Lo “trộm” chứ chưa lo “cháy”


Không ít những căn nhà ở thành phố đã làm khung thế này. Dù đã có cửa thoát hiểm nhưng các chuyên gia cũng khuyến cáo người dân nên để khóa nơi dễ tìm 
và thông báo cho các thành viên trong gia đình biết vị trí, 

tránh để xảy ra lúng túng khi sự cố xảy ra.


Từ cuối tháng 3/2021 tới nay, trên cả nước xảy ra liên tiếp những vụ cháy thương tâm, thiệt hại lớn về người và tài sản.

Tại Hà Nội, đêm ngày 3 rạng sáng ngày 4/4/2021 đã xảy ra vụ cháy lớn tại căn nhà số 311 đường Tôn Đức Thắng. Đây là căn nhà ở kết hợp với kinh doanh đồ sơ sinh. Do nhà không có lối thoát hiểm nên khi xảy ra cháy ở phía cửa chính, bít lối ra, các nạn nhân chỉ còn biết chạy lên tầng tum. Tuy nhiên, toàn bộ mái tum đã bị quây kín bởi tường gạch, song sắt và các tấm tôn, khiến họ không thể thoát thân ra ngoài và vụ cháy đã khiến 4 người trong nhà đều tử vong.

Mới đây nhất, vào chiều ngày 7/5, tại ngôi nhà 3 tầng trong hẻm 47 đường Lạc Long Quân, quận 11, TP Hồ Chí Minh đã xảy ra cháy nghiêm trọng khiến 8 người tử vong. Căn nhà nằm trong khu dân cư, hẻm sâu gây khó khăn cho việc tiếp cận. Căn nhà cháy cũng là nhà ở kết hợp kinh doanh sản xuất (mặt hàng xi đánh bóng gạch được pha chế từ sáp đèn cầy và dầu lửa nhưng chưa có giấy phép). Vị trí cháy tại khu vực tầng 1 và chỉ có lối thoát hiểm duy nhất của ngôi nhà qua lối cửa chính, cửa bên hông đã bị khóa. Do đó, khi xảy ra cháy các nạn nhân không thể thoát nạn ra ngoài được và chết ngạt ở bên trong tầng 1 và tầng 2.

Đây chỉ là 2 vụ cháy mới nhất trong số rất nhiều vụ cháy lớn đã từng xảy ra tại những căn nhà ở có kết hợp với sản xuất kinh doanh trong thời gian qua. Thực tế cho thấy, không phải người dân không nhìn thấy hậu quả nghiêm trọng tại những căn nhà như thế này nếu không may có cháy, nổ. Vậy đâu là nguyên nhân? Có lẽ một phần do chính người dân còn chủ quan, thiếu ý thức trong phòng cháy chữa cháy.

Trước hết, bản thân họ chưa thật sự quan tâm tới mặt hàng kinh doanh của mình có tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ hay không để có biện pháp phòng chống. Hoặc có biết nguy hiểm, thậm chí không được phép kinh doanh tại khu dân cư nhưng vẫn lén lút …“làm liều”.

Bên cạnh đó, khi kinh doanh tại nơi ở, người dân đôi khi cũng chưa chú trọng tới lối thoát hiểm. Tại các thành phố lớn như Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh, đa phần nhà dân là dạng nhà ống, tầng 1 chỉ có lối ra-vào duy nhất là cửa chính. Việc mở đường thoát hiểm trên ban công, trên tầng tum không phải khó, nhưng có những gia đình đã rào lại bằng khung sắt với lý do “sợ trộm”. Có những gia đình, cẩn thận hơn, làm cửa thoát hiểm nhưng do xây dựng đã lâu, giờ tới chìa khóa, đôi khi cũng không nhớ để ở đâu. Thế nên, nếu chẳng may hỏa hoạn, liệu có đủ bình tĩnh và thời gian để đi tìm chìa khóa?

Thêm vào đó, do kết hợp nhà ở với kinh doanh, sản xuất, nên kho để hàng hóa cũng chính là nơi sinh hoạt hàng ngày của gia đình. Trong nhà chỗ nào trống đều được trưng dụng làm nơi để hàng, nên khi hỏa hoạn xảy ra, hàng hóa đã chắn hết, không còn lối thoát thân. Vụ cháy tại căn nhà số 311 đường Tôn Đức Thắng, Hà Nội vừa qua là ví dụ điển hình.

Hậu quả từ những vụ cháy thương tâm, đang là hồi chuông thức tỉnh mỗi chúng ta về ý thức trong phòng cháy chữa cháy và nhận thức trong việc đảm bảo an toàn cháy nổ ngay từ đầu. Hãy đừng quá mải chạy theo lợi nhuận kinh tế mà quên đi tính mạng bản thân. Hãy đừng chỉ lo tìm hướng nhà hợp tuổi (phong thủy), mải chú ý vào nội thất, thiết kế đẹp mà quên đi cái quan trọng nhất là lối thoát hiểm khi có sự cố… Mỗi người hãy tự có giải pháp cho chính mình, đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”.

Không đảm bảo yêu cầu, không được phép kinh doanh


Vụ cháy chiều 7/5 đã thiêu trụi hoàn toàn căn nhà trên đường Lạc Long Quân, quận 11, TP Hồ Chí Minh

và làm chết 8 người.


