|
Toàn cảnh Hội thảo. |
Ngày 19/4, tại TP Hồ Chí Minh, Trung tâm Hỗ trợ Hội nhập quốc tế TP Hồ Chí Minh (CIIS) phối hợp cùng Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy quan hệ thương mại giữa Việt Nam với thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc trong tình hình mới”.
Tham dự và phát biểu tại Hội thảo, ông Keigo Yoshida, Giám đốc cấp cao phụ trách Bộ phận sản phẩm Công ty TNHH Aeon Topvalu Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh (JCCH) ….
Với sự tham gia của các chuyên gia: Ông Đỗ Quốc Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương; Ông Keigo Yoshida - Giám đốc cấp cao phụ trách Bộ phận sản phẩm Công ty TNHH Aeon Topvalu Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh (JCCH); Ông Park Ki Jun – Quản lý của Tổ chức Xúc Tiến Thương Mại và Đầu Tư của Chính Phủ Hàn Quốc tại TP Hồ Chí Minh (KOTRA) và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Hội thảo còn thu hút sự tham dự của hơn 150 đại biểu đến từ các Sở, ngành Thành phố; các Hiệp hội doanh nghiệp trong nước, Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài; các doanh nghiệp xuất khẩu và các cơ quan truyền thông báo đài trên địa bàn Thành phố.
Dự báo năm 2023, bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có những diễn biến mới, nhanh chóng và khó lường như: áp lực lạm phát gia tăng, nhu cầu nhập khẩu giảm, doanh nghiệp khó khăn về vốn dòng tiền, giá xăng dầu và nguyên vật liệu biến động mạnh về giá… gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh và hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp. Hội thảo nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu, nắm bắt thông tin về xu hướng, nhu cầu của thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc, tận dụng hiệu quả các ưu đãi từ các FTA Việt Nam đã ký kết.
Phiên thảo luận đã diễn ra sôi nổi với các nội dung xoay quanh việc đưa ra các giải pháp nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại của Việt Nam với thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc.
Theo báo cáo của Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh, Nhật Bản và Hàn Quốc là đối tác thương mại truyền thống, quan trọng và còn là thị trường xuất khẩu đầy tiềm năng của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng. Xuất nhập khẩu là “điểm sáng” của kinh tế TP Hồ Chí Minh trong năm 2022 khi kim ngạch xuất nhập khẩu của thành phố được ghi nhận đứng đầu cả nước. Tính chung cả năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh tại các cửa khẩu trên cả nước đạt 47,1 tỷ USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của thành phố sang thị trường Nhật Bản đạt hơn 2,9 tỷ USD, tăng 21,2% so với 2021. Xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc đạt 679,9 triệu USD, chiếm 1,6% tổng kim ngạch xuất khẩu. Một trong những lý do góp phần vào sự tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đó chính là doanh nghiệp thành phố có sự nỗ lực rất lớn và tận dụng lợi thế từ lộ trình cắt giảm thuế quan của các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết với Nhật Bản (AJCEP, VJEPA, CPTPP, RCEP) và Hàn Quốc (AKFTA, VKFTA, RCEP).
Phát biểu chào mừng tại Hội thảo, ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh nhận định, xuất nhập khẩu của Việt Nam lần đầu tiên vượt mốc hơn 700 tỉ USD trong năm 2022, đưa nước ta vào nhóm các nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Việt Nam bước vào năm 2023 với kỳ vọng tiếp tục giữ vững đà tăng tưởng từ thành quả đạt được năm 2022. Tuy nhiên, theo dự báo của các tổ chức quốc tế, xuất khẩu của Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn do nhu cầu thế giới suy giảm tiêu dùng, đặc biệt là tại các nền kinh tế lớn, vốn là các thị trường nhập khẩu quan trọng của Việt Nam. Nhật Bản và Hàn Quốc là 2 nền kinh tế lớn, và cũng là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, tỉ trọng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu của thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc hiện còn khiêm tốn, chiếm lần lượt 2,7% và 3,3% mặc dù Việt Nam đã ký kết và thực thi với Nhật Bản các FTA như (AJCEP, VJEPA, CPTPP, RCEP), và Hàn Quốc (AKFTA, VKFTA, RCEP). Có thể thấy, hàng hóa Việt Nam tại Nhật Bản và Hàn Quốc còn nhiều cơ hội mở rộng và tăng trưởng.
Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp, trong thời gian qua, ITPC đã tổ chức nhiều chương trình hỗ trợ xúc tiến thương mại nhằm cung cấp, cập nhật thông tin thị trường, xu hướng tiêu dùng, kết nối cung cầu với các thị trường tiềm năng dành cho doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh. Cụ thể đối với thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc, năm 2022 kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam - Hàn Quốc đạt hơn 86 tỷ USD, Việt Nam - Nhật Bản đạt hơn 47 tỷ USD. Hiện nay, các yêu cầu về tiếp cận thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc ngày càng được nâng cao, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với không ít thách thức.
|
|
Ông Đỗ Quốc Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương phát biểu. |
Về phần mình, ông Đỗ Quốc Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương chia sẻ nội dung “Thúc đẩy quan hệ thương mại giữa Việt Nam với Nhật Bản và Hàn Quốc”. Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ 4 (sau Trung Quốc, Hàn Quốc, Hoa Kỳ), là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 (sau Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc), thị trường nhập khẩu lớn thứ 3 (sau Trung Quốc và Hàn Quốc) của Việt Nam. Riêng Hàn Quốc là đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam vào năm 2022, là đối tác thương mại lớn thứ 3 (sau Trung Quốc, Hoa Kỳ), là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 (sau Hoa Kỳ, Trung Quốc), thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 (sau Trung Quốc) của Việt Nam. Ông Đỗ Quốc Hưng chia sẻ tiềm năng, và các cơ hội xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc đối với các sản phẩm dệt may, da giày, nông thủy sản và giới thiệu các cam kết về thuế quan đối với các mặt hàng này trong các FTA mà Việt Nam và Nhật Bản, Việt Nam và Hàn Quốc hiện đang thực thi. Bên cạnh đó, ông Đỗ Quốc Hưng cũng giới thiệu các yêu cầu, tiêu chuẩn cụ thể đối với từng mặt hàng; những khó khăn, thách thức mà doanh nghiệp thường gặp khi xuất khẩu sang Nhật Bản & Hàn Quốc; từ đó đưa ra các khuyến nghị giúp doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu vào hai thị trường này trong thời gian tới.
Đại diện phía Hàn Quốc, Ông Choi Kyu Chul, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại TP Hồ Chí Minh (KOCHAM) cảm ơn những nỗ lực của các cơ quan chính quyền TP Hồ Chí Minh trong việc cầu thị lắng nghe ý kiến của các hiệp hội, doanh nghiệp nước ngoài nhằm đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Đồng thời cho rằng, trong trung và dài hạn, Việt Nam cần xây dựng cho mình được nguồn nhân lực chất lượng cao và thực hiện đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng bằng nguồn vốn xã hội hóa, bao gồm đường xá, bến cảng và hàng không; tập trung mở rộng đầu tư vào các ngành công nghiệp phụ trợ như vật liệu, linh kiện… Ông Choi Kyu Chul mong Chính phủ Việt Nam sẽ đưa ra nhiều chính sách mới hỗ trợ các ngành công nghiệp, và doanh nghiệp phát triển hơn nữa trong thời gian tới, đặc biệt là hỗ trợ cho các ngành công nghiệp phát triển theo hướng thân thiện với môi trường.
“Cần bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao và đầu tư vào cơ sở hạ tầng vốn xã hội hóa, bao gồm đường xá, bến cảng và hàng không. Mở rộng đầu tư vào các ngành công nghiệp phụ trợ như vật liệu, linh kiện. Các tổ chức tài chính cần tăng cường năng lực cạnh tranh. Các giao dịch tiền tệ hai chiều nên được mở rộng, các kỹ thuật tài chính khác nhau như phòng ngừa rủi ro tiền tệ nên được áp dụng, các ngân hàng vốn của Việt Nam cần lớn hơn và tăng cường sức mạnh tài chính. Cần có bảo hiểm đối với những tình huống rủi ro mà các nhà xuất khẩu có thể gặp phải như việc không nhận được tiền bán hàng. Tôi mong rằng chính phủ sẽ tăng cường hơn nữa chính sách để bảo vệ và nuôi dưỡng các công ty thương mại và các công ty sản xuất.”- Ông Choi Kyu Chul nhấn mạnh./.