Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến phát biểu tại buổi lễ.
Hội nghị có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến, Bà Nguyễn Thị Hồng Minh-Chủ tịch Danh dự VASEP, Ông Nguyễn Văn Long - Cục trưởng Cục Thú y, Ông Bạch Đức Lữu - Chi cục trưởng Chi cục Thú ý vùng 6, đại diện Bộ Nội vụ, đại diện Bộ Công an, Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, đại diện Cục Xúc tiến Thương mại thuộc Bộ Công Thương, và các cơ quan ban ngành khác...
Hội nghị toàn thể Hội viên năm 2023 là cơ hội tốt để Hiệp hội tiếp tục cùng nhau chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm, xác định những khó khăn để xây dựng chiến lược phát triển phù hợp và tiên phong trong điều kiện mới nhằm tăng sức cạnh tranh, chủ động hơn trong kinh doanh, cùng khẳng định vị trí và tiềm lực phát triển của ngành thủy sản Việt Nam trên thị trường thế giới.
Niềm tin giữ được mục tiêu XK thủy sản 10 tỷ USD năm nay
Theo thông tin từ Hiệp hội VASEP, cuối năm 2022, Hiệp hội và các doanh nghiệp đã xác định ngành thủy sản sẽ có một năm 2023 cực kỳ khó khăn khi tình hình lạm phát thế giới ngày một trầm trọng, nhu cầu tiêu dùng giảm rõ rệt, hàng tồn kho còn nhiều, XK thủy sản khó có thể tăng trưởng trở lại trong thời gian ngắn.
Trong 5 tháng đầu năm nay, XK tất cả các mặt hàng chủ lực đều giảm từ 13%-34% so với cùng kỳ năm 2022.
Tôm là mặt hàng bị sụt giảm mạnh nhất: giảm 34% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1,2 tỷ USD. Trong đó, tôm chân trắng chiếm 74% đạt khoảng 900 triệu USD, giảm 36%, tôm sú chiếm 15% đạt 180 triệu USD, giảm 29%. XK tôm hùm và các loài tôm biển khác chiếm 11% đạt 134 triệu USD, giảm 41%. XK tôm sang các thị trường chính đều giảm từ 28-50%. Trong đó, Mỹ và EU là 2 thị trường giảm sâu nhất: lần lượt 44% và 49%. XK sang Trung Quốc giảm 25%. Giá tôm chân trắng trung bình XK sang Mỹ từ đầu năm tới nay giảm hơn 7%, so với cùng kỳ năm ngoái, giá XK giảm 15-20%. Dù giá giảm nhưng tại thị trường Mỹ, EU, tôm Việt Nam khó cạnh tranh được với tôm Ecuador và Ấn Độ, vì giá XK vẫn cao hơn 2 1,5 – 2 USD/kg. XK sang Nhật Bản và Hàn Quốc có mức giảm ít hơn, giảm lần lượt 28% và 30%. Hai thị trường này vẫn lựa chọn tôm Việt Nam là nguồn cung số 1 vì lợi thế tôm chế biến hàng GTGT mà các nước Ecuador và Ấn Độ chưa thể cạnh tranh được.
XK cá tra trong 5 tháng đầu năm nay giảm 30% đạt 841 triệu USD. XK sang 2 thị trường lớn nhất là Trung Quốc – HK và Mỹ giảm đều giảm mạnh NK cá tra Việt Nam, giảm lần lượt 38% và 62% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng tồn kho lớn, tiêu thụ kém, các nhà NK hạn chế NK hoặc chỉ nhập với giá thấp khiến cho giá trị XK cá tra sang Mỹ giảm sâu. Thị trường Trung Quốc, mặc dù đã mở cửa sau Covid, giao thương dễ dàng hơn, nhưng nhu cầu của thị trường chưa hồi phục như dự đoán. Trung Quốc chủ yếu tăng NK các mặt hàng hải sản và tôm nguyên liệu giá rẻ từ Ecuador, Ấn Độ để phục vụ cho ngành gia công, chế biến XK của họ.
Nhu cầu tiêu thụ trong nước chưa có tín hiệu phục hồi mạnh vì sau một thời gian dài bị hạn chế bới dịch Covid, nhiều người bị giảm hoặc mất thu nhập, do vậy vẫn hạn chế chi tiêu, kể cả với phân khúc hàng giá thấp. Tuy nhiên, vẫn có một số thị trường đang có nhu cầu cao hơn đối với cá tra Việt Nam. Trong đó, XK sang Singapore tăng 19%, sang Đức tăng 66%...
