Ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao thành phố Hồ Chí Minh, phát biểu tại tọa đàm.


Ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, từ các hoạt động thực tiễn, tại đơn vị, địa phương, đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, góp phần làm phong phú hơn các phong trào, cuộc vận động và danh hiệu văn hóa ở cơ sở. Qua đó, góp phần tích cực vào việc hình thành nhân cách con người, vai trò vị trí của hộ gia đình trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của người dân ở cộng đồng và thúc đẩy thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

Điển hình trong phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa những năm gần đây là mô hình “15 phút mỗi tuần vì Thành phố văn minh - sạch đẹp” góp phần chỉnh trang trật tự, mỹ quan đô thị; mô hình “Biến bãi rác thành vườn hoa” kết hợp xây dựng khu vui chơi cho trẻ, nơi tập luyện thể dục thể thao cho người dân. Mô hình “5 không – 3 sạch” (không đói nghèo, không vi phạm pháp luật và mắc tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình, không sinh con thứ 3 trở lên, không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học; sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ); mô hình “Hộ liền kề”, “Ô tự quản”… đã gắn kết vai trò, trách nhiệm của người dân với việc đảm bảo an ninh trật tự, mỹ quan, xây dựng phong trào văn hóa thể thao trong cộng đồng.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai có địa phương còn mang nặng tính hình thức, nôn nóng rút ngắn quá trình thực hiện nên kết quả đạt được chưa cao, thiếu tính thuyết phục, bền vững; tỉ lệ phường, xã, thị trấn đạt chuẩn danh hiệu văn hóa còn ít. Ở một số nơi, công tác xây dựng nếp sống văn minh, mỹ quan đô thị chưa được quan tâm đúng mức; hoạt động phối hợp chưa đạt hiệu quả cao; nhiều đơn vị, doanh nghiệp chưa đăng ký thực hiện các tiêu chuẩn văn hóa...

Để giải khắc phục tình trạng này, các sở, ngành và địa phương đề xuất tăng cường công tác tuyên truyền vận động đến từng đối tượng, giới, ngành nghề, địa bàn dân cư; chú trọng công tác phối hợp thực hiện phù hợp với tình hình thực tiễn tại đơn vị, khu vực phường, xã, thị trấn; xác định trọng tâm, trọng điểm, đa dạng hóa các chương trình hành động để đảm bảo hiệu quả trong từng cuộc vận động, phong trào của Trung ương và Thành phố. Sở Tài nguyên và Môi trường tập trung thực hiện các giải pháp vận động nhân dân tham gia bảo vệ môi trường, thực hiện các quy định về vệ sinh môi trường, phân loại rác tại nguồn. Liên đoàn Lao động phát động phong trào “Công nhân vì thành phố xanh – sạch – đẹp”, xây dựng môi trường văn hóa công sở, doanh nghiệp đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ; nâng cao ý thức lao động, tác phong công nghiệp…Quận Thủ Đức hướng đến hộ gia đình, công nhân tại các khu chế xuất, khu công nghiệp và sinh viên tại các trường đại học, nhất là Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Phó trưởng Phòng Văn hóa quận Thủ Đức cho biết: Hiện quận đã kết nối, hình thành 139 nhà trọ văn hóa, 8 ký túc xá sinh viên văn hóa; định kỳ tổ chức giải cờ tướng, cầu lông cho sinh viên và công nhân. Mới đây, quận đã vận động các chủ nhà hàng, doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, thực hiện giữ gìn vệ sinh môi trường, phân loại rác tại nguồn... 

Quang cảnh buổi tọa đàm.

Tại tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận, đánh giá thực trạng việc tuyên truyền, vận động, đăng ký xây dựng và kiểm tra công nhận các danh hiệu văn hóa; đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; phát huy vai trò và sự tham gia của các hộ gia đình, khu phố, ấp, xã, phường, thị trấn, đơn vị doanh nghiệp trong việc thực hiện các cuộc vận động. Vai trò và sự phối hợp của các thành viên ban chỉ đạo phong trào; đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác xây dựng văn hóa gắn với thực tiễn tại địa phương; tăng cường công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, các mô hình, giải pháp sáng tạo trong thực hiện cuộc vận động “Người dân Thành phố Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch vì thành phố sạch và giảm ngập nước” gắn với thực hiện các tiêu chí văn hóa.

Theo Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh, từ năm 2000 – 2018, Thành phố đã biểu dương hơn 611.000 gương “Người tốt việc tốt”. Riêng năm 2018, toàn thành phố có hơn 1,3 triệu hộ gia đình được công nhận đạt chuẩn văn hóa, chiếm 91,8%; có 1.843 khu phố, ấp văn hóa, chiếm 92,6%; 188 phường, xã, thị trấn đạt chuẩn văn hóa, chiếm 58,9%; 4.512 doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, chiếm 93,6%./.

Tin, ảnh: Thanh Vũ/TTXVN