Trong quá trình giảng dạy, giáo viên cũng cần thay đổi tư duy để tổ chức kiểm tra đánh giá cho học sinh một cách rõ ràng, thiết thực, hiệu quả.

Những ngày qua, thông tin yêu cầu không kiểm tra bài cũ theo kiểu bất chợt, ngẫu nhiên của Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo TP Hồ Chí Minh đưa ra tại hội nghị triển khai năm học mới ở quận 3 (ngày 13/9/2023) đã được dư luận vô cùng quan tâm và cũng có nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề này. Nhiều người ủng hộ bỏ cách kiểm tra bài cũ ngẫu nhiên, trong khi lại có không ít người lo lắng việc thay đổi có thể khiến học trò lười biếng. Để làm rõ hơn nội dung trên, để có thể hiểu đúng thông điệp mà lãnh đạo Sở Giáo dục và đào tạo Thành phố đã từng chia sẻ, chiều 21/9, ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh đã có những trao đổi cụ thể với báo chí.

Ông Minh cho biết, Giám đốc Sở yêu cầu giáo viên không được kiểm tra bài đầu giờ đột xuất và bất chợt chứ không phải không kiểm tra đầu giờ. Sở sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc kiểm tra, đánh giá học sinh, trong đó có kiểm tra bài cũ đầu giờ. Sở sẽ tiến hành tập huấn giáo viên và giáo viên cần thay đổi tư duy để tổ chức kiểm tra đánh giá cho học sinh một cách rõ ràng, hiệu quả.

Cũng theo ông Minh, hoạt động kiểm tra đánh giá học sinh phải tuân theo những chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, gồm đánh giá thường xuyên và định kỳ. Trong đó, đánh giá thường xuyên là đánh giá kết quả rèn luyện và học tập của học sinh trong quá trình dạy học, theo yêu cầu cần đạt của chương trình. Kiểm tra bài cũ cũng là một hoạt động đánh giá thường xuyên nhưng có thể thông qua nhiều hình thức như hỏi - đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập…

Theo ông Minh, trước đây, kiểm tra đánh giá thường được coi là công cụ để chấm điểm, xếp loại. Tuy nhiên, theo quan điểm chương trình mới, đây là một quá trình để xác định mức độ đạt được của học sinh về kiến thức, kỹ năng, từ đó giúp các em phát huy điểm mạnh và khắc phục điểm yếu. Việc này cũng giúp giáo viên điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học cho phù hợp. Giáo viên cần xác định rõ kế hoạch thực hiện kiểm tra học sinh, kiểm tra phải đánh giá được năng lực, kiểm tra không chỉ để biết học sinh có thuộc chữ đó không thì không đánh giá được năng lực của học sinh như thế nào. Đây hoàn toàn là quan điểm chỉ đạo của ngành giáo dục, ông Hồ Tấn Minh nhấn mạnh.

Trên thực tế, chúng ta đều thấy rằng, kiểm tra đầu giờ, hay còn gọi là kiểm tra miệng là một khái niệm không còn xa lạ đối với các em học sinh và các thầy cô giáo. Công việc này đã trở thành một phần quan trọng của quá trình dạy và học. Nhiều giáo viên cho rằng, việc kiểm tra này là một cách động viên học sinh học bài, trình bày những kiến thức đã học được trước đó, giúp các em phát triển ý thức tự học và tư duy sâu hơn.

Học sinh cần coi việc chuẩn bị bài mới, khám phá tri thức và hình thành năng lực, phẩm chất trong các giờ học cũng như việc chuẩn bị tốt nhất cho các hình thức kiểm tra bài cũ của giáo viên là những việc đương nhiên phải làm của "người đi học". Đối với các lớp mẫu giáo và những lớp đầu cấp tiểu học có thể thực hiện quan niệm "học mà chơi/ chơi mà học" nhưng tới cấp THCS, nhất là THPT, sự trưởng thành của các em, khối lượng kiến thức và kỹ năng của chương trình đòi hỏi tính nghiêm túc dần của các giờ học.