XK cá ngừ 5 tháng đầu năm nay cũng giảm 31% chỉ đạt 317 triệu USD. Trong đó, cá ngừ loin, phile đông lạnh chiếm 52% với 165 triệu USD, giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi XK chế biến (cá hộp và cá chế biến khác) chiếm 47% đạt khoảng 150 triệu USD, tăng nhẹ 7%. Riêng cá hộp bị giảm 18% giá trị XK có thể do ảnh hưởng của lạm phát khiến các chi phí đầu vào ảnh hưởng đến giá XK và tính cạnh tranh của cá hộp Việt Nam. XK sang Mỹ giảm mạnh nhất 56%, sang EU giảm nhẹ 7%, trong đó sang Đức và Hà Lan tăng lần lượt 18% và 12%. Ngoài ra, cũng có nhiều thị trường nhỏ khác tăng NK cá ngừ từ Việt Nam, trong đó gồm Mexico tăng 49%, Chile tăng 48%, Israel tăng 85%, Nga tăng 55%...
XK mực, bạch tuộc 5 tháng đầu năm đạt 239 triệu USD, giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, mực chiếm 57% với 136 triệu USD, giảm nhẹ 9%, bạch tuộc chiếm 43% đạt 103 triệu USD, giảm 13%. Các thị trường CPTPP có xu hướng tăng NK mực, bạch tuộc của Việt Nam, trong đó Nhật Bản tăng 5%, Malaysia tăng 32%, Australia tăng 42%...XK sang các thị trường khác đều giảm so với cùng kỳ năm 2022: Hàn Quốc giảm 11%, EU giảm 27%, Trung Quốc-HK giảm 25%...
Trong 5 tháng đầu năm nay, giá trị XK thủy sản sang tất cả các thị trường chính đều sụt giảm so với cùng kỳ năm 2022. Sụt giảm mạnh nhất 50%, Mỹ đã tụt xuống vị trí thứ 3 sau Nhật Bản và Trung Quốc – HK. XK sang Mỹ trong 5 tháng đầu năm nay chỉ đạt 548 triệu USD, trong đó các mặt hàng chủ lực sang đây đều giảm mạnh: tôm giảm 44%, cá tra giảm 62%, cá ngừ giảm 56%. Dù có những tín hiệu và dự báo khác nhau về khả năng hồi phục hoặc suy thoái của nền kinh tế Mỹ, những rõ ràng là người tiêu dùng Mỹ đang có xu hướng ngày càng thắt chặt chi tiêu, sau giai đoạn Covid và chiến tranh Nga – Ukraine. Thị trường Mỹ tăng rất mạnh NK thủy sản nửa đầu năm 2022 dẫn đến lượng tồn kho lớn, do vậy các mặt hàng XK của Việt Nam như tôm, cá tra…đều bị giảm nhu cầu và giảm giá.
Thị trường Trung Quốc dù đã mở cửa trở lại, nhưng kinh tế nước này còn bất ổn, sau một thời gian dài kiểm soát dịch Covid. Sản xuất trong nước chưa hồi phục, XK hàng hóa của Trung Quốc, trong đó có cả thủy sản sụt giảm, có nhiều vấn đề khiến Trung Quốc quan tâm thúc đẩy trong giai đoạn này. Quan trọng hơn cả là người tiêu dùng Trung Quốc đa số bị ảnh hưởng thu nhập sau Covid nên thắt chặt chi tiêu, đồng thời chưa kịp thích nghi với bối cảnh mới. Có thể thị trường này sẽ hồi phục dần trong nửa cuối năm 2023 và năm tới nhưng tăng trưởng tiêu thụ và NK sẽ không nhiều. XK thủy sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc và HK 5 tháng đầu năm nay đạt 568 triệu USD, giảm 26%. Trong đó, XK cá tra giảm 34%, tôm giảm 25%...
XK sang Nhật Bản và Hàn Quốc giảm ít hơn so với những thị trường khác, bởi áp lực cạnh tranh tại hai thị trường này không lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc. Tại Nhật Bản và Hàn Quốc, tôm Việt Nam vẫn là lựa chọn số 1 vì thế mạnh hàng giá trị gia tăng mà các nước Ecuador và Ấn Độ chưa thể cạnh tranh. Ngoài ra, những thị trường này cũng là đối tác cung cấp nguyên liệu cho các DN Việt Nam gia công, chế biến XK, tăng thêm nguồn thu ngoại tệ và duy trì ổn định việc làm cho công nhân các nhà máy.
