Công nhân làm việc tại Khu Công nghiệp Linh Trung 1. (Ảnh: Hồng Pha)

Theo đó, phong trào được phát động từ nay đến ngày 30/1/2022 nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tập trung cao nhất mọi nguồn lực, quyết tâm phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, phục hồi kinh tế nhanh và bền vững; đặc biệt nỗ lực hoàn thành một số chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 trên địa bàn trong trạng thái "bình thường mới". Mục đích là qua phong trào, thành phố sẽ phát hiện, biểu dương, khen thưởng kịp thời tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc, có mô hình sáng tạo, những cách làm hay để tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng.

UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu các cấp ủy Đảng, thủ trưởng các sở, ban ngành, đoàn thể, tổng công ty, công ty, Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức, các quận, huyện trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức phong trào thi đua nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả; động viên cán bộ, công chức, viên chức, hội viên, đoàn viên nỗ lực thi đua với “tinh thần tăng tốc, năng suất tăng gấp đôi”.

Phong trào được triển khai sâu rộng với các hình thức, biện pháp thiết thực, hiệu quả gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, phù hợp tình hình thực tế của từng đơn vị, địa phương.

Để tiếp tục phát huy kết quả đạt được trong phòng, chống dịch COVID-19 và từng bước phục hồi kinh tế thành phố, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đề nghị, các đơn vị tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 3 tháng cuối năm 2021. Theo đó, từng sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục rà soát lại kế hoạch, chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao năm 2021; đề ra giải pháp khả thi, tập trung thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo tiếp tục triển khai đến cuối năm đạt kết quả cao nhất; chủ động cập nhật chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy, Nghị quyết kỳ họp thứ 3 HĐND thành phố khóa X để cụ thể hóa trong thực hiện.

Về hoạt động phục hồi kinh tế, Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi chỉ đạo, các sở, ban, ngành, UBND thành phố Thủ Đức, các quận, huyện xây dựng kế hoạch phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh phù hợp tình hình ngành, lĩnh vực, địa phương, trong đó quan tâm và xử lý ngay vướng mắc thuộc thẩm quyền, chủ động báo cáo UBND thành phố vấn đề vượt thẩm quyền giải quyết. Cùng với đó là đổi mới phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ công tác đầu tư, Tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư có sử dụng vốn ngoài ngân sách trên địa bàn thành phố, Tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Nhóm công tác tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp FDI…

UBND thành phố yêu cầu Sở Y tế và các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 của thành phố, trong đó lưu ý thường xuyên cập nhật văn bản hướng dẫn, nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, kịp thời xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể với lộ trình rõ ràng nhằm kiểm soát tốt nhất dịch COVID-19. Các đơn vị cần nghiên cứu xây dựng kịch bản, phương án tổng thể phòng, chống dịch trong thời gian tới; hệ thống cảnh báo, giám sát dịch, tiêm vaccine cho trẻ một cách hiệu quả, an toàn, phục vụ tốt nhất công tác phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội thành phố…

Viện Nghiên cứu phát triển, Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các sở, ngành cần chủ động cập nhật các kịch bản tăng trưởng kinh tế phù hợp với từng giai đoạn, diễn biến của dịch bệnh; đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội thành phố giai đoạn 2022-2025, làm cơ sở ban hành, triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025./.

 

An Khanh (t/h)