Đối với phụ huynh, đa phần đều cho rằng, trên lớp thầy, cô cần phải kiểm tra lại kiến thức cũ cho học sinh để các em hiểu bài, nhớ sâu, tuy nhiên, giáo viên cần có phương pháp, cách thức để học sinh có tâm lý vui vẻ, thoải mái, tích cực nhất khi tham gia vào việc kiểm tra bài cũ, để giúp các em không có tâm lý sợ hãi, lo lắng.

 

Kiểm tra bài cũ cần triển khai bằng nhiều hình thức để không phải là áp lực đối với học sinh mà nó thật sự là động lực cho các em trong quá trình học tập.

Chị H.T.M, phụ huynh của một học sinh lớp 9 trên địa bàn Quận 3 cho biết, bản thân mình đã từng có những năm tháng là học sinh và thấy việc kiểm tra miệng đầu giờ là việc hết sức bình thường và đương nhiên mỗi học sinh cần phải thực hiện trong quá trình học tập, nhằm hướng tới mục tiêu cuối cùng là nắm chắc kiến thức, nâng cao trình độ cho bản thân, vững vàng hơn trong cuộc sống sau này. Thế nhưng, để hoạt động bình thường này thực sự là động lực học tập cho học sinh, chị M. cho rằng, chúng ta cần quan tâm nhất ở đây là cách ứng xử của giáo viên với học sinh. Học sinh thuộc bài, được khen thì không nói, nhưng trường hợp những học sinh chưa thuộc bài thì thầy cô xem có cách nào đó nhắc nhở khéo léo, động viên các em cố gắng hơn nữa trong thời gian tới, thay bằng việc la mắng hay áp dụng các hình thức phạt, vì như vậy khiến các em xấu hổ, tự ti và thật sự có áp lực tiêu cực cho học sinh. Đối với những em chưa thật sự thuộc bài, bản thân giáo viên cũng cần hợp tác với học sinh trong việc bổ túc kiến thức lại đồng thời cũng cần xem lại phương pháp dạy của mình đã phù hợp chưa, hiệu quả chưa.

Cũng quan điểm trên, anh N.T.H. phụ huynh của một học sinh lớp 10, 1 học sinh lớp 7 tại TP Thủ Đức cho rằng, nếu trên lớp học sinh không được thầy cô kiểm tra bài cũ thì về nhà, các con sẽ có lý do để lười học bài và như thế sẽ ảnh hưởng tới quá trình học tập của các con, bởi không phải đứa trẻ nào cũng có sự chủ động và có tinh thần tự học tốt, nhất là học sinh THCS và THPT còn đang rất ham chơi. Phụ huynh này cũng mong quá trình học trên lớp, học sinh và giáo viên có sự trao đổi qua lại nhiều hơn nữa, cùng nhau làm sáng tỏ vấn đề để các em có thể hiểu bài ngay trên lớp, các em có hứng thú với môn học và về nhà tiếp tục nghiên cứu, tìm tòi thêm để kiến thức được thấm sâu. Việc kiểm tra bài cũ là cần thiết nhưng theo anh H. thì giáo viên cũng cần có thêm nhiều hình thức khác nhau để đánh giá khả năng tiếp thu bài của các con. Phát triển khả năng tự học cho học sinh cũng mục tiêu mà hiện nay ngành giáo dục đang hướng tới, do đó anh H. cho rằng, việc kiểm tra qua hình thức thuyết trình theo nhóm hay bằng mô hình, sản phẩm học tập…sẽ giúp các em vừa ghi nhớ bài cũ mà vừa có tính vận dụng thực tế, nhớ bài lâu hơn.

Mục tiêu chung của giáo dục là luôn giúp các cá nhân phát triển và trở thành những thành viên có ích trong xã hội. Qua quá trình học tập, học sinh vừa phát triển, hoàn thiện về tri thức lẫn nhân cách. Giáo dục toàn diện để phát triển con người Việt Nam cả đức, trí, thể, mỹ luôn là tư tưởng xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta, đặc biệt, trong bối cảnh mới của sự phát triển kinh tế - xã hội, bên cạnh những tác nhân truyền thống cũng xuất hiện nhiều tác nhân giáo dục mới. Vì vậy, cả gia đình, nhà trường và xã hội cần phải cùng chung tay xây dựng một môi trường giáo dục tốt nhất, không ngừng đổi mới với những giải pháp đột phá, giúp phát triển nền giáo dục một cách toàn diện./..

 

V.Lê