Chương trình sữa học đường hướng tới mục tiêu cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

Hiện cả nước đã có 17 tỉnh, thành triển khai chương trình sữa học đường. Ảnh: plo.vn

Ngày 28/10, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh cho biết, dự kiến từ ngày 1/11/2019, Thành phố bắt đầu triển khai thí điểm chương trình Sữa học đường, các trẻ mẫu giáo và học sinh lớp 1 của 10 quận/huyện trong các trường công lập, ngoài công lập, các cơ sở bảo trợ xã hội.

Theo đó, các quận/huyện: Quận 9, quận 12, Thủ Đức, Tân Phú, Bình Tân, Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ sẽ triển khai chương trình sữa học đường.

Các trẻ là đối tượng của chương trình sẽ được uống một hộp sữa 180ml/lần/ngày với 5 lần/tuần trong học kỳ 1 năm học 2019-2020.

Bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.Hồ Chí Minh, cho biết chương trình sữa học đường có ý nghĩa nhân văn, mang lợi ích lớn cho cộng đồng, giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho gia đình, xã hội, đặc biệt đối với sự phát triển của trẻ em.

Đối với các em có hoàn cảnh khó khăn, phụ huynh chưa có đủ điều kiện cho con uống sữa hằng ngày sẽ được uống sữa miễn phí 100%. Trong đó, hỗ trợ từ Nhà nước là 50% và doanh nghiệp cung cấp sữa là 50%.

Chương trình Sữa học đường đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 8/7/2016 với Quyết định số 1340/QĐ-TTg có 7 chỉ tiêu cụ thể, như: đến năm 2020, 100% học sinh mẫu giáo, tiểu học các huyện nghèo và 70% học sinh mẫu giáo, tiểu học vùng thành thị, nông thôn được uống sữa theo Chương trình; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em mẫu giáo, tiểu học trung bình 0,6%/năm; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em mẫu giáo và tiểu học trung bình 0,7%/năm; chiều cao trung bình của trẻ 6 tuổi tăng 1,5 cm - 2 cm so với năm 2010…

Hiện cả nước đã có 17 tỉnh, thành triển khai chương trình sữa học đường./.

M.Thu (Tổng hợp)