|
|
Các đại biểu giao lưu, trao đổi tại chương trình (Ảnh: AN) |
Tối 7/4, Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ra mắt chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” giai đoạn 2023-2025.
Các đồng chí: Trương Hòa Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Trương Mỹ Hoa, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước; lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cùng dự.
Phó Tổng Biên tập Báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng Ban Tổ chức chương trình Nguyễn Thái Bình cho biết, xuất phát từ những câu chuyện có thật, đời sống dân sinh hằng ngày của hàng chục nghìn ngư dân bám biển; đồng thời góp phần tuyên truyền, giáo dục ngư dân, thế hệ trẻ về lòng yêu nước, tình yêu biển đảo; khơi dậy tình cảm và ý thức trách nhiệm của ngư dân, thế hệ trẻ trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, Báo Pháp Luật đã triển khai chương trình này để góp phần động viên, hỗ trợ ngư dân bám biển làm kinh tế và góp phần bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc; tuyên truyền ngư dân ý thức tuân thủ pháp luật khi đánh bắt trên biển nhằm thực hiện Kế hoạch hành động gỡ thẻ vàng IUU mà Thủ tướng Chính phủ đã ban hành.
Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” sẽ được thực hiện trong 3 năm (2023-2025) tại 28 tỉnh, thành phố có biển.
Mỗi địa phương chọn 200 ngư dân có hoàn cảnh khó khăn để nhận quà từ chương trình (gồm: bộ ắc quy phục hồi, cẩm nang Những điều cần biết về đánh bắt hải sản, túi thuốc chống nước) trị giá 4 triệu đồng/phần. Tổng cộng sẽ có 5.600 ngư dân trong cả nước được thụ hưởng chương trình này.
Chương trình nhận được sự đồng hành của: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Hội Nghề cá Việt Nam; Hoa hậu Trái đất 2018 Nguyễn Phương Khánh; …
|
|
Niềm vui của ngư dân sau mỗi chuyến đi biển là đánh bắt được nhiều hải sản. (Ảnh: KL) |
Phát biểu tại chương trình, đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, Thành phố Hồ Chí Minh hiện có hơn 2.000 ngư dân, tập trung chủ yếu ở huyện Cần Giờ, trong đó có khoảng gần 150 ngư dân đánh bắt vùng khơi, gần 500 ngư dân đánh bắt vùng lộng, hơn 1.500 ngư dân lao động ven bờ và hậu cần nghề cá.
Phát huy thế mạnh chính trị-pháp lý gắn liền tinh thần vì biển đảo quê hương, đồng chí hy vọng chương trình sẽ lan tỏa những thông điệp tích cực nhất của mình, góp phần thiết thực hơn nữa trong việc nâng cao đời sống bà con ngư dân, nâng cao nhận thức pháp luật của người dân nói chung và ngư dân nói riêng khi khai thác, đánh bắt trên biển, làm sao để mỗi ngư dân thực sự là một cột mốc bảo vệ chủ quyền biển đảo; thực sự là một đại sứ tuyên truyền, chung tay tháo gỡ thẻ vàng châu Âu, xây dựng ngành thủy hải sản Việt Nam ngày càng phát triển vững mạnh.
Đồng hành cùng chương trình này, đồng chí Phạm Quốc Bảo, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua, có nhiều chương trình cán bộ công nhân viên đơn vị đã trực tiếp đến các bản làng, hải đảo để thực hiện các hoạt động thiện nguyện, an sinh xã hội để không chỉ góp phần hỗ trợ vật chất và tinh thần cho cán bộ chiến sĩ và người dân vùng biên giới hải đảo, mà còn giúp nuôi dưỡng tình yêu quê hương đất nước của mỗi cán bộ, công nhân viên ngành điện. Qua 2 tuần thực hiện quyên góp, đã nhận được 336.770.000 đồng để đóng góp cho chương trình.
Đây là chương trình rất có ý nghĩa, mở ra thêm một cơ hội để các tổ chức, các doanh nghiệp và người dân thành phố và trên cả nước thể hiện tấm lòng và ý thức trách nhiệm của mình trong việc tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ Quốc.