Công nhân ngành điện kiểm tra mạng lưới điện đảm bảo an toàn.
Trước mùa mưa bão, EVNHCMC đã cho tăng cường kiểm tra, rà soát toàn bộ lưới điện, nhất là các khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết cực đoan để kịp thời xử lý. Chủ động phối hợp với các Khu quản lý đô thị, Công ty Công viên cây xanh tổ chức kiểm tra mé nhánh, tỉa cành các cây xanh có thể tác động đến lưới điện, bảng quảng cáo, lều, lán,… có khả năng ngã đổ, bay vào đường dây, trạm biến áp. Lập phương án ứng phó khi có cây ngã, đổ vào đường dây cao áp, đảm bảo cung cấp điện các tuyến dây trọng yếu của từng quận/huyện.
Anh Nguyễn Trung Hiếu – công nhân Đội quản lý lưới điện Công ty Điện lực Củ Chi – cho biết vào mùa mưa, các anh em trong đội thường xuyên đi kiểm tra, phát hiện những nguy cơ có thể gây ra sự cố cho lưới điện. Chính việc chủ động phòng ngừa như thế đã đảm bảo việc vận hành lưới điện được an toàn, ổn định, liên tục. “Chúng tôi được Tổng công ty quan tâm, trang bị đầy đủ xe cộ, phương tiện bảo hộ lao động để đảm bảo an toàn khi làm việc. Chúng tôi cũng thường xuyên tuyên truyền cho các hộ dân các cách bảo đảm an toàn điện trong mùa mưa bão”, anh Hiếu nói.
Ông Nguyễn Thanh Lâm – Phó Giám đốc Công ty Điện lực Củ Chi – cho biết, hằng năm, trước mùa mưa bão, công ty đều tổ chức kiểm tra lưới điện định kỳ và đột xuất, nhằm phát hiện các nguy cơ, bất thường trên lưới điện để xử lý kịp thời. Do địa bàn rộng, Điện lực Củ Chi đã thành lập lực lượng để trực “nóng” để nhanh chống trực tiếp xử lý các sự cố khẩn cấp. Điện lực cũng được trang bị đầy đủ trang thiết bị như xe gầu, xe cẩu để đáp ứng cho những tình huống ngã, đổ trụ điện. “Chúng tôi luôn chuẩn bị tốt nhất nhân lực, vật lực, đồng thời ký phối hợp với một số đơn vị để đề phòng trường hợp xảy ra sự cố trên diện rộng thì có thể nhanh chóng huy động lực lượng xử lý sự cố, qua đó góp phần nâng cao chất lượng cung cấp điện trên địa bàn TPHCM”, ông Lâm nói.
Ông Huỳnh Lê Khương - Phó trưởng Ban An toàn EVNHCMC – cho biết trước mùa mưa bão, EVNHCMC đã triển khai đến các đơn vị chủ động kiểm tra an toàn lưới điện, đặc biệt là ở những khu vực có nguy cơ xảy ra hiện tượng thời tiết cực đoan, khu vực trũng, có nguy cơ ngập lụt, phối hợp với các đơn vị kiểm tra mé nhánh, tỉa cành các cây xanh có thể tác động đến lưới điện, bảng quảng cáo, lều, lán... có khả năng ngã đổ, bay vào đường dây, trạm biến áp. Lập phương án ứng phó khi có cây ngã, đổ vào đường dây cao áp, đảm bảo cung cấp điện các tuyến dây trọng yếu của từng quận, huyện. Khi có sự cố trên lưới điện do các tình huống thiên tai gây ra, EVNHCMC chủ động cắt điện nhằm đảm bảo an toàn cho người và tài sản của nhân dân, công nhân thực hiện nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, EVNHCMC đang tiếp tục thực hiện chương trình ngầm hóa lưới điện và lưới điện thông minh có chức năng theo dõi và điều khiển từ xa. Hoạt động này sẽ góp phần nâng cao chất lượng an toàn điện, độ tin cậy cung cấp điện và giảm tối đa tác động từ các yếu tố bên ngoài cũng như ảnh hưởng của thời tiết.
EVNHCMC đã cho tăng cường kiểm tra, rà soát toàn bộ lưới điện, nhất là các khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết cực đoan để kịp thời xử lý.
Ông Khương cũng khuyến cáo Trong mùa mưa bảo, ngành điện TP Hồ Chí Minh cũng khuyến cáo người dân: Tổ chức kiểm tra các ngay thiết bị, dây dẫn điện trong gia đình, nếu có dấu hiệu hư hỏng phải kịp thời sửa chữa, thay thế nhằm tránh rò điện, tránh nguy cơ mất an toàn gây ra tai nạn điện.
Thực hiện lắp các thiết bị đóng cắt (CB) chống giật cho toàn bộ ngôi nhà, phòng trọ vì thiết bị này có chức năng tự động phát hiện sự cố rò điện và có khả năng ngắt nguồn điện nhanh nhạy. Đồng thời, phải lắp CB chống giật hoặc cầu chì ở trước các ổ cắm điện hay theo từng khu vực (tầng, phòng trọ) để có thể ngắt dòng điện khi có chạm chập điện.
Thực hiện bố trí chỗ lắp đặt đường dây dẫn điện, ổ cắm điện, thiết bị sử dụng điện trong nhà cao hơn mức nước thường ngập lụt, ẩm ướt.
Lưu ý, không lắp đặt trực tiếp dây điện trên mái tôn hoặc hệ thống sắt thép của mái nhà vì qua tác động của thời tiết (nắng, mưa, gió…) có thể làm hư hỏng cách điện gây rò rỉ điện.
Trường hợp bất khả kháng, cần kéo dây trên/gần mái tôn, lò hơi có nhiệt độ cao, phải có đơn vị có chuyên môn về điện để tư vấn/thiết kế lắp đặt hệ thống dây điện phù hợp (chủng loại dây, sứ cách điện, khoảng cách với mái tôn, bọc trong ống…) và thường xuyên kiểm tra, bảo trì để đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng.
Có thể thấy rằng công tác đảm bảo an toàn điện mùa mưa bảo năm nay của Tổng Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh diễn ra rất tốt, đã triển khai nhiều biện pháp bao gồm việc kiểm tra và bảo dưỡng hệ thống điện, tăng cường giám sát và phát hiện sớm các sự cố, sử dụng công nghệ hiện đại, giám sát từ xa, để phát hiện và khắc phục các sự cố một cách nhanh chóng. Cung cấp thông tin và hướng dẫn đúng cách sử dụng điện cho người dân, và chuẩn bị sẵn sàng các kế hoạch phòng chống thiên tai. Điều này cho thấy sự quan tâm và cẩn trọng của ngành điện đối với việc đảm bảo an toàn điện cho người dân, đặc biệt là trong các điều kiện thời tiết khắc nghiệt./.