Kỳ vọng thị trường lao động thành phố sớm phục hồi
Ông Phan Kỳ Quan Triết, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh cho biết, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh chưa có dấu hiệu hồi phục tổng thể do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Một số ít doanh nghiệp thực hiện phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến” hoặc “4 xanh”, còn lại đa số doanh nghiệp phải ngừng sản xuất, tạm thời cho người lao động nghỉ việc.
Sản xuất tại một doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh. (Ảnh minh họa. Nguồn:phunuvietnam.vn)
Thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu kế hoạch để chuẩn bị hoạt động trở lại. Tuy nhiên, với số lao động về quê ồ ạt trước thời điểm địa phương có hoạt động kiểm soát di chuyển, đã đặt ra vấn đề sắp xếp lại nhân sự, lao động tại doanh nghiệp.
Dù gặp nhiều khó khăn nhưng để duy trì hoạt động, nhiều doanh nghiệp đã chủ động lập kế hoạch tuyển dụng nhân sự mới và liên lạc nhân sự cũ đang tạm nghỉ, thiết kế nhiều chế độ ưu đãi và tạo điều kiện thuận lợi để thu hút người lao động yên tâm quay trở lại làm việc.
Bên cạnh đó, với việc nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, tăng cường công tác tiêm ngừa vắc xin COVID-19, cùng với sự hỗ trợ của thành phố trong việc chuẩn bị phương án đón người lao động ở các tỉnh/thành thuận tiện, an toàn quay trở lại làm việc, dự kiến nhu cầu tuyển dụng lao động trong những tháng cuối năm 2021 sẽ có nhiều khả quan hơn, kỳ vọng thị trường lao động thành phố sẽ từng bước phục hồi và sớm khởi sắc trở lại, dù vẫn còn rất nhiều khó khăn.
Cũng theo Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh Phan Kỳ Quan Triết, cuối năm là khung thời gian quan trọng để các doanh nghiệp nỗ lực, tận dụng nâng cao hiệu quả năng suất để hoàn thành đơn hàng phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Song song đó, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng theo mùa (trước, trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần), hoặc sau giãn cách cũng góp phần kích cầu hoạt động tiêu dùng trong thời gian tới. Dự kiến nhu cầu nhân lực quý IV năm 2021 cần khoảng 43.654 - 56.869 chỗ làm việc.
Cần chính sách hỗ trợ người lao động trở lại
Để thị trường lao động TP Hồ Chí Minh từng bước phục hồi và sớm khởi sắc trở lại trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, cần có nhiều giải pháp tổng thể và đồng bộ, trong đó những chính sách hỗ trợ người lao động trở lại có vai trong quan trọng.
Thứ trưởng Bộ lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi nhấn mạnh yêu cầu: Sắp tới, phải tiếp tục tiêm vắc-xin để sản xuất an toàn, thu hút lao động; cần xây dựng năng lực y tế để mạnh nhằm điều trị kịp thời các ca F0; cần có chính sách bảo đảm sản xuất an toàn để người lao động yên tâm làm việc. Bên cạnh đó có chính sách lương, phúc lợi thỏa đáng cho người lao động.
Đối với doanh nghiệp, cần có chế độ phúc lợi cũng như bố trí nơi ăn, ở chu đáo cho công nhân. Giải pháp an sinh xã hội và chăm lo chỗ học, nhà trẻ cho con em của người lao động để họ yên tâm công tác; tăng cường đào tạo lại lao động là điều rất quan trọng, cấp thiết để phục hồi thị trường lao động sau đại dịch. Chính sách an sinh là điều vô cùng quan trọng để giữ chân người lao động.
Hỗ trợ đời sống cho người lao động yên tâm làm việc. (Ảnh minh họa. Nguồn: nhandan.vn)
Theo ông Phạm Chí Tâm, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh, đến thời điểm này, thành phố đã nới lỏng giãn cách và mở cửa để từng bước phục hồi kinh tế. Vấn đề mà người lao động mong muốn nhất là được tiêm vắc-xin đầy đủ, được làm việc trong một môi trường an toàn. Do vậy, cần có chủ trương, giải pháp, kế hoạch của thành phố cũng như của doanh nghiệp để đón công nhân trở lại, không để công nhân tự phát đi và về. Bên cạnh đó, các địa phương tạo điều kiện thuận lợi nhất để công nhân ở các tỉnh giáp ranh, đã đủ điều kiện về việc tiêm vắc-xin được đi lại để làm việc.
Về phía người sử dụng lao động, cần phải có chính sách trong ngắn hạn hỗ trợ người lao động quay trở lại làm việc, bởi sau thời gian dài giãn cách, cuộc sống của họ đều rất khó khăn nên rất có các chính sách hỗ trợ như túi an sinh, hỗ trợ chi phí tiền nhà trọ… để họ an tâm làm việc.
Ngoài ra, các doanh nghiệp có người lao động được hỗ trợ theo Nghị quyết 68 và các chính sách hỗ trợ khác cần đẩy nhanh tiến độ để người lao động được hưởng các chính sách này do hiện nay số lượng người lao động đã nhận hỗ trợ còn rất hạn chế do thời gian giãn cách quá dài.
Điều quan trọng khác để doanh nghiệp tái sản xuất an toàn là bố trí các nguồn lực để tái sản xuất, làm tốt công tác phòng dịch và có kịch bản cụ thể cho các tình huống phát sinh đồng thời cần quan tâm đào tạo và đào tạo lại tay nghề trong trường hợp biến động lao động.
Đồng quan điểm, TS Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn cho rằng, cần tập trung ưu tiên các nội dung để đạt được mục tiêu: "An tâm" - An tâm đi lại, sinh sống và làm việc; “Tốt” - Việc làm, cuộc sống tốt./.