Toàn cảnh Hội thảo.
Trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), sự bùng nổ của số hóa đã ảnh hưởng sâu rộng đến hầu hết các ngành nghề và lĩnh vực, đòi hỏi các doanh nghiệp phải chuyển sang sử dụng các kênh giao tiếp số, để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Riêng đối với ngành ngân hàng, việc chuyển đổi số không còn là sự lựa chọn mà là yêu cầu bắt buộc, là chiến lược cần thiết để giúp ngành ngân hàng cạnh tranh và phát triển bền vững trong kỷ nguyên 4.0, đặc biệt là trong lĩnh vực thanh toán.
Đây là nội dung được đề cập tại Hội thảo khoa học góp ý về đề tài “Phát triển thanh toán không sử dụng tiền mặt: Thực trạng và giải pháp” do Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển kinh tế số Hoàng Văn Ninh là Chủ nhiệm Đề tài, được Viện Chiến lược Phát triển Kinh tế số tổ chức ngày 1.7, tại TP. Hồ Chí Minh.
Hội thảo có sự tham dự của ông Trần Văn, Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển Kinh tế số, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội; ông Dương Quốc Anh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển Kinh tế số, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Chiến lược Phát triển Kinh tế số; ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam…
Hội thảo tổ chức được chia thành 3 phiên gồm: về thực trạng, cơ hội và thách thức đối với hệ thống ngân hàng trước bối cảnh chuyển đổi số; về kinh nghiệm quốc tế và giải pháp nhằm thúc đẩy thanh toán không sử dụng tiền mặt tại Việt Nam; ý kiến góp ý đối với đề tài nghiên cứu.
Chuyển đổi số trong hệ thống ngân hàng có tốc độ phát triển rất nhanh
Thực hiện chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã không ngừng hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển thanh toán số, ngân hàng số như :ban hành Kế hoạch triển khai các Đề án, Chương trình nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng; Ban hành Thông tư hướng dẫn mở tài khoản thanh toán, phát hành thẻ, phát hành bảo lãnh bằng phương thức điện tử (eKYC), thúc đẩy thanh toán QR code; Triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile-Money); Đồng thời đã xây dựng và trình Chính phủ dự thảo Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt ( thay thế nghị định 101)và Nghị định về Cơ chế quản lý thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng; phối hợp Bộ Công an triển khai kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư,...
Mặt khác hiện nay Chính phủ và các Bộ ngành đã xây dựng các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, dân cư, thuế, hóa đơn điện tử, hải quan, bảo hiểm xã hội… qua đó các TCTD có thể định danh, xác thực, kiểm chứng thông tin trong các hoạt động của mình.
Nhờ có các giải pháp đồng bộ của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các Bộ ngành, trong những năm vừa qua, chuyển đổi số trong hệ thống ngân hàng có tốc độ phát triển rất nhanh, nhiều ngân hàng có tỉ lệ giao dịch trên kênh số chiếm đến 94-97% số lượng giao dịch trên kênh số, đặc biệt trong trong lĩnh vực thanh toán điện tử.
Bên cạnh việc hoàn thiện các dịch vụ thanh toán truyền thống, hầu hết các ngân hàng thương mại Việt Nam đã và đang triển khai các dịch vụ thanh toán mới, hiện đại dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin và viễn thông với nhiều sản phẩm, phương tiện mới, bảo đảm an toàn, tiện lợi, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thanh toán của khách hàng, phù hợp với xu thế thanh toán của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Các ngân hàng thương mại Việt Nam đã đầu tư mạnh mẽ công nghệ mới, ngân hàng lõi, ứng dụng API, xây dựng hệ sinh thái ngân hàng mở,... Thống kê cho thấy, đến cuối năm 2022, ngành ngân hàng đầu tư hơn 15.000 tỷ đồng cho hoạt động chuyển đổi số và đưa Việt Nam là một trong những nước ứng dụng ngân hàng số hàng đầu, với tỷ lệ tăng trưởng 40% về thanh toán số trong 3-4 năm qua.
