Bà Phan Kiều Thanh Hương kết luận Hội nghị. (Ảnh:Thu Duyên)

Ngày 11/8, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị phản biện xã hội dự thảo quy hoạch Quảng cáo ngoài trời trên địa bàn TP đến năm 2023.

Báo cáo tại Hội nghị, ông Trần Thanh Vương, Trưởng Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh  cho biết dự thảo quy hoạch có 2 giai đoạn, giai đoạn 1 quy hoạch các vị trí hiện hữu; giai đoạn 2 quy hoạch quảng cáo các vị trí trên đất công. Ông Trần Thanh Vương cho biết, Thành phố có 1441 vị trí cổ động chính trị (treo băng rôn, trụ, mà hình điện tử); 1603 vị trí chuyên để quảng cáo thương mại (bảng quảng cáo, trụ quảng cáo). Tuy nhiên, vì việc chậm ban hành, quy hoạch quảng cáo đã dẫn đến một số khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, từ đó phát sinh nhiều quảng cáo không phép, trái phép.

Quy hoạch quảng cáo cần quan tâm đến giá trị văn hóa và sự an toàn của người dân

Nhiều ý kiến của đại biểu dự Hội nghị phản biện liên quan đến vấn đề giá trị văn hóa cần phải được chú trọng và đặt lên hàng đầu. Bởi thông qua các bảng quảng cáo, thể hiện được văn hóa của địa phương, đơn vị. Theo bà Thi Thị Tuyết Nhung, Nguyên Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân TP Hồ Chí Minh, quy hoạch cần phải xác định rõ người dân được hưởng lợi gì, giá trị văn hóa như thế nào.

Ông Phan Thanh Bình, Trưởng Ban tư vấn Dân chủ - Pháp luật Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Tân Bình đề nghị văn bản này cần bổ sung nguyên tắc tôn trọng văn hóa, đạo đức, tâm lý, lối sống của người Việt Nam và đặc điểm văn hóa TP Hồ Chí Minh để khi đơn vị quảng cáo có những sản phẩm không phù hợp thuần phong mỹ tục, cơ quan nhà nước có căn cứ để xử lý.

Bà Ung Thị Xuân Hương, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Thành phố và ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch Hội luật gia Quận 10 đồng quan điểm quy hoạch cần bổ sung “công trình kiến trúc bảo tồn, di tích lịch sử, bảo tồn thiên nhiên, dự trữ sinh quyển” vào khu vực nghiêm cấm quảng cáo.

Để đảm bảo an toàn của người dân, bà Hoàng Thị Lợi, Phó Ban Tư vấn Dân chủ - Pháp luật Ủy ban MTTQ Việt Nam Quận 1 đề xuất, đối với quận trung tâm, nội thành nên quảng cáo bằng đèn led, 3D; hạn chế tối đa bảng quảng cáo kim loại để tránh rủi ro về khi mưa, gió hoặc an toàn cháy nổ. “Cần nghiêm cấm dựng bảng quảng cáo ở khu dân cư và địa điểm sản xuất để đảm bảo an toàn tính mạng người dân” - Ông Võ Hoài Thu, Ban tư vấn Dân chủ - Pháp luật Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Bình Chánh đề nghị.

Bà Thi Thị Tuyết Nhung, Nguyên Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội Hội đồng nhân dân TP Hồ Chí Minh dẫn chứng, từ năm 2015 đến nay, Thành phố có 509 trụ quảng cáo, thu được hơn 30.000 tỷ, đây là một nguồn thu rất lớn. Bà đề nghị cần xã hội hóa trong việc quảng cáo để thực hiện nhiệm vụ chính trị để giảm nguồn ngân sách và trong quy hoạch cần phải ước dự kiến con số này. Từ nguồn thu này sẽ quay trở lại đầu tư cho các hoạt động văn hóa. Đồng thời, bà cũng đề nghị cần minh bạch đấu thầu để doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đều có cơ hội cạnh tranh công bằng, tạo ra môi trường văn hóa kinh doanh quảng cáo lành mạnh. “dự thảo ghi công tác hậu kiểm giao cho UBND phường, xã không thôi chưa đủ. Đề nghị thanh tra ngành văn hóa phải cùng thực hiện nhiệm vụ này, vì một cán bộ phụ trách cấp xã có đủ thời gian để theo dõi thực hiện hay không? Xác định thẩm quyền xử phạt quyết định hành chính như thế nào?”- Bà Thi Thị Tuyết Nhung nhận định.

