Chiều 16/3, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 TP Hồ Chí Minh đã họp giao ban trực tuyến với các sở, ngành và 24 quận, huyện trên địa bàn.
Chủ trì tại điểm cầu Thành ủy là đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh. Chủ trì tại điểm cầu UBND TP là đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch TP.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh chủ trì tại điểm cầu Thành ủy.
Ảnh: Trung tâm báo chí TPHCM
Cần rút ra bài học từ tình hình dịch bệnh trên thế giới
Phát biểu tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đánh giá, với sự chỉ đạo quyết liệt và hưởng ứng có trách nhiệm của sở, ngành, quận, huyện đến thời điểm hiện nay, TP đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, TP cũng cần phải nhìn rộng ra xung quanh để thấy thế giới đang đối mặt với thách thức gì, tại sao có nước ngăn chặn tốt nhưng cũng có nước rất khó khăn, từ đó rút ra bài học cho mình.
Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, bài học đầu tiên chính là phải hạn chế lây lan dịch bằng việc đeo khẩu trang, phát hiện sớm cách ly ngay từ lúc mới tiếp xúc. Bài học thứ hai là mỗi người, mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần có sự chia sẻ với nhau, bởi bệnh dịch này là không bình thường. Không phải chỉ những người bị bệnh mới chịu hậu quả, mà cuối cùng mỗi người chúng ta đều chịu những tác động từ dịch bệnh này. Theo dự báo tình hình dịch bệnh có thể kéo dài, do đó chúng ta phải điều chỉnh nếp sống, cách sinh hoạt và cách làm việc để duy trì duy trì tổng thể năng suất xã hội không quá thấp.
Bài học thứ ba, theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, chống virus là phải theo quy luật sinh học, không duy ý chí nhưng không nên hoảng sợ. Mỗi người dân vừa làm công tác truyền thông, vừa tham gia giám sát, cùng chung tay chia sẻ xã hội. Bí thư Thành ủy nhấn mạnh: cùng với thực hiện đeo khẩu trang nơi công cộng, rửa tay đúng cách, không tập trung nơi đông người, một trong những nhiệm vụ quan trọng là cần tăng cường chủ động dự báo, phát hiện nguy cơ người lây nhiễm từ các nước và địa phương khác vào TP. Khi có ca nhiễm lập tức truy tìm những người tiếp xúc để cách ly, loại trừ được khả năng bị nhiễm bệnh.
TP Hồ Chí Minh khẳng định có đủ khẩu trang, hiện đang hợp đồng với 16 công ty sản xuất khẩu trang. Nếu học sinh đi học trở lại, TP sẽ cung cấp 50 triệu khẩu trang cho học sinh. Bên cạnh đó, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân cho biết, TP đảm bảo năng lực cách ly và chữa bệnh trong phòng chống dịch bệnh COVID – 19. TP đảm bảo đủ kinh phí để phòng chống dịch. “Chúng ta sẽ giữ vững được TP là nơi an toàn, là nơi vẫn duy trì được điều kiện cơ bản của cuộc sống” – Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Đảm bảo cơ sở vật chất đáp ứng dịch bùng phát trên diện rộng
Nhận định về tình hình COVID-19 hiện nay, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho rằng, dịch đang diễn biến hết sức phức tạp, công tác chống dịch Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới. Chủ tịch UBND TP yêu cầu các Sở, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện của TP cần nghiêm túc khẩn trương thực hiện Chỉ thị số 26 và Công văn 904 của UBND TP về công tác phòng chống dịch bệnh. Sở Y tế cần chuẩn bị kịch bản ứng phó với từng đối tượng, chú trọng cơ sở vật chất sẵn sàng đáp ứng dịch bùng phát trên diện rộng. Về các khu cách ly tập trung, theo Chủ tịch UBND TP cần thực hiện sẵn sàng có 25.000 chỗ cách ly, sàng lọc và chia khu đối với từng cấp độ lây nhiễm để tránh lây chéo trong quá trình cách ly.
Dự kiến sắp tới sử dụng khu cách ly mới tại quân khu để tiếp nhận người cách ly tại các tỉnh miền Đông Nam bộ nên phải chuẩn bị kỹ cơ sở vật chất, trang thiết bị và lực lượng.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong chủ trì điểm cầu tại UBND TP. Ảnh: Trung tâm báo chí TPHCM
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đề nghị, mọi người thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng về việc đeo khẩu trang khi đến nơi tụ tập đông người, siêu thị, sân bay, nhà ga, bến xe... để đảm bảo sức khỏe cho chính mình và cộng đồng. Cán bộ trong hệ thống chính trị phải thực nghiêm túc nội dung này và vận động những người trong gia đình cùng thực hiện.
“Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP, các khu cách ly thường xuyên cập nhật danh sách người nước ngoài được cách ly khi có thay đổi, có thông tin liên quan người nước ngoài cần thông tin ngay cho Sở Ngoại vụ để kịp thời thông báo cho Tổng lãnh sự các nước, các đơn vị xử lý thông tin”- Chủ tịch UBND Nguyễn Thành Phong yêu cầu.
Báo cáo tại cuộc họp, GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, các ca nhiễm COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh đều là những ca xâm nhập. Đối với 5 ca nhiễm mới, ngành y tế TP đã tiến hành điều tra, xác minh bệnh nhân COVID-19 thứ 45 có 60 người tiếp xúc, kết quả xét nghiệm 56 trường hợp âm tính, 4 trường hợp đang chờ kết quả. Với bệnh nhân 48 có 197 người tiếp xúc, trong đó 69 trường hợp đã xác định âm tính.
Bệnh nhân 53 có 131 người tiếp xúc, có 90 trường hợp âm tính, còn lại đang chờ kết quả xét nghiệm. Đặc biệt, với ca bệnh số 54 nhập cảnh từ chuyến bay TK162, sau đó tiếp tục đi Phú Quốc và trở về TP, đã xác định, cách ly và lấy mẫu xét nghiệm của 27 người tiếp xúc, 20 người đã có kết quả âm tính, 4 người chờ kết quả và 3 trường hợp đang đi Cần Thơ nên chưa lấy được mẫu xét nghiệm.
Cũng theo GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, trong giai đoạn mới, với nguy cơ lây nhiễm rất cao từ châu Âu, Sở Y tế sẽ tiếp tục kiểm soát chặt tại các cửa khẩu, yêu cầu khai báo y tế đối với cả khách quốc tế và khách nội địa, đồng thời đặc biệt chú ý các chuyến bay nối chuyến đi qua vùng dịch. Hiện nay, số khách Việt Nam về từ các nước châu Âu và Mỹ rất lớn nên công tác kiểm dịch y tế cửa khẩu rất vất vả, Sở Y tế đang đề nghị để tránh ùn tắc cửa khẩu, TP cho phép lấy tờ khai y tế và mẫu xét nghiệm của những khách này tại địa điểm cách ly.
Về công tác xét nghiệm, đại diện Sở Y tế cho biết, hiện TP đã có sẵn 3.000 bộ kít xét nghiệm COVID - 19. Từ nay cuối tháng 3 có 10.000 bộ kít xét nghiệm phục vụ xét nghiệm diện rộng. Tháng 4 sẽ có thêm 20.000 bộ kít xét nghiệm và tháng 5 – 6 chuẩn bị có 20.000 bộ kít xét nghiệm. “TP đã xây dựng kế hoạch ứng phó khi dịch bệnh bùng phát trong cộng đồng; cũng như kịch bản cách ly từng cấp độ trước diễn biến phức tạp có thể xảy ra”, Giám đốc Sở Y tế TP Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết./.