Các ngân hàng đã áp dụng mô hình kết nối do ngân hàng làm chủ/kiểm soát (Orchestrator) với các khách hàng của ngân hàng như VietinBank hợp tác cùng Opportunity Network trong cung cấp nền tảng số cho doanh nghiệp, Vietcombank và M-Service hợp tác trong thanh toán chuyển tiền; hợp tác giữa VPBank và Moca trong cung cấp dịch vụ thanh toán số, hay sự kết hợp giữa VIB và công ty Fintech Weezi cung cấp ứng dụng MyVIB Keyboard giúp khách hàng có khả năng chuyển tiền qua mạng xã hội; Techcombank hợp tác cùng Fastcash đưa ra tính tăng F@st mobile giúp chuyển tiền qua Facebook và Google+;…, đồng thời cũng triển khai mô hình tham gia hệ sinh thái đối tác (Partnership) khi ngân hàng cung cấp dịch vụ tài chính cho các hệ sinh thái như BIDV đã có quan hệ đối tác với VNPT, Viettel, FPT…
Ứng dụng Mobile banking, “Ví điện tử” của nhiều tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán đã cho phép khách hàng tiếp cận, sử dụng đầy đủ các tiện ích, dịch vụ ngân hàng như chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, đóng bảo hiểm, vay thấu chi, vay tiêu dùng… Ngoài ra là những dịch vụ ngoài ngân hàng (beyond banking) như: Giao hàng, đặt xe, đặt vé… mọi lúc, mọi nơi ngay trên điện thoại di động thông minh cá nhân.
Tính đến cuối năm 2022, có 40 ngân hàng đã triển khai chính thức quy trình mở tài khoản thanh toán eKYC với hơn 11,9 triệu tài khoản thanh toán mở bằng eKYC đang hoạt động; có 22 ngân hàng triển khai chính thức mở thẻ eKYC với gần 10,8 triệu thẻ mở bằng eKYC đang hoạt động. Ngoài ra, đến tháng 4/2023, NHNN đã phối hợp với Bộ Công an (C06) hoàn thành xác thực hơn 25 triệu thông tin tín dụng khách hàng vay với vơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Trong 5 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022: Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 52,35% về số lượng; qua kênh Internet tăng 75,54% về số lượng và 1,77% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 64,26% và 7,65%; qua phương thức QR code tăng tương ứng 151,14% và 30,41%; qua POS tăng tương ứng 30,35% và 27,27% về giá trị; qua ATM giảm 4,62% về số lượng và 6,43% về giá trị, phản ánh xu hướng dịch chuyển sang thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt.
Số lượng tài khoản cá nhân mở tại các NHTM trên cả nước đạt khoảng 68,7 triệu tài khoản, khoảng 70 TCTD đã cung cấp dịch vụ thanh toán qua Internet và khoảng 36 NHTM cung cấp dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho 21 tổ chức không phải là ngân hàng cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (các công ty Fintech trong lĩnh vực thanh toán). Bên cạnh đó, vấn đề an ninh, an toàn bảo mật trong lĩnh vực thanh toán được ngành Ngân hàng hết sức quan tâm, chú trọng.
Các kết quả nêu trên cho thấy, quá trình chuyển đổi số ngân hàng đã làm thay đổi hành vi sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng, góp phần đẩy nhanh tiến trình thanh toán không dùng tiền mặt.
Thời gian tới, các tổ chức tín dụng cho biết sẽ tiếp tục tập trung chuyển đổi số các hoạt động kinh doanh truyền thống cùng với việc có thêm nhiều kênh tương tác với khách hàng hiệu quả hơn. Cụ thể là các sản phẩm, dịch vụ mới, như: Phát triển tính năng nộp/rút tiền trên máy giao dịch tự động; nộp/rút tiền mặt bằng căn cước công dân gắn chíp; giải ngân trực tuyến dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; thanh toán quốc tế trực tuyến ngay tại phía khách hàng; mở thẻ tín dụng qua tương tác giao dịch với rô bốt, thanh toán chạm bằng điện thoại thông minh (tap to pay), thanh toán phi tiếp xúc, thanh toán bằng giọng nói, khuôn mặt...
Theo dự báo của NHNN, giá trị thanh toán di động tại Việt Nam dự kiến sẽ lên đến 70,9 tỷ USD vào năm 2025. Theo báo cáo e-Conomy SEA 2022, thanh toán số tại Việt Nam dự kiến sẽ đạt 143 tỷ USD tổng giá trị giao dịch tại Việt Nam vào năm 2025.
