Việc giải phóng mặt bằng còn hơn 50% chưa thực hiện được
Chiều 2/8, đoàn cán bộ TP. Hồ Chí Minh do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Trần Lưu Quang dẫn đầu đã có buổi làm việc với Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
Tại buổi làm việc, PGS. TS Huỳnh Thành Đạt, Uỷ viên Trung ương Đảng- Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đã thông tin tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng tại Khu đô thị Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Trần Lưu Quang cùng các đại biểu thăm Viện Tế bào gốc, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM (Ảnh: Đan Như)
Theo đó, tính đến tháng 6/2019 diện tích đất đã thu hồi tại Khu đô thị Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh là 531,86ha (đạt tỷ lệ 82,62%). Công tác tái định cư đã triển khai Khu tái định cư 6,8 ha tại phường Linh Xuân, quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh gồm 334 nền và đã bố trí 75/334 nền; Khu tái định cư 33,6 ha tại phường Bình An, thị xã Dĩ An, tỉnh BÌnh Dương gồm 1.042 nền, đã bố trí giao nền 589 hộ dân với 855 nền. Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đã được Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình chấp thuận chủ trương thực hiện Khu tái định cư mới bằng nền đất (khoảng 10ha) trên địa bàn phường Linh Xuân, quận Thủ Đức, thay thế cho phương án cũ là tái định cư bằng căn hộ chung cư tại phường Phú Hữu, Quận 9.
Đại diện Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cho rằng, việc bồi thường kéo dài gây rất nhiều khó khăn cho sự phát triển Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh và người dân sống trong Khu đô thị Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng bồi thường giải phóng mặt bằng kéo dài là vốn cấp cho công tác này hàng năm còn chưa đáp ứng được theo nhu cầu. Chính sách giá đền bù các khu vực có thay đổi theo thời gian do chế độ chính sách của địa phương thay đổi dẫn đến diện tích đất được người dân bàn giao không liền thửa nên rất khó khăn trong công tác quản lý chống tái lấn chiếm, đất để trống nhưng không sử dụng được… Hiện,việc giải phóng mặt bằng tại trường vẫn còn hơn 50% chưa thực hiện được.
PGS.TS Huỳnh Thành Đạt kiến nghị với Thành ủy và UBND TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương hỗ trợ giải quyết những khó khăn, vướng mắc và tồn tại trong công tác tái định cư, bồi thường giải phóng mặt bằng, trong đó UBND TP. Hồ Chí Minh xem xét phê duyệt sớm trong năm 2019 đối với phương án bồi thường và tái định cư của dự án bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư xây dựng Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh do UBND quận Thủ Đức đã trình để chủ đầu tư có cơ sở thực hiện phù hợp với tình hình thực tế.
Về nguồn vốn cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, trong trường hợp ngân sách nhà nước chưa kịp thời bố trí để hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng tái định cư, TP.Hồ Chí Minh cho phép Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh vay ngân sách TP. Hồ Chí Minh theo quy định tại Nghị quyết 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh.
Đại diện quận Thủ Đức cho biết, trên địa bàn quận có tổng số hộ dân ảnh hưởng từ dự án xây dựng Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh là 1.350 hộ, đến nay mới đền bù gần 300 hộ. Hiện còn 58% về số đất và hơn 70% về số dân bị ảnh hưởng từ dự án chưa bồi thường giải phóng mặt bằng được. Đại diện quận Thủ Đức cho rằng, để thực hiện được bồi thường giải phóng mặt bằng cho dự án cần phải có vốn, song song là bố trí tái định cư cho người dân một cách phù hợp.
Hỗ trợ phát triển Đại học Quốc gia chính là hỗ trợ phát triển TP. Hồ Chí Minh
Tại buổi làm việc, PGS.TS Huỳnh Thành Đạt cho biết, thêm hiện nay, quy mô đào tạo đại học chính quy của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh gần 57.000 sinh viên. Quy mô đào tạo sau đại học khoảng 8.000 học viên. Hàng năm đơn vị cung cấp cho xã hội khoảng 10.000 kỹ sư, cử nhân chất lượng cao, 1.300 thạc sĩ và gần 50 tiến sĩ thuộc hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề hoạt động xã hội, góp phần vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Trần Lưu Quang cùng các đại biểu tham quan phòng thí nghiệm tại Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh (Ảnh: Đan Như)
Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đang dẫn đầu cả nước về số lượng các chương trình đạt chuẩn chất lượng khu vực và quốc tế, tổng cộng có 60 chương trình được đánh giá và công nhận đạt chuẩn, trong đó có 49 chương trình đạt chuẩn AUN-QA (chuẩn của Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á), chiếm gần 50% số chương trình đạt chuẩn AUN-QA trên cả nước. Về xếp hạng, từ năm 2013 đến nay, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh luôn được xếp trong tốp 150 trường tốt nhất châu Á theo bảng xếp hạng QS Asia và trong nhóm 701-750 đại học tốt nhất thế giới theo QS World năm 2018 và 2019 theo Tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds (QS) - Anh quốc. Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh phấn đấu đến năm 2025 trở thành một trong 100 trường đại học hàng đầu của châu Á…
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Trần Lưu Quang đánh giá cao những kết quả Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đã đạt được trong thời gian qua, trong đó đơn vị trong nhóm 701-750 đại học tốt nhất thế giới theo QS World năm 2018 và 2019; đội ngũ cán bộ có chuyên môn cao; có nhiều cách làm sáng tạo, cũng như thời gian qua, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đã giúp cho nhiều địa phương về nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đồng chí Trần Lưu Quang nhấn mạnh, TP hỗ trợ phát triển Đại học Quốc gia chính là hỗ trợ phát triển của TP. Hồ Chí Minh. Nếu Đại học Quốc gia phát triển và mối quan hệ giữa Đại học Quốc gia và TP. Hồ Chí Minh phát triển, TP sẽ tự tin hơn về việc phát triển là một trung tâm khoa học - công nghệ, TP thông minh, TP sáng tạo.
Chia sẻ với những khó khăn, thách thức của Đại học Quốc gia, đồng chí Trần Lưu Quang cho rằng, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cần tính toán để có mô hình học mới phù hợp với xu hướng phát triển hiện nay.
Đồng chí đề nghị các đơn vị của TP phối hợp với Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tìm ra những giải pháp có tính khả thi nhằm đẩy nhanh tiến độ công tác bồi thường giải phóng mặt bằng cho dự án Khu Đô thị Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh./.