Hỗ trợ Hội viên tham gia các hội chợ giới thiệu sản phẩm.
Cụ thể, các cấo Hội đã hỗ trợ hội viên nông dân từ hoạt động tư vấn, hỗ trợ đến dạy nghề, các cấp Hội đều chủ động đi trước định hướng, hướng dẫn nông dân tận tình. Chỉ tính riêng nguồn vốn sản xuất, bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Thành phố thì bình quân hàng năm, các cấp Hội đã trực tiếp giải ngân hơn 120 tỷ đồng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân và 2 tỷ đồng nguồn vốn Quỹ Vì người nghèo (nguồn vốn không lãi suất) hỗ trợ cho hơn 3.000 lượt hội viên đầu tư xây dựng các mô hình kinh tế, thành lập các chi, tổ hội nghề nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã...; đồng thời, thông qua chương trình phối hợp với Ngân hàng Chính sách - Xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai các chính sách về tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và các hoạt động ủy thác vốn vay cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn Thành phố. Có thể nói, các nguồn vốn hỗ trợ do Hội trực tiếp quản lý và phối hợp triển khai đã và đang là chất xúc tác thúc đẩy mạnh mẽ quá trình khởi nghiệp xây dựng mô hình sản xuất mới; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả sang cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao hơn và đầu tư mở rộng quy mô, hiệu quả sản xuất của hội viên.
Đặc biệt, trong điều kiện các chính sách hỗ trợ tín dụng của Thành phố đã hết thời hạn và chưa ban hành chính sách mới thay thế thì Hội Nông dân Thành phố đã chủ động tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố cấp 225 tỷ đồng vốn điều lệ Quỹ Hỗ trợ nông dân Thành phố, trong đó năm 2023 đã cấp 155 tỷ đồng để kịp thời hỗ trợ hội viên nông dân, hạn chế tình trạng thiếu hụt nguồn vốn làm gián đoạn quá trình sản xuất nông nghiệp. Không chỉ vậy, các cấp Hội còn tích cực hỗ trợ các loại vật tư nông nghiệp với giá ổn định, hình thức thanh toán linh hoạt thông qua hệ thống hơn 100 điểm cung ứng ở các huyện, quận đã góp phần giúp hội viên, nông dân sản xuất kịp thời vụ và tăng hiệu quả các mô hình kinh tế, trong đó chỉ tính riêng giai đoạn 2018 - 2023 đã hỗ trợ 603 tấn phân bón; 1.291 tấn thức ăn chăn nuôi; 140 tấn thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y; 1.174 tấn cây, con giống các loại; 170 loại máy móc, thiết bị hỗ trợ sản xuất nông nghiệp... trị giá 8,28 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, để hội viên, nông dân tiếp cận và lĩnh hội được hết những kiến thức, kinh nghiệm trong trồng trọt, chăn nuôi hay sản xuất, kinh doanh, hàng năm, Hội Nông dân Thành phố đã chủ động khảo sát nhu cầu của hội viên, từ đó đề xuất Ủy ban nhân dân Thành phố cấp kinh phí để trực tiếp tổ chức 50 lớp và phối hợp các đơn vị tổ chức hàng trăm lớp đào tạo nghề nông nghiệp ngắn hạn dưới 03 tháng cho hơn 3.000 nông dân; tổ chức gần 200 hội thảo, tập huấn kiến thức, chuyển giao khoa học kỹ thuật gắn với tham quan, học tập mô hình sản xuất hiệu quả trong và ngoài Thành phố cho khoảng 10.000 hội viên, từ đó đã xây dựng và chuyển giao thành công 442 mô hình trình diễn nông nghiệp và sản xuất nông nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong giai đoạn 2018 - 2023.
Ngoài ra, Hội Nông dân Thành phố đã chủ động xây dựng, trình Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt và triển khai thực hiện 03 đề án gồm Đề án “Tổ chức đưa nông dân đi học tập, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp hiện đại, đạt hiệu quả kinh tế cao tại các tỉnh thành trong nước giai đoạn 2023 - 2025”, Đề án “Tổ chức đưa nông dân đi học tập, trao đổi kinh nghiệm sản xuất và quảng bá hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm nông sản ở nước ngoài giai đoạn 2023 - 2025” và Đề án “Nâng cao đời sống kinh tế của nông dân gắn với hoạt động du lịch nông nghiệp, phát triển nông thôn mới giai đoạn 2023 - 2025”. Các đề án được triển khai thực hiện từ năm 2023 và dự kiến sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả trong việc hỗ trợ nông dân tiếp thu, ứng dụng công nghệ để mở rộng, nâng chất mô hình sản xuất, kinh doanh, gia tăng giá trị sản phẩm, gắn với phát triển nông nghiệp với du lịch của Thành phố.
