Hướng đi và và giải pháp nào để phục hồi và phát triển du lịch trong điều kiện bình thường mới? Vấn đề này được đặt ra tại tọa đàm do Báo Người lao động tổ chức trực tuyến ngày 14/10 với sự tham gia của lãnh đạo nhiều bộ, ban ngành, địa phương và doanh nghiệp.

Kết nối chặt chẽ giữa các địa phương, doanh nghiệp

Tại tọa đàm, một số ý kiến cho rằng việc kết nối địa phương là hết sức quan trọng. Chính phủ đã có Nghị quyết 128 để địa phương thống nhất với nhau điều kiện, tiêu chuẩn trong mở cửa phục hồi kinh tế nói chung, du lịch nói riêng. Nếu mỗi địa phương có tiêu chuẩn riêng thì không thể thực hiện mở cửa, phát triển du lịch được. Bên cạnh đó, cần hợp tác, phối hợp chặt chẽ tất cả cơ quan nhà nước, đơn vị, tạo thống nhất, trong đó cơ quan nhà nước phải là cầu nối, tác động tích cực cho mở cửa, phục hồi du lịch để doanh nghiệp có điều kiện tốt nhất, nếu không doanh nghiệp sẽ rất khó khăn.

Nêu dẫn chứng về việc kết nối giữa các địa phương trong phát triển du lịch, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng cho biết, TP Hồ Chí Minh và tỉnh Tây Ninh đã ký kết mở tuyến du lịch khép kín TP Hồ Chí Minh - Địa đạo Củ Chi và Núi Bà Đen dự kiến bắt đầu vào ngày 16/10. Thời gian tới, TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục xúc tiến với các tỉnh miền Trung và một số tỉnh khác để phát triển du lịch nội địa. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng, người dân thành phố đã tiêm vaccine mũi 1 trên 98% và mũi 2 đạt 74% cho người trên 18 tuổi. “Đó là điều kiện tốt để các nơi mạnh dạn đón tiếp khách du lịch TP Hồ Chí Minh. Đồng thời, sẽ thực hiện một số nội dung về 5K và đảm bảo phòng, chống dịch…” -  Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng nhấn mạnh.

TP Hồ Chí Minh và tỉnh Tây Ninh thống nhất mở tour du lịch khép kín
từ địa đạo Củ Chi - núi Bà Đen từ ngày 16/10. (Ảnh:baotayninh.vn)

 

Đồng quan điểm, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động Tô Đình Tuân cho rằng, TP Hồ Chí Minh vừa qua đã làm rất tốt việc thí điểm du lịch Cần Giờ, Củ Chi, thời gian tới cần kết nối thêm các tỉnh Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu… “Chúng ta phải làm sao để cùng đồng hành, chia sẻ để khôi phục lại du lịch”, ông Tô Đình Tuân nhấn mạnh. Tổng Biên tập Báo Người Lao Động cũng nêu kiến nghị cơ quan chức năng và địa phương hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn để góp phần giải bài toán khó khăn về du lịch hiện nay. Các bộ, ban ngành, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại cũng cần có sự đồng hành như giảm lãi suất; miễn giảm điện, nước; hỗ trợ vắc-xin, hỗ trợ nguồn nhân lực trở lại để ngành du lịch có thể cất cánh một cách bền vững trong tương lai.

Cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của kết nối trong phát triển du lịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang cho rằng, để có khách du lịch, sự phối hợp mở tour, tuyến của các tỉnh thành là cần thiết làm ngay trong thời điểm này vì nếu để khách đi tự phát sẽ không an toàn và không tạo được hiệu ứng phục hồi trong bối cảnh dịch bệnh còn tiềm ẩn nguy cơ. Đặc biệt, cần sự phối hợp của cơ quan truyền thông. 

Ưu tiên du lịch nội địa

Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có định hướng đốc thúc triển khai linh hoạt, thích ứng, tập trung nguồn lực huy động xây dựng kịch bản khởi động lại hoạt động du lịch. Trong đó, đầu tiên là định hướng ưu tiên du lịch nội địa, coi là cơ sở phát triển lại du lịch; các địa phương chú trọng thiết kế lại sản phẩm du lịch mang đặc trưng và phù hợp với tình hình. Đồng thời, khởi động lại du lịch theo hướng xanh và an toàn, sản phẩm du lịch trọn gói trên cơ sở nhu cầu của khách, hướng đến gần gũi thiên nhiên, văn hóa vùng miền, tập trung các tỉnh, địa bàn đang xanh.

Về vấn đề này, theo Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Ánh Hoa, ngành du lịch TP Hồ Chí Minh đã có bước chuẩn bị cho sự tái hoạt động như kiến nghị tiêm vắc-xin, thực hiện các dự án công nghệ thông tin như phiên bản mới của website, app... Ngay khi dịch vừa có dấu hiệu kiểm soát được, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh đã tổ chức những tour thí điểm tri ân lực lượng tuyến đầu, từ đó mạnh dạn xây dựng kế hoạch phục hồi 3 giai đoạn.

Tour du lịch Cần Giờ mở lại sau khi TP Hồ Chí Minh nới giãn cách. (Ảnh: tienphong.vn)

 

“Chúng tôi kỳ vọng từ năm 2022, du lịch thành phố khôi phục hoàn toàn. Chúng tôi nhận định giai đoạn này dù đã chuẩn bị sẵn sàng đón khách quốc tế nhưng nội địa vẫn là trọng tâm. Đây là chìa khóa cho tái hoạt động” - bà Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết.

Cùng định hướng ưu tiên phát triển du lịch nội địa trong giai đoạn từng bước phục hồi, ông Lê Hồng Thái, Phó Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist cho biết, sau khi Hà Nội nới lỏng một số hoạt động, Hanoitourist đã chủ động đề xuất với các cơ quan quản lý tại 1 số điểm đến là vùng xanh và đề xuất tổ chức tour an toàn kèm theo các phương án tổ chức và chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, du lịch nội vùng, trong đó đề xuất thí điểm tour caravan Đường Lâm với Sở Du lịch và UBND TP Hà Nội; giai đoạn 2 triển khai du lịch vùng xanh với vùng xanh và giai đoạn 3 là các hoạt động du lịch hoạt động trạng thái thích ứng an toàn.

Bên cạnh các đề xuất liên quan đến phát triển du lịch nội địa, đẩy mạnh kết nối các địa phương, nhiều ý kiến cũng đề cập đến giải pháp quan trọng là tăng tốc phủ vắc-xin, trước hết cho lực lượng phục vụ trong ngành du lịch, dịch vụ và người dân ở điểm đến; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để du lịch an toàn; kiến nghị cần sớm có hướng dẫn thống nhất đón và phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế, để các địa phương triển khai đồng bộ…/..

Cẩm Hằng