Sự tồn tại đầy rủi ro của những căn nhà ở có kết hợp với sản xuất, kinh doanh, không lối thoát hiểm không chỉ do sự thiếu hiểu biết, ý thức chủ quan, coi thường tính mạng của một số người dân, mà trong đó có một phần do công tác quản lý tại các địa phương còn lơ là, lỏng lẻo.

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Đại biểu Quốc hội, Luật sư Trương Trọng Nghĩa cho biết, Luật Phòng cháy chữa cháy ở nước ta có từ năm 2001, được Quốc hội sửa đổi, bổ sung vào năm 2013 và gần đây nhất vào ngày 24/11/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 136/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy. Trong đó, quy định rất rõ đối với “nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, chất dễ cháy, hàng hóa đựng trong bao bì cháy được của hộ gia đình” thì phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy, bao gồm phương án, lực lượng, phương tiện, đường giao thông và nguồn nước.

Do đó, theo luật sư Trương Trọng Nghĩa, những nơi không đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy thì chính quyền và cơ quan chức năng phải có trách nhiệm yêu cầu các cơ sở hay khu dân cư, hộ gia đình phải tuân thủ các quy định phòng cháy chữa cháy; tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, nhắc nhở, xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm.

“Chúng ta đã có những quy định rất chặt chẽ và đầy đủ về lĩnh vực này. Đối với nhà ở kết hợp để sản xuất, kinh doanh nếu không đáp ứng đủ các điều kiện về phòng cháy chữa cháy thì nhất định không được phép kinh doanh. Bởi, nếu chúng ta không làm nghiêm, thì hậu quả vô cùng nặng nề, nhất là các hộ kinh doanh mặt hàng dễ cháy, nổ trong khu dân cư”, luật sư nhấn mạnh.

Luật sư cũng thẳng thắn cho rằng: “Nếu các hộ này không đủ điều kiện mà chính quyền, cơ quan chức năng vẫn để cho họ kinh doanh là đang làm sai quy định. Còn nếu họ lén lút kinh doanh mà cơ quan quản lý nhà nước không phát hiện ra thì chứng tỏ quản lý kém”.

Khi được hỏi về trách nhiệm của đơn vị chức năng trong vụ cháy tối ngày 7/5 tại quận 11, luật sư Trương Trọng Nghĩa cho biết, hiện nay cơ quan chức năng đang điều tra làm rõ nguyên nhân, cũng như làm rõ trách nhiệm cụ thể. “Theo tôi biết thì chúng ta đã có những quy định cụ thể về trách nhiệm quản lý trong Luật Phòng cháy chữa cháy cũng như các văn bản liên quan”, luật sư cho biết.

Cụ thể, về trách nhiệm quản lý của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với công tác phòng cháy chữa cháy, Luật Phòng cháy chữa cháy cũng quy định rõ, đối với “nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, chất dễ cháy, hàng hóa đựng trong bao bì cháy được của hộ gia đình có tổng diện tích sản xuất, kinh doanh từ 300 m2 trở lên” thì do cơ quan công an quản lý; dưới 300m2 do UBND cấp xã, phường chịu trách nhiệm quản lý.

Ngoài ra, theo luật sư Trương Trọng Nghĩa, về quy định phòng cháy, chữa cháy đối với các khu dân cư, Khoản 2, Điều 17, Luật Phòng cháy chữa cháy cũng quy định: “Thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố (sau đây gọi chung là thôn) phải có các quy định, nội quy về phòng cháy và chữa cháy, về sử dụng điện, sử dụng lửa và các chất dễ cháy, nổ; căn cứ vào điều kiện cụ thể có giải pháp ngăn cháy; có phương án, lực lượng, phương tiện, đường giao thông, nguồn nước phục vụ phòng cháy và chữa cháy.”

Hiện nay, tình hình cháy nổ ở một số hộ kinh doanh ngày càng tăng cao, đa số các vụ việc xảy ra đều gây thiệt hại nghiêm trọng, hết sức thương tâm về người lẫn tài sản. Thiết nghĩ, cùng với việc nâng cao ý thức của người dân trong công tác phòng cháy chữa cháy thì các cơ quan chức năng cũng cần nâng cao trách nhiệm của mình, để hạn chế tối đa cháy, nổ cũng như giảm tối đa thiệt hại. Như Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Ngô Minh Châu đã nói ngày hôm qua (8/5) khi đi khảo sát hiện trường vụ cháy ở quận 11 (xảy ra chiều tối ngày /5/2021): "Nếu chúng ta kiểm tra sớm hơn, phát hiện không đảm bảo an toàn, tạm đình chỉ cơ sở sẽ không xảy ra vụ việc thương tâm này"!

Theo thông tin từ Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, trong năm 2020 trên toàn quốc xảy ra 5.354 vụ cháy và 33 vụ nổ, tổng số người chết là 89 người, bị thương 184 người. Tại thành thị xảy ra 1.443 vụ, khu vực nông thôn xảy ra 1.321 vụ.

Những tháng đầu năm 2021, trên cả nước đã xảy ra nhiều vụ cháy nghiêm trọng và đặc biệt mỗi vụ thường có nhiều người thiệt mạng./..

Vương Lê