Một số cơ hội mà chuyển đổi số đem lại đối với lĩnh vực thanh toán tại các ngân hàng
Cơ hội lớn nhất của chuyển đổi số trong hệ thống ngân hàng là tăng cường trải nghiệm khách hàng thông qua các dịch vụ thanh toán tiện lợi và an toàn hơn. Khách hàng có thể thực hiện giao dịch bất cứ lúc nào và ở bất kỳ đâu thông qua các ứng dụng di động, hệ thống thanh toán trực tuyến hoặc các thiết bị thanh toán không dây.
Hiện nay, khách hàng đang dần chuyển đổi việc mua sắm trực tiếp truyền thống sang mua sắm trên các trang thương mại điện tử. Vì vậy, các ngân hàng đã ứng dụng các phần mềm công nghệ thông tin hiện đại như phần mềm corebanking thế hệ mới, ứng dụng các giải pháp sáng tạo theo xu hướng chung về chuyển đổi số, số hóa dịch vụ của ngành Ngân hàng với mục tiêu cuối cùng là cung cấp các sản phẩm dịch vụ thanh toán tiện ích, đơn giản, thông minh và tiếp cận khách hàng tốt nhất. Việc áp dụng công nghệ số giúp ngân hàng đơn giản hóa các quy trình thủ tục, giấy tờ, giúp cho việc trao đổi thảo luận tức thời hơn, công việc luân chuyển tốt hơn, giảm thủ tục giấy tờ hành chính, đồng thời tính minh bạch cũng được nâng cao hơn.
Chuyển đổi số cũng giúp ngân hàng nâng cao tính cạnh tranh trong thị trường. Bằng cách cung cấp dịch vụ kỹ thuật số và trải nghiệm khách hàng tốt hơn, ngân hàng có thể thu hút và giữ chân khách hàng, cải thiện danh tiếng và tăng doanh số. Đồng thời, ngân hàng có thể tận dụng công nghệ để phát triển các dịch vụ mới, như thanh toán di động, giao dịch trên blockchain.
Chuyển đổi số cung cấp cho ngân hàng khả năng thu thập và phân tích dữ liệu phong phú. Bằng cách sử dụng công nghệ như trí tuệ nhân tạo và big data, ngân hàng có thể tạo ra kiến thức phân tích sâu hơn về hành vi khách hàng, xu hướng thị trường và hiệu suất tài chính. Điều này giúp ngân hàng đưa ra quyết định chiến lược thông minh và cung cấp dịch vụ tốt hơn cho khách hàng.
Ngoài ra, chuyển đổi số cũng giúp các ngân hàng tăng cường khả năng quản lý rủi ro và giảm chi phí hoạt động. Sự phát triển của trí thông minh nhân tạo, blockchain, khoa học dữ liệu, nhận diện số và sinh trắc học… đã tạo nền tảng cơ sở hạ tầng quan trọng, từ sử dụng nhân viên ngân hàng truyền thống sang sử dụng trí tuệ nhân tạo, robot sẽ dần thay thế một số hoạt động của con người. Đồng thời, nhận dạng số sẽ trở thành nhận dạng cơ bản và được bảo mật thông qua yếu tố sinh trắc học như giọng nói hay dấu vân tay và một số các thiết bị thông minh khác.
Đồng thời, cuộc CMCN 4.0 cũng tạo cơ hội cho các ngân hàng mở rộng phạm vi hoạt động ra thị trường quốc tế. Việc ứng dụng công nghệ số giúp các ngân hàng dễ dàng đưa các dịch vụ của mình đến gần với khách hàng ở khắp mọi nơi trên thế giới. Và ngay tại Việt Nam chuyển đổi số cũng tạo điều kiện cho ngân hàng cơ hội tiếp cận và mở rộng cung ứng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng phù hợp đến người dân chưa có tài khoản ở vùng sâu, vùng xa với chi phí hợp lý; từ đó góp phần làm đẩy mạnh phổ cập tài chính quốc gia.