XK sang Nhật Bản 5 tháng đầu năm nay đạt 582 triệu USD, giảm nhẹ 9% so với cùng kỳ và đây là thị trường lớn nhất của Việt Nam từ đầu năm tới nay. Trong đó, XK tôm giảm 28%, XK mực, bạch tuộc tăng 5%. XK thủy sản sang Hàn Quốc đạt 294 triệu USD, giảm 20%. Trong đó, XK mực, bạch tuộc sang thị trường này giảm 11%, XK toomg giảm 30%.
Thị trường EU đứng thứ 4 với gần 400 triệu USD, giảm 29% so với cùng kỳ năm 2022. Cũng giống Mỹ, thị trường EU bị ảnh hưởng bởi lạm phát và chiến tranh Nga – Ukraine khiến tiêu thụ thủy sản sụt giảm, trong đó các mặt hàng giá cao bị suy giảm nhu cầu nhiều nhất. Riêng với cá tra vẫn có cơ hội ở một số thị trường trong khối EU, nhất là tại các thị trường có tỷ lệ lạm phát cao. Dù XK cá tra sang EU vẫn giảm 11% nhưng vẫn có tín hiệu tốt tại Đức với mức tăng trưởng cao 66% và nhiều thị trường khác như Phần Lan, Lithuana, Rumani, Đan Mạch…tăng mạnh NK cá tra. XK tôm sang EU vẫn giảm sâu 49%, các mặt hàng hải sản cũng giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022.
Với những biến động kinh tế, chính trị, lạm phát, chiến tranh hiện nay, khó có thể đưa ra những dự báo có tính cơ sở chắc chắn cho giai đoạn 2023-2024. Tuy nhiên, là mặt hàng thiết yếu, thủy sản vẫn có nhu cầu nhất định ở các thị trường. Bối cảnh sau Covid và lạm phát cao, đã có nhiều thay đổi về xu hướng nhu cầu các sản phẩm thủy sản.
Các sản phẩm thủy sản phân khúc giá cao đã và sẽ tiếp tục bị giảm nhu cầu trong ngắn hạn. Các mặt hàng giá phải chăng như cá khô, cá hộp, nước mắm, cá tra, chả cá có thể vẫn có cơ hội tốt hơn ở nhiều thị trường. Tuy nhiên, một số thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia vẫn có nhu cầu ổn định hơn với sản phẩm thủy sản chế biến giá trị gia tăng của Việt Nam.
Nửa cuối năm, có thể tình hình XK thủy sản sẽ khả quan hơn, đơn hàng tăng dần phục vụ cho các kỳ hè và lễ cuối năm. Ngành thủy sản và các DN cần được sự hỗ trợ, đồng hành để còn có nguồn cung, nguồn vốn và các nguồn lực khôi phục sản xuất, XK khi thị trường có tín hiệu tốt hơn. Nếu có những điều kiện thuận lợi cho cả sản xuất và thị trường, vẫn có niềm tin giữ được mục tiêu XK thủy sản 10 tỷ USD năm nay.
Vượt qua thách thức và tiếp tục thành công trong tương lai
Từ thực tế trên, Hội nghị toàn thể hội viên VASEP năm 2023 được tổ chức nhằm xác định những vấn đề chiến lược ưu tiên trong hoạt động của Hiệp Hội trong thời gian tới cũng như cùng nhau thảo luận trao đổi và vạch ra những chương trình, kế hoạch, biện pháp hữu hiệu để giải quyết các vấn đề, vượt qua thách thức và tiếp tục thành công trong tương lai.
Hội nghị toàn thể hội viên năm nay được tổ chức đúng vào ngày thành lập Hiệp Hội, cũng là dịp đánh dấu cột mốc 25 năm xây dựng và phát triển của Hiệp hội với sự đồng hành của toàn thể doanh nghiệp hội viên cũng như sự hỗ trợ tích cực từ Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước. Mặc dù 25 năm không phải thời gian quá dài nhưng mang lại nhiều ý nghĩa lớn lao, đánh dấu mốc son trưởng thành của Hiệp hội, ngày một khẳng định thêm vị thế của Hiệp hội trong lòng các Doanh nghiệp hội viên và các đối tác trên thị trường quốc tế.
