Đến dự có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Dân vận Thành ủy TPHCM Nguyễn Hữu Hiệp; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Tô Thị Bích Châu; Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Minh Châu, Trưởng ban chỉ đạo, Trưởng ban Tổ chức Đại hội và 285 đại biểu đại diện cho các dân tộc Hoa, Chăm Khmer, Mường, Tày, Nùng, Thái… trên địa bàn TP tham dự Đại hội.

Phiên thứ 1 của Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số TPHCM lần thứ III năm 2019.

Tại đại hội, các đại biểu tập trung thảo luận đánh giá về các nội dung thực hiện chính sách dân tộc; công tác chăm lo giáo dục, nâng cao trình độ dân trí trong đồng bào dân tộc; đánh giá việc lồng ghép chính sách dân tộc trong quá trình triển khai các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của TP; công tác phát triển về văn hóa, chính sách bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của đồng bào các dân tộc thiểu số…

Đại biểu Arafath, dân tộc Chăm, ngụ tại quận Bình Thạnh đề nghị TP cần có chính sách hỗ trợ cho đồng bào Chăm về chứng nhận hướng dẫn viên du lịch theo đúng quy định pháp luật. Bên cạnh đó, cần có chính sách miễn học phí cho học sinh, sinh viên người dân tộc Chăm, Khmer… thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo từ cấp tiểu học đến đại học.


Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Đại hội.

Chia sẻ Chỉ thị 19 về thực hiện Cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TP sạch và giảm ngập nước”, Thượng tọa Thích Duy Trấn, (ngụ tại Quận 11) cho biết: trong thời gian qua, Câu lạc bộ bảo vệ môi trường của quận đã thực hiện vào ngày thứ bảy và chủ nhật dọn vệ sinh, quét rác trên đường phố hơn 10 tấn rác và 1 tấn lọ chai nhựa. Việc tổ chức vào các ngày nghỉ rất hiệu quả, vì vậy, Thượng toạ Thích Duy Trấn mong muốn chính quyền TP nên có chủ trương tổ chức cho tất cả người dân TP vào thứ bảy và chủ nhật hằng tuần cùng nhau quét dọn, vệ sinh đường phố thì chắc chắn rằng năm 2020 đường phố không còn ngập nước.

Cũng tại phiên họp, nhiều ý kiến đề nghị TP cần quan tâm đầu tư và có chính sách khuyến khích mở rộng việc dạy và học chữ Hoa, Khmer, Chăm; xây dựng các chính sách phù hợp để tiếp tục giữ gìn và phát huy những truyền thống văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc Việt Nam. Bên cạnh đó, tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào các dân tộc thiểu số phát huy và bảo tồn bản sắc văn hóa, tổ chức các lễ hội văn hóa truyền thống, các Lễ, Tết dân tộc. Đồng thời, giải quyết kịp thời các nhu cầu chính đáng về sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc trên cơ sở tuân thủ pháp luật.

Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số TPHCM lần thứ III năm 2019 diễn ra đến hết ngày 12/11./.

Tường Lam/hcmcpv.org.vn