Quà tặng thực phẩm, “Bếp ăn 0 đồng”, “Siêu thị sẻ chia”… là những chương trình thiết thực của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, nhằm hỗ trợ kịp thời cho 3.500 sinh viên các trường đại học vượt qua khó khăn trong mùa dịch.

Kể từ giữa tháng 7, chương trình 107 “Cùng nhau vượt qua Đại dịch COVID-19” được triển khai. Chương trình có các hoạt động chính: “Quà tặng thực phẩm”, “Siêu thị sẻ chia”. Để thực hiện các hoạt động này, Công đoàn, Ban Cán sự Đoàn và Ban Công tác sinh viên Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) đã phối hợp, huy động tối đa các nguồn lực và kêu gọi tài trợ nhằm nhanh chóng hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho sinh viên đang ở khu phong tỏa, cách ly, gặp khó khăn do dịch bệnh.

Thông qua chương trình, từ nhiều tỉnh, thành, các chuyến xe nghĩa tình đã chở hơn 22 tấn rau, củ, quả, gạo, mì… được các cá nhân hảo tâm chuyển đến ĐHQG-HCM. Hàng hóa được các tình nguyện viên là các thầy cô giáo, sinh viên ĐHQG-HCM sắp xếp, đóng gói cẩn thận để chuyển đến tận nơi ở của sinh viên cần hỗ trợ.

leftcenterrightdel
Thảo Mi (trái) và Thảo Nhi (phải) đang phân chia thực phẩm cho các bạn sinh viên. (Ảnh: NVCC )

Là tình nguyện viên của chương trình, hai chị em sinh đôi Lê Phạm Thảo Nhi và Lê Phạm Thảo Mi - sinh viên năm thứ nhất, Trường ĐH Kinh tế - Luật ĐHQG-HCM cùng nhóm đã nhanh chóng phân chia rau, củ, quả, gạo, mì và giao cho 3.500 sinh viên ĐHQG-HCM và các trường đại học khác.

Thảo Mi chia sẻ: “Làm tình nguyện, phải ra đường trong mùa dịch, gia đình và người thân đã lo lắng cho chúng em rất nhiều, nhưng em nghĩ mình là thanh niên, trẻ, khỏe sao lại không tham gia được chứ. Em rất mong muốn có thể đóng góp một phần nhỏ bé sức lực của mình để hỗ trợ các bạn sinh viên”.

Dù phải làm việc luôn tay trong bộ đồ bảo hộ nóng nực, lại chịu áp lực thời gian, làm sao phải nhanh chóng giao các phần quà đến tay các bạn sinh viên khi rau củ vẫn còn tươi ngon, nhưng trên môi hai chị em Thảo Mi - Thảo Nhi vẫn luôn chực nở nụ cười với mọi người. Hai chị em chia sẻ: “Khi nhận quà, các bạn đã rất mừng, các bạn đã cảm ơn chúng em và Đại học Quốc gia. Chúng em chỉ mong có sức khỏe để tiếp tục giúp các bạn sinh viên gặp khó khăn trong mùa dịch”.

Bên cạnh các hoạt động do Công đoàn ĐHQG-HCM tổ chức, Trung tâm Quản lý Ký túc xá ĐHQG-HCM cũng đã tổ chức chương trình “Bếp ăn 0 đồng”. Những ngày qua, đã có gần 5.000 suất cơm phục vụ sinh viên mỗi trưa, mỗi chiều.

Tại đây, sinh viên nội trú còn được nhận những phần quà thiết thực gồm các nhu yếu phẩm như: mì gói, sữa, trứng, rau, củ, quả, bánh tét… Ngoài chăm lo cho sinh viên nội trú, Trung tâm Quản lý Ký túc xá còn hỗ trợ và trao 784 phần quà: gạo, nước tương, mì gói, cháo gói, lương khô, thịt ngâm mắm, cá cơm, sữa đặc có đường…  cho nhiều sinh viên đang ở trọ tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai đã nhường chỗ làm khu cách ly tập trung phòng chống dịch COVID-19.

Đặc biệt, thời gian qua, nhiều sinh viên ĐHQG-HCM và các trường đại học khác ở khu vực Thủ Đức và Dĩ An, Bình Dương nhận được phần thực phẩm tươi ngon từ “Siêu thị sẻ chia” do Công đoàn ĐHQG-HCM tổ chức. Các bạn chỉ cần đăng ký qua link, ban tổ chức sẽ gửi phần quà bao gồm nhiều thực phẩm thiết yếu để hỗ trợ vật chất và động viên tinh thần cho sinh viên trong mùa dịch.

Nhận được hỗ trợ từ chương trình, Nguyễn Thị Hồng Minh - sinh viên Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM, vui vẻ nói: “Em ở lại không về quê vì lo đi làm kiếm tiền đóng học phí học kỳ tới, không may dịch bệnh ở TP Hồ Chí Minh ngày càng diễn biến phức tạp, cả phường em ở bị phong tỏa nên phải nghỉ việc ở nhà. Phần quà của ĐHQG-HCM đủ cả rau củ, lương thực cần thiết, những thứ rất khó mua trong lúc này. Với phần quà này, em ăn có thể ăn tiết kiệm được hơn một tuần. Em rất vui và gửi lời cảm ơn ĐHQG-HCM”.

ThS Lâm Tường Thoại, Chủ tịch Công đoàn ĐHQG-HCM cho biết, chương trình vẫn đang được ĐHQG-HCM triển khai với nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực khác dành cho nhiều đối tượng: y, bác sĩ, dân quân tự vệ tham gia chống dịch; viên chức, người lao động, sinh viên ĐHQG-HCM; Bệnh nhân F0 (đặc biệt là trẻ em) đang điều trị trong Bệnh viện dã chiến ở ĐHQG-HCM; và những người gặp hoàn cảnh khó khăn khác ngoài xã hội./.

PV