Chuyên gia trình bày tại Hội nghị tập huấn.

Hội nghị giúp các phóng viên, biên tập viên nâng cao hiểu biết về những thông tin, kiến thức hữu ích trong phòng, chống tác hại của thuốc lá, từ đó, tích cực tham gia tuyên truyền về phòng, chống tác hại của thuốc lá, góp phần xây dựng môi trường sống trong sạch, lành mạnh, nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống nhân dân. Đồng thời, nâng cao ý thức hơn nữa về vai trò, trách nhiệm của cá nhân trong thực hiện mục tiêu chung là giảm nhu cầu sử dụng và kiểm soát từng bước để giảm mức cung cấp các sản phẩm thuốc lá tiêu thụ tại thị trường Việt Nam, nhằm giảm nguy cơ bệnh tật và tử vong do sử dụng thuốc lá gây ra.

Tại Hội nghị tập huấn, các phóng viên, biên tập viên đã được thông tin các chuyên đề gồm: Chia sẻ kinh nghiệm và kết quả trong công tác truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá tại Bộ Thông tin và Truyền thông; Chiến lược của ngành công nghiệp thuốc lá về thuốc lá điện tử và nung nóng; Tăng cường sự giám sát của người dân về việc thực hiện Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá; Các quy định xử phạt vi phạm hành chính trong phòng, chống tác hại của thuốc lá. Hội nghị cũng thảo luận về việc xây dựng môi trường không khói thuốc tại gia đình, nhà trường, nơi làm việc và nơi công cộng.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Hồ Hồng Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông, nhấn mạnh tầm quan trọng, ý nghĩa và sự cần thiết của việc tăng cường, nâng cao năng lực truyền thông của các cơ quan báo chí và toàn xã hội về phòng, chống tác hại của thuốc lá trong giai đoạn hiện nay trên cơ sở Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại của thuốc lá đến năm 2020, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và cam kết của Chính phủ Việt Nam với WHO về Công ước khung kiểm soát thuốc lá.

Tiến sĩ Võ Thanh Lâm - Chánh Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng: yêu cầu đặt ra đối với công tác truyền thông  trong thời gian tới là cần tăng cường cổ vũ nâng cao ý thức chấp hành các quy định về phòng, chống tác hại thuốc lá của mọi tổ chức cá nhân; nêu gương những tổ chức, cá nhân tiêu biểu, tạo sự lan tỏa lớn trong xã hội trong việc tuân thủ, chấp hành các quy định về phòng, chống tác hại thuốc lá. Cùng với đó thông qua các kênh truyền thông cũng cần phải phê bình, lên án nghiêm khắc đối với những hành vi không chấp hành, không nêu gương trong thực hiện các quy định hiện hành.

Các phóng viên, biên tập viên báo, đài tham dự tập huấn.

Theo thống kê mới nhất từ Tổ chức Y tế thế giới, trong năm 2020 thế giới có 8 triệu người tử vong vì thuốc lá và các vấn đề liên quan đến thuốc lá. Việt Nam là 1 trong 15 nước có tỷ hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới với khoảng 15 triệu người hút thuốc; 2/3 phụ nữ và 1/2 trẻ em thường xuyên hút thuốc thụ động. Hút thuốc lá là nguyên nhân và tăng nguy cơ của nhiều loại bệnh như ung thư họng, miệng, thanh quản, thực quản, khí quản, phế quản, phổi, bệnh máu trắng... Hút thuốc lá còn gây ra các bệnh mãn tính như đột quỵ, đục thủy tinh thể, viêm nha chu, phình động mạch chủ, bệnh mạch vành... Hằng năm, có khoảng 40 ngìn người tử vong vì các bệnh liên quan đến thuốc lá. Mỗi năm, cả nước phải chi hơn 23 nghìn tỉ đồng cho điều trị và chi phí khác cho các nhóm bệnh có liên quan đến hút thuốc.

Trước những tác hại và thiệt hại từ thuốc lá, trong những năm gần đây, cùng với sự ra đời của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá vào năm 2012, công tác tuyên truyền đã được các cơ quan chức năng, cơ quan truyền thông hết sức coi trọng, đặc biệt là nâng cao nhận thức của mỗi người. Theo đó, đã đẩy mạnh tuyên truyền các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá bằng nhiều hình thức. Nội dung tuyên truyền tập trung vào quy định cấm hút thuốc nơi công cộng; quy định rõ quyền và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương, người quản lý các địa điểm cấm hút thuốc lá…

Đến nay 100% tỉnh, thành phố đã lập Ban chỉ đạo phòng chống tác hại thuốc lá, đưa nội dung này vào kế hoạch hoạt động hàng năm. Số lượng các đơn vị xây dựng môi trường không khói thuốc đã đạt con số đáng khích lệ: 1.560 cơ quan hành chính; 3.778 trường mẫu giáo; 3.577 trường tiểu học; 2.502 trường trung học cơ sở; 1.010 trường trung học phổ thông; 508 bệnh viện tuyến tỉnh, huyện; 169 trường đại học, cao đẳng; 208 công ty xe khách; 4.442 nhà máy, xí nghiệp; 305 nhà hàng; 400 khách sạn./.

Tin, ảnh: Chi Mai