|
Ảnh minh họa: Chi Mai |
UBND Hồ Chí Minh đã chủ động quán triệt thực hiện nghiêm các chỉ đạo từ Trung ương, Thành ủy, HĐND bằng những giải pháp cụ thể. Các địa phương cũng đã kịp thời ban hành các văn bản để triển khai đồng bộ các nhiệm vụ. Nhờ đó, kinh tế - xã hội quý I của TP Hồ Chí Minh đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Cụ thể, tốc độ tăng GRDP trên địa bàn TP tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP quý I năm 2023 ước đạt 360.622,1 tỷ đồng (theo giá hiện hành). Tính theo giá so sánh 2010 đạt 246.931,2 tỷ đồng, tăng 0,70% so với cùng kỳ (cao hơn mức tăng 0,29% của quý I năm 2022).Trong mức tăng trưởng chung 0,70% của nền kinh tế: Khu vực nông lâm thuỷ sản đóng góp 0,01 điểm phần trăm (tương đương 1,4%); khu vực công nghiệp và xây dựng làm giảm 0,79 điểm phần trăm; khu vực thương mại dịch vụ đóng góp 1,33 điểm phần trăm; thuế sản phẩm đóng góp 0,15 điểm phần trăm.
Thu ngân sách nhà nước đạt 26,6% dự toán năm. Tổng vốn đầu tư trên địa bàn trong quý I năm 2023 ước thực hiện 69.679,7 tỷ đồng, tăng 4,4% so với cùng kỳ (tỷ trọng vốn đầu tư/GRDP đạt 19,3%).
Có 5/9 ngành dịch vụ trọng yếu tăng trưởng khá như: Bán buôn, bán lẻ; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; dịch vụ hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ; giáo dục và đào tạo; dịch vụ lưu trú, ăn uống. 4 ngành tăng trưởng âm gồm: Vận tải kho bãi; thông tin và truyền thông; kinh doanh bất động sản; y tế và hoạt động cứu trợ xã hội.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 3 năm 2023 ước tính tăng 4,8% so với tháng trước và tăng 2,3% so với cùng kỳ. Chia ra, công nghiệp khai khoáng tăng 0,2% so với tháng trước và giảm 25,3% so với cùng kỳ; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,0% so với tháng trước và tăng 2,4% so với cùng kỳ; sản xuất và phân phối điện tăng 4,0% so với tháng trước và tăng 4,4% so với cùng kỳ; cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 7,2% so với cùng kỳ.
Tính chung 3 tháng đầu năm 2023, chỉ số IIP trên địa bàn Thành phố giảm 0,9% so với cùng kỳ. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 1,1%; sản xuất và phân phối điện tăng 1,4%; cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 5,3%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3 năm 2023 ước đạt 85.714 tỷ đồng, giảm 2,3% so với tháng trước (doanh thu thương mại giảm 2,0%; dịch vụ lưu trú ăn uống tăng 8%; dịch vụ du lịch lữ hành tăng 19,3%; dịch vụ khác giảm 6,3%). Như vậy đã có 3 tháng liên tiếp chỉ tiêu này giảm so với tháng trước, chủ yếu do tác động của dịch vụ khác giảm (bất động sản, vui chơi giải trí). So với tháng 3/2022 giảm 0,2%, lũy kế 3 tháng tăng 4,7% so với cùng kỳ.
Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 3 ước đạt 52.838 tỷ đồng, chiếm 61,6% trong tổng mức, giảm 2,0% so với tháng trước. Doanh thu dịch vụ lữ hành tháng 3 ước đạt 728 tỷ đồng, tăng 19,3% so với tháng trước, tăng 94,1% so với cùng kỳ. Cộng dồn 3 tháng tăng 84,5% so với cùng kỳ.
Tổng doanh thu vận tải hàng hóa, hành khách, bốc xếp và dịch vụ đại lý vận tải tháng 3 ước đạt 22.836 tỷ đồng, tăng 6,0% so với tháng trước và giảm 6,9% so với tháng cùng kỳ. Tính chung quý I năm 2023, tổng doanh thu vận tải hàng hóa, hành khách, bốc xếp và dịch vụ đại lý vận tải ước đạt 64.913 tỷ đồng, giảm 9,4% so với cùng kỳ.
Thị trường tiền tệ trên địa bàn Thành phố được điều hành theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Cuối tháng 02/2023, các ngân hàng thương mại đã điều chỉnh mặt bằng lãi suất huy động so với cuối năm 2022, trong đó lãi suất giảm 0,01%-0,08%/năm đối với kỳ hạn dưới 6 tháng và giảm 0,1%- 0,93%/năm đối với kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.
Về giải ngân vốn đầu tư công, tổng vốn kế hoạch đầu tư công năm 2023 của Thành phố đã giải ngân là 951,515 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 2% tổng số vốn giao (43.443,336 tỷ đồng), trong đó: vốn ngân sách Thành phố giải ngân là 793,219 tỷ đồng, đạt 3% tổng số vốn giao (28.446,355 tỷ đồng); ngân sách Trung ương giải ngân là 158,296 tỷ đồng, đạt 1,0% tổng số vốn giao (14.996,981 tỷ đồng)./.