Lãnh đạo 14 tỉnh, thành ký kết ghi nhớ hợp tác liên kết phát triển du lịch. (Ảnh: Bảo Hạnh).
Trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế TP. Hồ Chí Minh 2019, ngày 5/9, UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) về liên kết phát triển du lịch với chủ đề “Liên kết phát triển bền vững”. Đây là một trong những hoạt động thuộc Diễn đàn Kết nối Du lịch giữa TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh thành ĐBSCL.
Tham dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện, đại diện lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL...
Cần hình thành hội đồng phát triển du lịch TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh ĐBSCL
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, sự liên kết, hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh ĐBSCL trong phát triển du lịch không chỉ cho chính TP mà còn là trách nhiệm của TP. Hồ Chí Minh đối với khu vực ĐBSCL.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, di sản văn hóa, tiềm năng thiên nhiên tại các địa phương trong khu vực ĐBSCL nhiều và phong phú hơn TP. Hồ Chí Minh. Do đó, việc kết hợp được các lợi thế này sẽ thay đổi, tạo được sự phát triển về du lịch không chỉ riêng đối với TP mà còn cho cả khu vực.
Đề xuất nội dung hợp tác giữa TP và các tỉnh ĐBSCL, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, cần phải hình thành hội đồng phát triển du lịch TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh ĐBSCL. Hội đồng này sẽ thảo luận, đánh giá tình hình và xây dựng chương trình hợp tác phát triển du lịch TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh ĐBSCL trong giai đoạn 2020-2025; đồng thời cần thảo luận xây dựng thương hiệu du lịch chung.
Cùng quan điểm trên, đồng chí Trần Vĩnh Tuyến - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, liên kết phát triển trong du lịch được nhận diện là một trong những đòn bẩy quan trọng cho sự phát triển kinh tế văn hóa xã hội của cả vùng. Vì vậy, cần quy hoạch phát triển đồng bộ, tập trung vào các dự án trọng điểm cho cả vùng; tăng cường kết nối giao thông, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch; xây dựng một thương hiệu du lịch liên kết vùng đặc trưng của 14 tỉnh, thành; sáng tạo những sản phẩm đáp ứng nhu cầu của du khách; thúc đẩy cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư từ khối tư nhân và xã hội…
Đồng chí Trần Vĩnh Tuyến cho biết, TP có kế hoạch phát triển du lịch thông minh, bằng sự số hóa các nguồn tài nguyên du lịch và chuẩn hóa cách tiếp cận để du khách dễ dàng tìm kiếm, tiếp cận. Trên cơ sở đó, từ năm 2021, TP. Hồ Chí Minh có thể sẵn sàng chia sẻ, liên kết với các địa phương về phát triển du lịch thông minh.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Nguyễn Quang Dương, việc liên kết đã trở thành xu thế tất yếu để nâng cao tính cạnh tranh trong kinh tế thị trường. Trong việc liên kết này cần quy hoạch chuỗi liên kết du lịch cụm các tỉnh, thành phía Tây vùng ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh, hình thành các sản phẩm du lịch liên vùng, nhằm giải bài toán trùng lắp giữa các địa phương.
Ưu tiên xây dựng nâng cấp đồng bộ các tuyến giao thông huyết mạch
Nêu ý kiến về thúc đẩy phát triển du lịch 14 tỉnh thành, đồng chí Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp kiến nghị cần có chính sách ưu tiên xây dựng nâng cấp đồng bộ các tuyến giao thông huyết mạch kết nối TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành ĐBSCL. Sự đồng bộ này bao gồm cả cầu và đường, giao thông thủy- bộ, các bến xe, bến thủy, điểm dừng chân lên xuống khách. Về phía địa phương, mỗi tỉnh cần xây dựng chính sách đầu tư phát triển du lịch.
Đồng tình với nội dung trên, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, Việt Nam phấn đấu đến năm 2025 dự kiến sẽ đón khoảng 32 triệu lượt khách quốc tế, 110 triệu lượt khách du lịch nội địa. Để đạt được mục tiêu của mình, hoàn thành mục tiêu của cả nước, ngành du lịch TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL phải hợp tác và nghiên cứu để hình thành mô hình hợp tác, liên kết hiệu quả; mỗi địa phương cần có những đặc thù riêng và từ cơ sở này tạo ra các sản phẩm du lịch gắn kết; phải tập trung mọi nguồn lực để quảng bá hiệu quả, cũng như tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính Phủ Vũ Đức Đam yêu cầu các tỉnh, thành phải tập trung vào việc phát huy các di sản văn hóa, con người để có những sản phẩm du lịch thật riêng. Phải tận dụng được công nghệ mới để tăng cường kết nối, để làm du lịch thông minh, như xu thế hiện nay chỉ cần điện thoại di động là có thể đặt vé, đặt chỗ… Bên cạnh đó, du lịch không chỉ là sự kết nối giữa ngành với ngành mà còn từ các địa phương với các địa phương, liên kết phát triển cần chú ý phát triển bền vững trong tương lai cả về số lượng lẫn chất lượng.
Tại hội nghị, đại diện Sở Du lịch, Sở VHTT&DL của 14 tỉnh, thành cùng ký kết ghi nhớ hợp tác phát triển du lịch. Đồng thời lãnh đạo Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh và Sở VHTT&DL Đồng Tháp tiến hành nghi thức trao biểu trưng đăng cai tổ chức diễn đàn lần 2 vào năm 2021 sẽ diễn ra tại tỉnh Đồng Tháp./.