Những kênh rạch đang “kêu cứu” vì ô nhiễm

TP Hồ Chí Minh hiện có khoảng 2.000km đường sông, kênh, rạch có vai trò thoát nước và cân bằng hệ sinh thái thành phố. Sau quá trình đô thị hóa trong nhiều năm, dân cư tăng nhanh, nhiều kênh rạch bị “bức tử”, ô nhiễm trầm trọng, chủ yếu do tình trạng xả rác bừa bãi xuống kênh.

Hàng loạt dòng kênh, rạch tại TP.HCM ngập trong rác thải, hôi thối.
(Ảnh: Đậu Tiến Đạt)

 

Rạch Xuyên Tâm, kéo dài từ quận Bình Thạnh đến quận Gò Vấp là một trong những nơi ô nhiễm nhất thành phố do tập trung đủ các loại rác thải với túi nylon, hộp xốp, xác chết động vật... Dọc con rạch này về hướng cầu dân sinh (nối đường Nguyễn Xuân Ôn sang Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh), tình trạng ô nhiễm càng trầm trọng hơn.

Trên thực tế, dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm đã được phê duyệt từ năm 2002 với kinh phí 123 tỷ đồng, nhưng suốt gần 20 năm vẫn chưa thể thực hiện được vì dự án liên tục gặp khó khăn, chủ yếu do hạn chế về ngân sách. Bên cạnh đó, theo quy định, hiện các dự án di dời nhà trên và ven kênh rạch không được chọn là dự án cấp bách, ưu tiên hàng đầu (so với các dự án hạ tầng, công ích) nên chưa được quan tâm đúng mức.

Dự án cải tạo kênh Tô Hiệu (còn gọi là kênh Hiệp Tân, chảy qua địa bàn hai quận Tân Phú và Bình Tân) dài khoảng 1,5km, với tổng mức đầu tư 191 tỷ đồng dù có thời gian thi công từ năm 2016-2019 nhưng đến nay dự án đang ngừng thi công do vướng mặt bằng phần đất với một doanh nghiệp.

Một tuyến "kênh đen" khác giữa lòng TP Hồ Chí Minh là kênh Hy Vọng - tuyến thoát nước chính cho sân bay Tân Sơn Nhất, quận Tân Bình. Hàng chục năm qua, tuyến kênh này luôn ngập rác, ảnh hưởng đến những hộ dân xung quanh và làm tắc nghẽn dòng chảy mỗi khi mưa lớn, gây ngập nặng ở các tuyến đường xung quanh và khu vực sân bay. Đến mùa mưa, từ kênh lại xuất hiện nhiều muỗi vằn sinh sôi, là một trong những tác nhân làm bùng phát sốt xuất huyết.

Trước tình trạng ô nhiễm kênh, rạch ngày càng trầm trọng, thời gian qua, các cấp, ngành TP Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều dự án khôi phục, cải tạo hệ thống kênh trên toàn địa bàn. Tuy một số dự án bị chậm tiến độ nhưng nhiều dự án đã phát huy hiệu quả.

Từ năm 2000, kênh Hàng Bàng (Quận 6) dài gần 2km chạy từ Lò Gốm đến kênh Vạn Tượng (Quận 5) bị lấp để lắp cống hộp do ô nhiễm trầm trọng. Năm 2015, thành phố thực hiện khôi phục dòng kênh này trở lại bằng cách đầu tư xây dựng với tổng kinh phí khoảng 2.000 tỷ đồng. Đến nay, đoạn kênh từ đường Lò Gốm đến đường Bình Tiên và đoạn từ đường Chu Văn An đến đường Ngô Nhân Tịnh (Quận 6) đã hoàn thành cơ bản, hai bên bờ kênh được xây công viên, trồng cây xanh và trang bị các dụng cụ tập thể dục.