Theo Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển kinh tế số Hoàng Văn Ninh, việc nghiên cứu Đề tài “Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam - Thực trạng và giải pháp hoàn thiện” để xác định định hướng, giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam trong thời gian tới là hết sức cần thiết. Đây cũng là cơ sở để cung cấp thêm các thông tin, phục vụ cho Ủy ban Kinh tế thực hiện thẩm tra dự án Luật Các tổ chức tín dụng đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5, dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 6 và sửa đổi Luật Ngân hàng Nhà nước trong thời gian tới.
Về phần mình, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển kinh tế số Trần Văn cho rằng, khuôn khổ pháp lý về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử đã được bổ sung, hoàn thiện; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật từ các nghị định đến thông tư được ban hành khá đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán. Cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt được chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả. Các dịch vụ, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt hiện đại dựa trên ứng dụng nền tảng công nghệ thông tin, fintech phát triển mạnh, đa dạng với nhiều sản phẩm, phương tiện mới, an toàn, tiện lợi; các công nghệ mới trong lĩnh vực thanh toán (ATM, POS, internet/mobile payment, QR Code, contactless payment, super app của một số fintech...) thu được những kết quả tích cực; tốc độ tăng quy mô giao dịch qua kênh thanh toán hiện đại khá cao, được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những thị trường có tốc độ tăng trưởng nhanh trên thế giới...
Tóm lại, chuyển đổi số đã và đang mang lại nhiều cơ hội cho lĩnh vực thanh toán tại các ngân hàng Việt Nam, từ đó giúp cải thiện trải nghiệm khách hàng và tăng cường hiệu quả hoạt động của ngân hàng.
Khó khăn, thách thức, giải pháp trong chuyển đổi số đối với lĩnh vực thanh toán tại các ngân hàng
Tại hội thảo, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết, Khó khăn, thách thức lớn nhất của chuyển đổi số trong lĩnh vực thanh toán là đảm bảo an toàn và bảo mật cho các giao dịch thanh toán. Sự phát triển của công nghệ mới như blockchain (công nghệ chuỗi khối), big data (dữ liệu khối lượng lớn), AI (trí thông minh nhân tạo) đòi hỏi các ngân hàng phải có sự thay đổi về mô hình quản lý và các hành lang an toàn trước những sự cố về an ninh mạng và bảo mật thông tin khách hàng trong thời kỳ công nghệ số. Đặc biệt, với sự phát triển ngày càng tinh vi của công nghệ số kéo theo sự gia tăng của những lỗ hổng bảo mật, tạo điều kiện cho tội phạm công nghệ cao hoạt động ngày càng thường xuyên. Đối với lĩnh vực thanh toán, tội phạm trong lĩnh vực công nghệ cao, thanh toán thẻ qua POS, thanh toán điện tử gần đây có những diễn biến phức tạp với những hành vi, thủ đoạn mới, tinh vi hơn, dẫn đến tâm lý e ngại sử dụng dịch vụ, đặc biệt đối với những người dân ở nông thôn, khu vực vùng sâu, vùng xa do kiến thức công nghệ thông tin còn hạn chế;
Hành lang pháp lý phục vụ hoạt động thanh toán điện tử chưa hoàn thiện. Trong đó, khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách liên quan đến các dịch vụ, phương tiện thanh toán trực tuyến, điện tử mới, hiện đại, tiền ảo, thẻ ảo, tiền điện tử... là những vấn đề mới, phức tạp đến nay chưa có hướng dẫn của các cơ quan quản lý hoặc đang giai đoạn thí điểm.
Chi phí đầu tư cho hệ thống công nghệ và phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới rất lớn; Bên cạnh đó, các ngân hàng phải cũng phải đầu tư nhiều, thường xuyên vào các giải pháp bảo mật để đảm bảo rằng thông tin khách hàng và giao dịch thanh toán không bị lộ ra ngoài; đào tạo nhân viên và khách hàng về các công nghệ mới và cách sử dụng công nghệ mới an toàn.
Hệ thống công nghệ giữa các ngân hàng chưa đồng nhất, nên việc tích hợp giữa các hệ thống công nghệ khác nhau gặp nhiều khó khăn. Cần có quy định về tiêu chuẩn hóa công nghệ để đảm bảo tính liên kết giữa hệ thống thanh toán của các ngân hàng và khả năng tương tác giữa các ngân hàng và khách hàng thuận lợi hơn, tránh gây lãng phí nguồn tài nguyên.
Cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển ngân hàng số còn nhiều bất cập, mạng lưới điểm giao dịch ngân hàng, trụ máy ATM chưa phân bố đều tại các huyện, thị nên khó triển khai đồng bộ, các tổ chức tài chính (như ngân hàng, trung gian thanh toán và ví điện tử) đều xây dựng hệ thống trang thiết bị thanh toán riêng tại một điểm chấp nhận thanh toán gây ra lãng phí vì không tận dụng được hạ tầng chung hay trong cùng hệ sinh thái;
Sự cạnh tranh gay gắt với sự phát triển của các công ty fintech và các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến.
Một số sản phẩm dịch vụ thanh toán không bằng tiền mặt chưa được thiết kế theo hướng phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng khu vực nông thôn, do đó chưa phát huy được tối đa dịch vụ…
Trước thực trạng này, VNBA đề xuất với Chính phủ và các cơ quan thẩm quyền một số giải pháp sau:
Một là, việc hoàn thiện khung pháp lý cho phát triển ngân hàng số cần được chú trọng và đẩy nhanh tiến độ. Theo đó, cần ưu tiên sớm ban hành các quy định liên quan đến thử nghiệm trong lĩnh vực tài chính; tháo gỡ các vướng mắc trong quy định pháp lý hiện tại; hoàn thiện dự thảo các Thông tư hướng dẫn khi Nghị định về TTKDTM được Chính phủ ban hành; rà soát sửa đổi tạo điều kiện định danh, xác thực điện tử trong ngành Ngân hàng; rà soát văn bản hướng dẫn về lưu trữ, bảo vệ và chia sẻ dữ liệu, hướng dẫn kết nối với CSDL quốc gia về dân cư để phục vụ cho eKYC khách hàng; rà soát, chuẩn hóa, hoàn thiện các quy định về trách nhiệm, quyền lợi của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán và người sử dụng dịch vụ nhằm đảm bảo hài hòa quyền và lợi ích của các bên liên quan…
Hai là, ứng dụng, phát triển nhanh, mạnh hơn nữa các sản phẩm, dịch vụ thanh toán dựa trên Internet, thiết bị di động, dữ liệu lớn (Big data), điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo (AI); Mobile-Money nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa… để cung cấp cho khách hàng những trải nghiệm thanh toán thuận tiện và an toàn hơn.
Ba là, NHNN sớm xây dựng khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động ngân hàng số, xác thực khách hàng điện tử - eKYC, cho vay theo phương thức điện tử, phù hợp với xu thế phát triển hiện nay; đồng thời cần nhanh chóng xây dựng các quy định pháp lý về quản lý rủi ro công nghệ thông tin, dữ liệu và chuyển đổi số trong ngân hàng, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường đang dần tiến tới triển khai mô hình ngân hàng số thuần túy. NHNN nên xem xét các phương án đưa ra các yêu cầu về quản trị rủi ro CNTT, dữ liệu cũng như đảm bảo an toàn trong dịch vụ thuê ngoài, quyền riêng tư, bảo vệ an toàn dữ liệu...
Bốn là, Bộ Công an tăng cường và có giải pháp xử lý triệt để tội phạm mạng hiện nay, đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán
Năm là, Cần xây dựng các chương trình giáo dục tài chính, đặc biệt là lồng ghép các nội dung về an toàn thông tin trên không gian mạng, ứng dụng các dịch vụ tài chính số mới như tiền kỹ thuật số, thanh toán số, fintech; tiến tới xây dựng quy định bảo vệ người tiêu dùng tài chính… Hoàn thiện cơ chế, chính sách, công tác bảo đảm an ninh, an toàn, minh bạch và tiện lợi trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về thông tin cá nhân, tội phạm trên môi trường mạng liên quan đến hoạt động ngân hàng.
Sáu là, Các ngân hàng nâng cao công tác đào đạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo và chuyên gia chuyên sâu về phân tích, khai thác dữ liệu sử dụng các công nghệ mới như: Khoa học dữ liệu và trí tuệ Nhân tạo; đào tạo lực lượng cán bộ nắm bắt được tiến bộ khoa học công nghệ và ứng dụng vào thực tiễn./.