Đây là ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong tại hội nghị Tổng kết mô hình tổ chức, hoạt động của Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (2008 - 2018). Hội nghị do UBND Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, ngày 21/12.
Theo Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, để tạo sự đột phá trong hoạt động, Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh cần đẩy mạnh liên kết với các trường, viện trong công tác nghiên cứu thực hiện các đề tài, đồng thời phối hợp chặt chẽ với chuyên gia, nhà khoa học đang làm việc tại các viện, trường đại học trong thực hiện các đề tài mang tính ứng dụng thực tiễn. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực của viện cần được nâng cao chất lượng để có thể tham gia thực hiện một cách hiệu quả các đề tài nghiên cứu cấp vùng, cấp quốc gia cũng như các đề tài nghiên cứu có tính khu vực, quốc tế. Đồng thời, viện cần thực hiện cơ chế tự chủ tài chính theo lộ trình cụ thể, từng bước nâng cao thu nhập cho cán bộ, công nhân viên.
Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Xuân Dự - TTXVN)
Đánh giá hoạt động của Viện Nghiên cứu phát triển thành phố 10 năm qua, ông Nguyễn Thành Phong ghi nhận với nhiệm vụ tư vấn, tham mưu cho công tác giải quyết những vấn đề từ thực tiễn của thành phố, viện đã có nhiều nỗ lực xây dựng các chương trình, đề án, đề tài khoa học phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành của thành phố trong từng giai đoạn. Tuy nhiên, hoạt động của viện chưa đạt được hiệu quả như mong muốn, chất lượng tham mưu còn hạn chế với tiến độ thực hiện chậm, nhất là trong việc nghiên cứu và xây dựng Bộ tiêu chí Thành phố Hồ Chí Minh. Đội ngũ cán bộ chưa đảm bảo chất lượng về công tác nghiên cứu, tham mưu cho lãnh đạo thành phố, hoạt động tham mưu còn thiếu tính chủ động, chưa có sự phối hợp chặt chẽ với các viện, trường, chuyên gia, nhà khoa học trong cả nước.
Đóng góp ý kiến về hoạt động của Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Cành, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, trong hoạt động, viện cần hướng đến các hoạt động nghiên cứu phát triển không chỉ dành cho thành phố mà còn cho cả khu vực phía Nam và đóng góp cho sự phát triển chung của cả nước cũng như tham gia hợp tác nghiên cứu với các viện, trường, nhà khoa học ở các nước trong khu vực. Viện cần tăng cường công tác cung cấp thông tin về kết quả nghiên cứu, thống kê, phân tích cho lãnh đạo thành phố cũng như cung cấp các thông tin phục vụ cộng đồng.
Theo ông Dương Anh Đức, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Nghiên cứu phát triển thành phố cần quan tâm đến nguồn nhân lực chất lượng cao, trở thành nơi tập trung những chuyên gia, nhà khoa học trong các lĩnh vực. Để làm được điều này, viện cần thực hiện cơ chế thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời tinh gọn bộ máy.
Đề xuất một số nội dung để nâng cao hiệu quả hoạt động, ông Trần Anh Tuấn, Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị UBND thành phố cho viện thí điểm cơ chế thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ thông qua đặt hàng của Thành ủy, HĐND và UBND thành phố, đồng thời giao cho viện làm đầu mối phối hợp với các chuyên gia, nhà khoa học tổ chức thẩm định, tư vấn về chiến lược, kế hoạch, các đề án phát triển kinh tế - xã hội thành phố; phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học; phối hợp với cục phía Nam của Bộ Khoa học và Công nghệ hợp tác thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học về phát triển kinh tế - xã hội cấp nhà nước.
Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập trên cơ sở hợp nhất Viện Kinh tế thành phố, Viện Nghiên cứu xã hội thành phố thuộc UBND thành phố và sáp nhập Viện Quy hoạch xây dựng thuộc Sở Quy hoạch kiến trúc theo Quyết định số 70/2008/QĐ-UBND ngày 6/9/2008 của UBND thành phố. Viện chính thức hoạt động từ ngày 1/10/2008. Viện có chức năng nghiên cứu khoa học, tham mưu, tư vấn cho Thành ủy và UBND thành phố các vấn đề về phát triển kinh tế, xã hội, quy hoạch và môi trường, đô thị trên địa bàn thành phố.
Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện 94 đề tài nghiên cứu khoa học và thực hiện nhiều đề tài, đề án phục vụ chương trình làm việc của Thành ủy, kế hoạch chỉ đạo, điều hành của UBND thành phố. Viện đã công bố cuốn sách Thành phố Hồ Chí Minh thế kỷ 21 từ kết quả hợp tác nghiên cứu với Viện Nghiên cứu IRD (Pháp); nghiên cứu biên soạn nội dung công trình Thành phố Hồ Chí Minh - 35 năm xây dựng và phát triển./.