Một góc Khu công nghệ cao TP.Hồ Chí Minh (Ảnh: K.V)


Lãnh đạo Ban quản lý Khu Công nghệ cao TP.Hồ Chí Minh cho biết, hiện có 16ha đất còn trống và hai bên đã có những bước khởi đầu thuận lợi cho dự án này. Theo đánh giá của Sở Công Thương TP.Hồ Chí Minh, cường độ bức xạ mặt trời trung bình của Thành phố là khá cao, nên có tiềm năng phát triển và ứng dụng năng lượng mặt trời tương đối lớn. Tuy nhiên do quỹ đất hạn chế, việc phát triển điện mặt trời tại đây không khả thi đối với các nhà máy điện mặt trời công suất lớn, chiếm nhiều diện tích đất mà chủ yếu xem xét tập trung theo hướng phát triển ứng dụng hệ thống pin mặt trời cho các toà nhà như hộ gia đình, các tòa chung cư, các trung tâm hành chính của Thành phố. Chính vì vậy, với diện tích mà Ban quản lý Khu Công nghệ cao TP.Hồ Chí Minh đưa ra cho Tập đoàn TTi tại Khu công nghệ cao trên địa bàn quận 9, hy vọng đây sẽ là nhà máy và trung tâm chuyên nghiên cứu pin năng lượng mặt trời hiện đại, sau khi đưa vào hoạt động sẽ là nơi cung cấp nguồn năng lượng sạch cho Thành phố và cung cấp các thiết bị phục vụ sản xuất năng lượng sạch cho cả nước.

Được biết, hiện công suất lắp đặt pin mặt trời trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh ước tính đạt 2MWp, trong đó 1.838,2 kWp đã nối lưới, được phân bổ ở các tòa nhà công sở, hộ gia đình và các doanh nghiệp. Trong thời gian tới, Tổng công ty Điện lực TP.Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai lắp đặt hệ thống điện mặt trời nối lưới trong nội bộ tất cả các đơn vị trực thuộc Tổng công ty và tại các trạm trung gian do Tổng công ty quản lý, ước tính tổng công suất có thể đạt là 3 MWp.

TP HCM được đánh giá là một trong những tỉnh, thành phố có tiềm năng lớn để phát triển ngành năng lượng mặt trời và là nơi có các hoạt động nghiên cứu và triển khai công nghệ ứng dụng thực tiễn nguồn năng lượng mặt trời quy mô lớn nhất nước. Đây là khu vực có điều kiện khí hậu rất phù hợp để phát triển điện mặt trời, nắng quanh năm, dù mùa mưa thì trong ngày vẫn có nắng. Theo đó, cường độ bức xạ mặt trời trung bình của TP HCM là khá cao nên có tiềm năng phát triển và ứng dụng năng lượng mặt trời tương đối lớn. Ước tính tổng bức xạ theo phương ngang (GHI) trung bình hằng năm tại khu vực phía Nam (trong đó có TP.Hồ Chí Minh) là 4,8-5,5 (kWh/m2/ngày).

Theo Sở Công Thương TP.Hồ Chí Minh thì hiện đề án “Quy hoạch phát triển điện lực Thành phố giai đoạn 2016-2025, có xét đến năm 2035” quy hoạch điện mặt trời tại TP.Hồ Chí Minh có tổng công suất lắp đặt giai đoạn đến 2025 là khoảng 8,5MW và giai đoạn đến 2035 là khoảng 13,3MW. Dựa trên các phân tích định lượng và định tính về hiệu quả của chương trình năng lượng mặt trời trên mái nhà đối với TP.Hồ Chí Minh cho thấy, Thành phố này có thể trở thành trung tâm và tiên phong trong ngành công nghiệp năng lượng mặt trời ở Việt Nam. Đồng thời, chương trình phát triển năng lượng mặt trời sẽ tận dụng các mái nhà (hiện chưa được sử dụng) vào các hoạt động kinh doanh, tạo thu nhập cho người dân Thành phố. Qua đó tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân trong việc lắp đặt, bảo dưỡng và vận hành các hệ thống năng lượng mặt trời. Đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh có được kinh nghiệm trong ngành công nghiệp năng lượng mặt trời, mở rộng kinh doanh đến các địa phương khác trên cả nước./..

K.V