Nắm bắt được lợi thế to lớn này, vừa qua Uỷ ban nhân dân TP.Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch phát triển du lịch đường thủy TP.Hồ Chí Minh giai đoạn 2017-2020, mục tiêu đến năm 2020, theo đó, sẽ có ít nhất 7 chương trình du lịch đường thủy được đưa vào khai thác. Số lượng khách du lịch đường thủy đến TP.Hồ Chí Minh trong năm năm 2017-2018 phấn đấu đạt khoảng 450.000 lượt khách/năm và tăng khoảng 15% trong những năm tiếp theo. Cùng với đó, TP.Hồ Chí Minh cũng đặt mục tiêu số lượng khách quốc tế đi đường biển đến Thành phố đạt 470.000 lượt/năm trong giai đoạn 2017-2018.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch, sông Sài Gòn với độ sâu lý tưởng từ 6 đến 12 m, rất thuận tiện cho các tàu vận tải có trọng tải lớn và tàu du khách có mớn nước hơn 6 m đi lại dễ dàng. Sông Sài Gòn chảy qua trung tâm thành phố, chưa kể các nhánh sông hầu hết bao bọc các quận nội thành, tạo ra một bức tranh vô cùng sinh động với những cảnh sinh hoạt trên bến dưới thuyền, giao thương thuận lợi với các vùng miền, từ miền đông đến miền tây. TP.Hồ Chí Minh có được dòng sông Sài Gòn vừa đẹp vừa có khả năng tạo ra nguồn thu lớn cho ngân sách của thành phố. Ngoài ra, điều khác biệt mà các Thành phố khác không có được là cảng Sài Gòn dành cho tàu viễn dương du lịch đậu ngay bến Nhà Rồng, một di tích lịch sử nổi tiếng, tạo nét riêng, sang trọng của thành phố. Ðoạn cuối sông Sài Gòn có rừng ngập mặn Cần Giờ, khu sinh quyển thế giới, là lá phổi của Thành phố, nơi có những di tích lịch sử và khu du lịch có tiếng.

Để thu hút được khách du lịch bằng đường thủy, TP.Hồ Chí Minh cần phải cải tạo lại hệ thống cầu tàu, nhà chờ, bến đậu, bởi hệ thống này đang trong tình trạng thiếu và yếu về chất lượng. Bên cạnh đó, một số vấn đề như nguồn nước ô nhiễm nặng, kênh rạch bị lấn chiếm nhiều, cảnh quan còn đơn điệu, độ tĩnh không thấp, khó cho tàu thuyền lưu thông... cũng kìm hãm quá trình phát triển của loại hình du lịch sông nước. Ðáng lưu ý, khu vực neo đậu cho phương tiện thủy vẫn chưa được xác định, qua đó ngăn cản nhiều loại hình phương tiện vận tải phát triển tại Thành phố.

Du thuyền đêm trên sông Sài Gòn (Ảnh: K.V)

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP.Hồ Chí Minh cho biết: Xác định du lịch đường sông là trọng tâm, là sản phẩm chiến lược trong định hướng phát triển sản phẩm du lịch của Thành phố từ nay đến năm 2020, Sở đang tập trung, khẩn trương tham mưu Uỷ ban nhân dân Thành phố thực hiện nhiều giải pháp trọng tâm. Ðó là, thành phố cần chú trọng công tác tổ chức đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ quản lý nhà nước về du lịch đường thủy nội địa; nâng cao nhận thức về vai trò của du lịch đường sông đối với đội ngũ cán bộ, chuyên viên, nhân viên… ngành du lịch. Một vấn đề lớn hiện nay là thành phố cần tập trung cải thiện nâng cao chất lượng môi trường nước trên các tuyến đường thủy, nhất là tuyến nội đô kênh Nhiêu Lộc, kênh Tàu Hủ, rạch Bến Nghé, rạch Lò Gốm, tạo thuận lợi cho các phương tiện du lịch thủy lưu thông trên thượng lưu sông Sài Gòn. Ðồng thời, nâng cao ý thức và tính tự giác của cộng đồng dân cư sống ven sông, kênh rạch trong việc giữ gìn cảnh quan, vệ sinh, môi trường. Sở sẽ phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu thành phố hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch đường sông như: xây dựng một số bến tàu, nâng cấp và xây dựng các cầu tàu, nhà chờ đón khách đủ tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; xây dựng các trạm dừng kết hợp đường bộ và đường sông; thúc đẩy và hỗ trợ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kêu gọi vốn đầu tư, các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch.

Được biết, Thành phố vừa chính thức triển khai tuyến buýt đường sông để phục vụ người dân, du khách. Trong 10 ngày đầu khai thác, hành khách tham gia được miễn phí toàn bộ vé. Chương trình nhằm thu hút cũng như định hướng thói quen di chuyển từ đường bộ sang đường thủy, có thêm nhiều lựa chọn phương tiện lưu thông cho người dân. Trong thời gian tới, một số tuyến đường thủy phục vụ du lịch nội đô và du lịch ngoại tỉnh như tuyến Nhiêu Lộc - Thị Nghè, tuyến đi quận 7, tuyến đi Bình Dương, Củ Chi, tuyến đi Cần Giờ, Vũng Tàu, các tỉnh miền Tây… sẽ được đẩy nhanh tiến độ thực hiện./.

K.V