Để có cơ sở xây dựng Đề án chuyển huyện thành quận hoặc thành phố đến năm 2030 mang tính bền vững, UBND TP đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan và UBND 5 huyện xây dựng Đề án đầu tư - xây dựng các huyện thành quận (hoặc thành phố thuộc Thành phố Hồ Chí Minh) giai đoạn 2021-2030, qua đó đề xuất các chương trình, kế hoạch và dự án đầu tư để cải thiện các tiêu chí phân loại đô thị còn thiếu đến năm 2030.
Kết quả đối chiếu các tiêu chí phân loại đô thị của 5 huyện, đến năm 2030, hầu hết 5 huyện ngoại thành đều không đạt tiêu chí đô thị loại 1 (lên đơn vị hành chính cấp quận), do tiêu chí khá cao, nhất là vướng tiêu chí 100% xã, thị trấn phải đạt tiêu chí cấp phường (riêng huyện Hóc Môn dù đạt gần 74,75 điểm so yêu cầu 75 điểm, nhưng vướng diện tích tự nhiên thấp (109/150 km2) và số đơn vị hành chính thấp (7/10)).
Tiêu chí đơn vị hành chính cấp TP thuộc TP cho phép giữ lại 1 số xã nông nghiệp 35% trong tổng số (như khu vực ngoại thành của thành phố mới), trong khi lên quận yêu cầu 0% xã nông nghiệp. Mô hình này phù hợp các huyện còn nhiều diện tích đất nông nghiệp như Củ Chi, Cần Giờ, Bình Chánh.
UBND TP Hồ Chí Minh đề xuất, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật để cụ thể hóa tinh thần của Nghị quyết 31/NQ-TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trung ương cần có cơ chế thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông kết nối nội vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long tạo sự lưu thông giúp phát huy nguồn lực trong liên kết vùng, từ đó tạo thể chế, thu hút nguồn lực giúp quá trình đô thị hóa và phát triển của TPHCM nói chung và 5 huyện nói riêng, cũng như thúc đẩy sự phát triển của các địa phương trong vùng.
Đồng thời, kiến nghị Bộ Nội vụ có cơ chế đột phá cho TPHồ Chí Minh. Xem xét, thẩm định, giao bổ sung số lượng biên chế cho các phường, xã, thị trấn cần căn cứ theo các tiêu chí tùy theo thực tiễn địa phương về quy mô diện tích, dân số, sự phức tạp của địa bàn; đặc biệt đối với các xã của các huyện có đông dân cư, đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ. Bộ Nội vụ nghiên cứu cơ chế đột phá hơn nữa về chính sách thu hút nhân tài đặc biệt là nhân tài trong lĩnh vực công nghệ, trí tuệ nhân tạo ở cả nước nói chung trong đó có cơ chế đột phá thí điểm cho TP để tạo nguồn lực phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp gắn với công nghệ và trí tuệ nhân tạo giúp tạo ra sản phẩm cạnh tranh, đáp ứng xu thế công nghệ của thế giới và đây là tiền đề cho TP Hồ Chí Minh nói chung và 5 huyện nói riêng mở ra cơ hội bứt phá, phát triển tăng trưởng ngoạn mục và nhằm hướng đến một đô thị hiện đại, văn minh, phát triển mạnh mẽ kinh tế, xã hội số và quản trị số hiệu quả./..