Song song với các hoạt động hỗ trợ nông dân, các cấp Hội không ngừng nghiên cứu các giải pháp đổi mới, sáng tạo và nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, là một trong những phong trào trọng tâm của tổ chức Hội, xuất phát từ nguyện vọng và có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với hội viên nông dân. Qua thực tiễn triển khai phong trào gắn với các hoạt động Hội đã cho thấy tính hiệu quả, sự phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu với số hộ nông dân đăng ký và đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp tăng dần qua các năm; trong đó số hộ có mức thu nhập từ 500 triệu đồng đến trên 01 tỷ đồng/người/năm giai đoạn 2017 - 2021 tăng hơn 50% so với giai đoạn 2012 - 2016; có 206 gương “Nông dân tiêu biểu Thành phố Hồ Chí Minh”, 13 gương “Nông dân Việt Nam xuất sắc” được Ủy ban nhân dân Thành phố và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh trong những năm qua. Đồng thời, phát huy truyền thống đoàn kết, nghĩa tình của nông dân Thành phố Hồ Chí Minh, ngày càng có nhiều gương nông dân vừa làm kinh tế giỏi, vừa sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ hội viên, nông dân nghèo cùng phát triển với mô hình “nông dân khá giúp nông dân khó”. Bên cạnh đó cùng với sự hỗ trợ của cả hệ thống chính trị, các đơn vị doanh nghiệp đóng góp vào nguồn quỹ Tết Nghĩa tình đã tạo điều kiện cho Hội Nông dân Thành phố thực hiện công tác an sinh xã hội, xây dựng, sửa chữa 30 căn nhà tình thương, chăm lo 61.090 phần quà Tết, 924 sổ tiết kiệm, 5.628 công cụ sản xuất các loại, 7.322 suất học bổng... Từ những sự giúp đỡ này, rất nhiều nông dân nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn không có vốn, công cụ sản xuất đã có thêm điều kiện để cải thiện thu nhập, ổn định cuộc sống.
Các cấp Hội nông dân TP đã có nhiều chương trình hỗ trợ hội viên có hoàn cảnh khó khăn.
Từ những đổi mới trong sản xuất, kinh doanh, ứng dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật, hội viên nông dân, các tổ hợp tác, hợp tác xã Thành phố đã phát triển được 143 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, sản phẩm đạt chuẩn OCOP, trong đó có 107 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao, 36 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao và đề xuất công nhận 01 sản phẩm đạt chuẩn 5 sao. Không chỉ tập trung hỗ trợ sản xuất, thời gian qua, Hội Nông dân các cấp đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ hội viên tiêu thụ sản phẩm hiệu quả, trong đó hàng năm duy trì và từng bước mở rộng quy mô tổ chức Hội chợ, triển lãm sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, sản phẩm OCOP; trực tiếp tổ chức Phiên chợ nông sản định kỳ tại trụ sở Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân Thành phố để nông dân quảng bá và kết nối tiêu thụ sản phẩm thông qua hệ thống kênh phân phối truyền thống, các sàn thương mại điện tử…
Thời gian tới, các cấp Hội Nông dân TP Hồ Chí Minh tiếp tục nỗ lực hỗ trợ kịp thời giúp nông dân tháo gỡ khó khăn, thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị nông sản; phát huy bản lĩnh, trí tuệ của “Người nông dân mới Thành phố Hồ Chí Minh” “yêu nước - gương mẫu”, “năng động - sáng tạo”, “ đoàn kết - nghĩa tình” thi đua, lao động sản xuất, thoát nghèo và làm giàu bền vững, với tinh thần nông dân là trung tâm, là chủ thể, nông thôn là nền tảng, nông nghiệp là động lực của sự phát triển, góp phần xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh./..