Trong khi đó, dự án cải tạo kênh Nước Đen (phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân) được hoàn thành vào đầu năm 2022. Dự án này dài 1,4 km, rộng 40m gồm cả mặt đường, vỉa hè và lòng kênh. Sau khi hoàn thành, tình trạng ô nhiễm tại kênh này đã giảm đi rõ rệt, dòng nước được khơi thông, ít đọng rác. Dọc kênh có lắp đặt hàng rào sắt cùng vỉa hè để người dân đi bộ. Tuyến đường hai bên kênh được mở rộng, trải thảm nhựa khang trang.

Mong một ngày kênh rạch ở TP Hồ Chí Minh đều xanh trong

Vừa qua có thông tin TP Hồ Chí Minh HCM sẽ tổ chức hội nghị chuyên đề về phát triển vận tải hành khách, kết hợp du lịch bằng đường thủy, người dân phấn khởi vì đây là một trong những loại hình đặc trưng sông nước của TP HCM mà nhiều người muốn trải nghiệm.

Tuy nhiên phát triển du lịch đường thủy chưa bao giờ dễ dàng bởi hệ thống kênh, rạch tại TP còn ô nhiễm, bốc mùi dù TP đã tốn nhiều công sức cải tạo nhiều con kênh, trong đó có kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè.

 

Sông Sài Gòn trung tâm TP Hồ Chí Minh. ( Ảnh: T.T.D)

Thời gian gần đây, một số loại hình du lịch đã được triển khai như đi thuyền ngắm kênh, đi thuyền nghe đờn ca tài tử... Tuy nhiên con kênh vẫn chưa thoát khỏi ô nhiễm khi hệ thống nước thải từ các cống nhánh vẫn còn đổ thẳng ra kênh.

Một số đoạn kênh đầu nguồn nhiều thời điểm lềnh bềnh rác thải, xác cá chết, chuột chết và màu nước đen ngòm. Có thời điểm sau mưa lớn, nước thải tràn vào kênh khiến khoảng 14 tấn cá bị chết. Hằng ngày nhân viên Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP HCM đều phải đi dọc kênh để vớt hàng tấn rác thải.

Tương tự, hệ thống kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ chảy qua các quận 1, 4, 8, 5, 6... nước cũng đen ngòm do ô nhiễm. Hệ thống kênh rộng dài chảy qua nhiều quận huyện vốn có thể khai thác du lịch nhưng chắc chắn khó thu hút du khách với môi trường nước như hiện tại.

Những ngày nước ròng, lòng kênh trơ đáy lớp bùn đen và hàng trăm loại rác thải, xà bần, bao ni lông bị vứt... bốc mùi khó chịu. Thậm chí nhiều đoạn kênh nhà cửa vẫn còn lấn ra, người dân sinh hoạt thải thẳng nước, rác xuống kênh ngày này qua ngày khác.

Trong khi đó, còn nhiều con kênh khác trên địa bàn TP đang chờ cải tạo môi trường ngày ngày vẫn oằn mình bởi ô nhiễm. Đơn cử như rạch Xuyên Tâm giao với kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Dự án cải tạo rạch này đã được thai nghén từ 20 năm nhưng đến nay vẫn là con rạch ô nhiễm, nhếch nhác.

Tương tự, kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên dù đã được nạo vét nhưng hiện nước thải, chất thải... vẫn hằng ngày đổ xuống kênh khiến nó "chết dần" với màu đen đặc quánh.

Nhìn những nước như Ý, Singapore hay Thái Lan... họ trân quý những dòng kênh và biến nó thành tài sản giúp họ phát triển du lịch mới thấy tiếc cho TP Hồ Chí Minh.

Hơn lúc nào TP Hồ Chí Minh phải nỗ lực cứu lấy màu xanh của những con kênh. Các dự án cải tạo kênh rạch phải được ưu tiên hàng đầu trong danh mục những việc cần làm.

Người dân thành phố mong ước một ngày gần nhất những con kênh sẽ không còn màu đen, mà thay vào đó là thoải mái đi du lịch trên sông ngắm nhìn TP Hồ Chí Minh xanh – sạch – đẹp./.

Thảo Duyên (t/h)