạch nhân tạo, gồm phần giá đỡ bằng kim loại đặc biệt, phủ sợi tổng hợp, đưa vào tận động mạch của bệnh nhân để "trợ giúp" đoạn động mạch bị tổn thương.

Đây là một kỹ thuật khó, để có thể thực hiện được kỹ thuật này bệnh viện đã phải chuẩn bị rất nhiều mặt từ nhân lực cho đến trang thiết bị. Kỹ thuật này đã được sử dụng khoảng 100 lần tại Bệnh viện Thống Nhất cho những bệnh lý liên quan đến động mạch, đây là lần đầu tiên được ứng dụng can thiệp dạng cấp cứu.

Hình ảnh chụp DSA sau can thiệp Stent Graft. (Ảnh: Bệnh viện cung cấp)

 Kỹ thuật can thiệp nội mạch này giúp cải thiện rất nhiều những hạn chế so với kỹ thuật mổ hở cũ (nguy cơ tử vong đến 30%). Với kỹ thuật này chỉ 6 tiếng sau phẫu thuật là sức khỏe bệnh nhân hầu như đã ổn định, 1 ngày sau là có thể đi lại bình thường.

Đến ngày 6/1, bệnh nhân đã khỏe mạnh, đi lại bình thường và sẽ sớm được xuất viện./.

Hoàng Mẫn