Ngày 05/11, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Diễn đàn “Bảo vệ bản quyền các tác phẩm báo chí”. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo chủ trì Diễn đàn.

Tham dự Diễn đàn có lãnh đạo Cục Báo chí, Cục Phát thanh Truyền hình và thông tin điện tử, Cục Bản quyền tác giả - Bộ Thông tin và Truyền thông; Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh; hơn 100 đại biểu đến từ các cơ quan báo chí, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, báo chí, truyền thông, quảng cáo trên cả nước.


Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu tại Diễn đàn. 


Diễn đàn “Bảo vệ bản quyền các tác phẩm báo chí” được tổ chức với mục đích để các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan báo chí và doanh nghiệp trao đổi, đề xuất, tìm ra những giải pháp nhằm từng bước giải quyết vấn đề vi phạm bản quyền báo chí hiện nay; qua đó, góp phần xây dựng và phát triển môi trường báo chí lành mạnh, trung thực, tôn trọng bản quyền; đồng thời, tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí tập trung phát triển các nội dung riêng biệt để khai thác kinh doanh, tăng doanh thu nội dung riêng biệt thông qua quảng cáo và thu phí bạn đọc.

Thông tin tại Diễn đàn cho biết, hoạt động tự bảo vệ bản quyền tác phẩm tại Việt Nam thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực. Nhiều tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng đã thực hiện nghĩa vụ xin phép, thanh toán nhuận bút, thù lao và quyền lợi vật chất cho chủ sở hữu. Tuy nhiên, tình trạng xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan vẫn còn diễn ra ở một số lĩnh vực như báo chí, xuất bản, điện ảnh, nhiếp ảnh, phát thanh, truyền hình... Tình trạng xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đã ảnh hưởng tớ môi trường sáng tạo, đầu tư, đặc biệt là đối với việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Tham luận tại Diễn đàn, đại diện nhiều cơ quan báo chí như: Báo Tuổi trẻ, Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Đài truyền hình Việt Nam... nêu thực trạng tình trạng vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí hiện nay còn diễn ra khá phổ biến, nhất là tại các trang tin điện tử. Vi phạm bản quyền có thể đến từ những trang web có địa chỉ rõ ràng đến trang web không rõ nguồn gốc, không rõ cơ quan chủ quản, mạng xã hội. Nhiều ảnh, video được lấy lại, thậm chí được cắt ghép cho các mục đích khác nhau...

Phó Tổng biên tập Báo Tuổi trẻ TP. Hồ Chí Minh Lê Xuân Trung đã đưa ra những con số thống kê cho thấy, có một số lượng không nhỏ các báo lấy lại tin, bài từ Báo Tuổi trẻ, trong đó có nhiều báo không xin phép.

Phó Trưởng Ban kiểm tra Đài truyền hình Việt Nam Nguyễn Thanh Vân cho biết, tình trạng vi phạm bản quyền đối với các video của Đài truyền hình là khá phổ biến. Ngoài việc lấy lại các video của Đài còn diễn ra tình trạng các video được cắt ghép cho các mục đích khác nhau, thậm chí mục đích xấu...

Tổng Thư ký tòa soạn, Tổ trưởng Tổ bảo vệ bản quyền Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh Đinh Đức Thọ cho biết, trung bình trong 1 tháng, Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh có khoảng 70 -80 trường hợp vi phạm bản quyền đến từ các cơ quan báo chí, chưa kể các trang trường hợp vi phạm từ các trang web không rõ nguồn gốc...


Đại biểu tham luận tại Diễn đàn.


Giải quyết tình trạng này, các tham luận chuyên sâu tại Tọa đàm cũng đưa ra các kiến nghị, đề xuất các giải pháp nhằm góp phần từng bước ngăn chặn và xử lý vấn đề vi phạm bản quyền, bảo vệ bản quyền báo chí, như: Các cơ quan báo chí cần ký kết tôn trọng và bảo vệ bản quyền của nhau. Các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan tư pháp thực hiện nghiêm luật và các văn bản dưới luật về sở hữu trí tuệ và bản quyền báo chí. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác thông tin truyên truyền nhằm nâng cao ý thức pháp luật, thông tin về quyền sở hữu trí tuệ của các chủ thể; công bố vi phạm và tạo dư luận tẩy chay các sản phẩm vi phạm; tăng cường tuyên truyền việc xử lý vi phạm để răn đe, trấn áp đối tượng xấu....

Phát biểu kết luận tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo cho rằng, các cơ quan báo chí phải nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên về các quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề bản quyền. Các cơ quan báo chí phải biết tự bảo vệ mình. Khi có hiện tượng vi phạm bản quyền, cần hình thành bộ phận lưu vết những vi phạm, đối chiếu thông tin, có kiến nghị bằng văn bản gửi lên cơ quan có thẩm quyền kiến nghị xử lý. 

Đồng thời, các cơ quan báo chí và các doanh nghiệp mạng cung cấp dịch vụ cần phải liên kết với nhau để thực hiện đúng quy định pháp luật về vấn đề bản quyền trên cơ sở chia sẻ quyền lợi, phát huy các thế mạnh; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan và tham gia chặt chẽ vào quá trình thực thi, góp ý sửa đổi các văn bản.

Trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo yêu cầu các cơ quan báo chí phải coi việc bảo vệ bản quyền các tác phẩm báo chí là nhiệm vụ trọng tâm; trong đó, trước hết, cần tăng cường các tuyến tin, bài bài tuyên truyền về vấn đề này. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu xem xét, tham khảo kinh nghiệm các nước trên thế giới về xử lý bản quyền tác phẩm báo chí, tham khảo cách thức truy vết và bảo vệ bản quyền để có thể bảo vệ tốt nhất những sản phẩm trí tuệ của mình..../.

Tin, ảnh: Minh Phúc