Trao biểu trưng số BHXH tự nguyện cho các hội viên nông dân đã đăng ký tham gia. 

Hội Nông dân Thành phố có nhiệm vụ chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên nông dân trên địa bàn, bao gồm “quyền được bảo đảm an sinh xã hội”; tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân hiểu và tích cực thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong đó có chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế. Với ưu thế là cơ quan đoàn thể chính trị - xã hội của giai cấp nông dân, Hội nông dân có vai trò đặc biệt và là lực lượng tin cậy trong công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Nhà nước đến người dân.

Phấn đấu 100% hội viên Hội Nông dân tham gia Bảo hiểm y tế

Hiện nay, Hội Nông dân Thành phố có 10 cơ sở hội, cụ thể: Hội Nông dân thành phố Thủ Đức, Hội Nông dân Quận 12, Hội Nông dân huyện (Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè) và 3 Hội Nông dân phường (Phường 28, quận Bình Thạnh; phường Bình Hưng Hòa B, Tân Tạo A, quận Bình Tân) với tổng số 57.490 hội viên trong đó có 608 hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương, Thành phố; 1.279 hội viên nông dân nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện, quận.

Nhằm tăng cường sự phối hợp giữa Hội Nông dân và Bảo hiểm xã hội, tăng cường trách nhiệm, phát huy khả năng và thế mạnh của mỗi bên trong công tác phổ biến, tuyên truyền, thực hiện chính sách, pháp luật về Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế Hàng năm, Hội Nông dân Thành phố và Bảo hiểm xã hội Thành phố đã ký kết Kế hoạch phối hợp về việc tuyên truyền vận động cán bộ, hội viên nông dân các cấp tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện, Bảo heierm y tế hộ gia đình.

Theo đó, chỉ tiêu cụ thể trong năm 2023 là phấn đấu 100% hội viên Hội Nông dân tham gia Bảo hiểm y tế; Vận động trên 50% số hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương và cấp Thành phố tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện (tương ứng với 304 người tham gia); phấn đấu 20% số hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện (tương ứng với 256 người tham gia).

Để nâng cao nhận thức cho hội viên về quyền lợi và trách nhiệm khi tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế. Đồng thời phát huy vai trò vận động, tuyên truyền chính sách, pháp luật Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế của hội viên, Hội Nông dân và Bảo hiểm xã hội đã phối hợp tổ chức các hội nghị tuyên truyền, đối thoại về chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế lồng ghép nội dung tuyên truyền về chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế trong các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ, hội viên và đội ngũ tuyên truyền viên nông dân các cấp. Tổ chức các gian hàng tư vấn chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, hướng dẫn cài đặt và đăng ký ứng dụng VssID – Bảo hiểm xã hội số cho người tham gia tại các hội chợ,… cung cấp các cẩm nang, tài liệu, tờ gấp, tờ rơi phục vụ cho công tác tuyên truyền. Đồng thời, đăng tin, bài về hoạt động phối hợp, tuyên truyền giữa Hội nông dân và Bảo hiểm xã hội trên trang thông tin điện tử của hai đơn vị. do đó đã đạt kết quả đáng mừng 100% hội viên tham gia Bảo hiểm y tế; 382 nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện (đạt 20%).

Từ đầu năm 2023 đến nay, Hội Nông dân và Bảo hiểm xã hội đã phối hợp tổ chức 8 cuộc tuyên truyền, phổ biến chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế cho 1.221 lượt hội viên và nông dân trên địa bàn. Hội Nông dân và Bảo hiểm xã hội đã kêu gọi mạnh thường quân, các nhà tài trợ hỗ trợ 9.897 thẻ Bảo hiểm y tế cho các hội viên, nông dân thuộc hộ cận nghèo, mới thoát nghèo hoặc có hoàn cảnh khó khăn.

Việc thực hiện Chương trình phối hợp giữa Bảo hiểm xã hội và Hội Nông dân Thành phố thời gian qua đã được tiến hành chủ động, kịp thời theo đúng kế hoạch, nội dung, hình thức mà các bên đã thống nhất; giúp hai cơ quan xây dựng được mối quan hệ phối hợp chặt chẽ, phát huy sức mạnh tổng hợp trong công tác tuyên truyền thực hiện chính sách, pháp luật Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế.