Đồng quan điểm về vấn đề xã hội hóa để giảm chi ngân sách nhà nước, bà Ung Thị Xuân Hương, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP Hồ Chí Minh đề xuất trong các bảng cổ động chính trị có thể bố trí không gian nhỏ để thông tin đơn vị quảng cáo bên dưới.  Nhiều đại biểu nhấn mạnh cần bổ sung quy hoạch quảng cáo tại các đường vành đai, metro và đặc biệt ở các khu đất công. Việc quảng cáo tại đất công sẽ giúp tránh lãng phí đất công, tăng nguồn thu cho ngân sách, tăng hiệu quả tuyên truyền.

Nhiều vấn đề gắn với quy hoạch quảng cáo ngoài trời

Theo ông Nguyễn Vinh Huy, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Thành phố, cần quy định phải niêm yết, công khai minh bạch quy hoạch và có truyền thông để người dân và doanh nghiệp biết. Từ đó, tăng cường tuyên truyền với đơn vị quảng cáo, với người dân để người dân cùng phát hiện sai phạm và báo cơ quan chức năng. Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP Hồ Chí Minh đề nghị cần phải có khen thưởng xứng đáng cho người dân nếu phát hiện các đơn vị, cá nhân vi phạm quy hoạch.

Các đại biểu đều đồng tình cần có chế tài xử lý nghiêm đối với các bảng quảng cáo sai phép, không phép; quy định gỡ bỏ và xử phạt đối với các bảng quảng cáo nhếch nhác, ảnh hưởng mỹ quan đô thị.

Ông Nguyễn Quang Nhựt, Phó Chủ tịch Hội Quảng cáo TP Hồ Chí Minh cho biết, ngành quảng cáo đóng góp 1.8% GDP của xã hội và là một trong những đơn vị có đóng góp nhiều cho các hoạt động cổ động, tuyên truyền chính trị nhất. Do đó, các công ty quảng cáo rất mong muốn quy hoạch được ban hành sớm để phù hợp với thực tiễn hiện hay.

Các đại biểu cũng đề nghị cần phải có điều khoản mở để xử lý các vấn đề phát sinh ngoài quy hoạch và quy định giao cụ thể cho các cơ quan nào xử lý; cần có điều khoản chuyển tiếp đối với các đơn vị đang hoạt động mà ko đúng quy hoạch ban hành (ví dụ hợp đồng 10 năm) thì phải xử lý như thế nào. Đồng thời, với xu thế phát triển công nghệ như hiện nay và trong tương lai, Thành phố cần có quy hoạch quảng cáo hiện đại, xứng tầm với đô thị thông minh.

Kết luận Hội nghị, bà Phan Kiều Thanh Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh đề nghị đơn vị soạn thảo cần nghiên cứu để khi ban hành quy hoạch người dân dễ hiểu, dễ tiếp cận; bổ sung quy định phân cấp, phân quyền quản lý cho các đơn vị cấp huyện. Bà đề nghị bên cạnh việc quy hoạch quảng cáo tạo ra nguồn thu để phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội thì cần phải làm bật lên được giá trị văn hóa đặc trưng của TP Hồ Chí Minh.

Tại Hội nghị cũng triển khai khảo sát nhanh đối với đại biểu tham dự, kết quả nhận thấy sự đồng thuận cao đối với việc ban hành Quy hoạch nhưng cũng có hơn 50% đại biểu có góp ý bổ sung hoàn thiện thêm cho Quy hoạch để khi ban hành nhận được sự đồng thuận cao trong xã hội./.

Thu Duyên