Những thành tựu đạt được của Hiệp hội còn nhờ vào sự đồng lòng và ủng hộ của các thành viên Hiệp hội, sự chia sẻ và đoàn kết giữa các doanh nghiệp thủy sản để làm nên những cột mốc quan trọng cho ngành thủy sản từ doanh số 1 tỷ USD cho đến 11 tỷ USD, đưa ngành thủy sản Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn thứ 3 trên giới và hướng đến mục tiêu xuất khẩu 20 tỷ USD.
Đồng thời tại Hội nghị, đại diện các DN tôm, cá tra, hải sản cũng trình bày các tham luận về thực trạng, triển vọng thị trường, giải pháp phát triển bền vững ngành tôm và cá tra, những khó khăn trong khắc phục thẻ vàng IUU...
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Danh dự VASEP - Bà Nguyễn Thị Hồng Minh cho rằng, mới đây, Ủy Ban Tôm Vasep đã khởi động chương trình “Vì một ngành Tôm phát triển bền vững” và bước đầu đã có những tác động tích cực đến thị trường nguyên liệu Tôm. Ủy Ban Cá Nước Ngọt cũng bắt đầu xây dựng chương trình quảng bá cá tra cùng với hoạt động liên kết cùng đánh giá lại để có biện pháp cải thiện tình hình cung ứng con giống, thức ăn, tỷ lệ thành công cho con cá tra. Ủy Ban Hải Sản cũng đang đóng góp tài chính để thuê tư vấn quốc tế cho vấn đề Thẻ Vàng IUU. Những hoạt động này cho thấy tất cả đang đi cùng nhau để đi được xa hơn.
Bà Nguyễn Thị Hồng Minh chia sẻ, "Chúng ta phát triển lớn mạnh, giữ vững vị trí trên thị trường thế giới hay không, bên cạnh nỗ lực của cộng đồng Doanh nghiệp và Hiệp hội, sự tham gia của toàn chuỗi cung ứng và sản xuất là sự đồng hành, quan tâm và chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ NN&PTNT và các cơ quan Bộ ngành chắc chắn sẽ giúp thủy sản Việt Nam vượt qua khó khăn, ngày càng phát triển lớn mạnh và bền vững."
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến, tin tưởng trong thời gian tới Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công, sẽ có bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa, có nhiều hội viên là những doanh nghiệp đầu ngành, góp phần quan trọng vào sự phát triển của ngành thủy sản và quá trình xây dựng, phát triển đất nước.
Đồng thời Thứ trưởng Phùng Đức Tiến mong muốn, VASEP tiếp tục hoàn thành tốt vai trò cầu nối giữa Doanh nghiệp và chính phủ, giữa doanh nghiệp với cộng đồng ngư dân và các thị trường quốc tế, đưa thủy sản sản Việt Nam ra các thị trường quốc tế, đóng góp vào sự phát triển ngày một lớn mạnh và bền vững của ngành, giữ vững vị thế là quốc gia đứng thứ 3 thế giới về cung cấp thủy sản. Từ nay đến cuối năm 2023 cần tập trung:
Thường xuyên đánh giá diễn biến thị trường, đề xuất các giải pháp, kịp thời thông tin, tuyên truyền để người dân biết, có kế hoạch sản xuất phù hợp; tăng cường sự hợp tác, đoàn kết giữa các doanh nghiệp trong việc tiếp cận, duy trì và mở rộng, đa dạng hóa thị trường, tuân thủ các quy định của Việt Nam và thị trường nhập khẩu, kiên quyết bài trừ những biểu hiện mất đoàn kết, cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm pháp luật, phát triển thiếu bền vững.
Đồng thời, thông báo kịp thời tới Bộ, Ngành liên quan về các vướng mắc trong quá trình xuất khẩu để có biện pháp xử lý kịp thời; tiếp tục chủ động đề xuất sửa đổi, hoàn thiện các chính sách để tạo điều kiện tối đa cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu quản lý và tăng trưởng bền vững. Tiếp tục vận động, tuyên truyền các hội viên áp dụng công nghệ mới để giảm giá thành sản xuất; Đẩy mạnh liên kết sản xuất, nhân rộng các mô hình, chuỗi sản xuất hiệu quả; giữ vững và phát triển thị trường đầu ra, đấu tranh với các rào cản kỹ thuật./.