Bằng nhiều hình thức như tổ chức các buổi tập huấn, các cuộc hội nghị tuyên truyền, tư vấn chính sách, các hội thi và lồng ghép truyền thông trong các buổi sinh hoạt chi, tổ hội... đã thu hút nhiều người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện, Bảo hiểm y tế tự đóng, giúp hội viên, nông dân được tiếp cận và thụ hưởng các chính sách của Đảng, Nhà nước; tỷ lệ hội viên nông dân tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện, Bảo hiểm y tế năm sau luôn cao hơn năm trước. Trong đó, số hội viên tham gia Bảo hiểm y tế đạt 100%, hoàn thành sớm với chỉ tiêu đề ra.

Xây dựng các mô hình tuyên truyền phù hợp với địa bàn

 

Bên cạnh đó còn có một vài hạn chế như: Tỷ lệ hội viên nông dân tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện còn thấp so với chỉ tiêu đề ra. Số hội viên tăng, giảm thường xuyên dẫn đến việc thống kê đôi khi chưa chính xác, đầy đủ. Tuy có thống kê được số hội viên tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện nhưng chưa thống kê được việc tái tục của người tham gia do cơ quan Bảo hiểm xã hội chưa được cung cấp danh sách người tham gia (bao gồm họ tên và mã số Bảo hiểm xã hội) để theo dõi, vận động tiếp tục tham gia trong trường hợp đã ngừng tham gia.

Đội ngũ cán bộ, hội viên của Hội Nông dân còn chưa được trang bị đầy đủ, kỹ năng, kiến thức trong công tác tuyên truyền, vận động nông dân tham gia. Công tác tuyên truyền, phối hợp giữa Hội nông dân và cơ quan Bảo hiểm xã hội chưa được thường xuyên và chưa phủ khắp được mọi địa bàn. Công tác trao đổi thông tin, dữ liệu giữa hai đơn vị chưa kịp thời, chặt chẽ. Chưa mở rộng đối tượng tuyên truyền tới toàn thể nông dân, người lao động và mọi người dân.

Để thực tốt hiệu quả bảo hiểm xã hội cho nông dân, lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất: Cần tiếp tục cụ thể hóa chương trình phối hợp, xây dựng các mô hình tuyên truyền phù hợp với địa bàn; tăng cường phổ biến các chính sách mới cho các đồng chí trong Ban chấp hành hội và hội viên, đảm bảo 100% cán bộ, hội viên đều được tiếp cận, để mỗi cán bộ, hội viên sẽ là một tuyên truyền viên giúp lan tỏa chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế đến gia đình và xã hội. Tăng cường hướng dẫn cài đặt và đăng ký ứng dụng VssID – Bảo hiểm xã hội số để hội viên và người nông dân có thể sử dụng ứng dụng trong các giao dịch với cơ quan Bảo hiểm xã hội, thuận tiện trong việc sử dụng hình ảnh thẻ Bảo hiểm y tế trên điện thoại khi đi khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế, góp phần thực hiện chiến lược chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số.

Bên cạnh đó, xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên cơ sở để tuyên truyền chính sách được sâu rộng và thường xuyên hơn thông qua tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cách thức truyền thông chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế cho đội ngũ tuyên truyền viên nông dân các cấp.

Hội Nông dân Thành phố tiếp tục giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện cho Hội Nông dân các huyện, quận. Tổ chức cuộc thi tìm hiểu về Bảo hiểm xã hội tự nguyện, Bảo hiểm y tế tự đóng cho hội viên Hội Nông dân. Tổ chức phong trào thi đua cán bộ, hội viên nông dân tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện, xây dựng các nguồn quỹ hỗ trợ tham gia Bảo hiểm xã hội... Định kỳ trao đổi thông tin giữa hai đơn vị về tình hình và kết quả hội viên nông dân tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế.

Bảo hiểm xã hội Thành phố luôn coi trọng công tác phối hợp với các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ngành. Việc phối hợp với Hội Nông dân đã có nhiều đổi mới trong tổ chức thực hiện và đi vào thực chất, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ, hướng tới mục tiêu Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế toàn dân theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng, góp phần đảm bảo các quyền lợi an sinh xã hội cho nhân dân./.


CM