|
Du khách được tìm hiểu về quy trình làm muối của người dân ấp đảo Thiềng Liềng, và trải nghiệm một số thao tác cơ bản. (Ảnh: Hoàng Mẫn) |
Phong phú các loại hình du lịch nông nghiệp
Huyện Củ Chi là huyện ngoại thành của Thành phố Hồ Chí Minh, cơ cấu kinh tế của huyện hiện nay là công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp, thương mại - dịch vụ. Với những ngành nghề truyền thống luôn được bảo tồn và phát triển như: mây tre lá, thêm vào đó là những cánh đồng lúa bạt ngàn, nhà vườn xanh đẹp, con người thân thiện và hiếu khách, gắn với giáo dục truyền thống lịch sử. Địa đạo Củ Chi - một trong những điểm nhấn du lịch của địa phương hiện đã phối hợp xây dựng các tour có dừng chân tại Khu Nông nghiệp Công nghệ cao.
Huyện Cần Giờ là vùng đất rất có tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái và cũng là huyện duy nhất của Thành phố Hồ Chí Minh có rừng ngập mặn. Với thế mạnh đó, huyện Cần Giờ đã xác định rõ mục tiêu phát triển du lịch, bao gồm: tập trung khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch sinh thái trở thành ngành kinh tế quan trọng có tính đột phá của huyện; phát triển du lịch theo hướng bền vững, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường, giữ gìn sinh thái; nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ du lịch, tạo dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc có tính cạnh tranh cao. Các sản phẩm du lịch chính của Cần Giờ sẽ là du lịch sinh thái, du lịch nhà vườn, du lịch đường sông, du lịch tín ngưỡng và phát triển mô hình làng nghề truyền thống đưa vào phục vụ du lịch.
Ngoài ra, tại các quận, huyện ngoại thành khác của Thành phố Hồ Chí Minh như: Thủ Đức, Quận 12, Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn… đã hình thành những điểm đến du lich nông nghiệp, sinh thái mới dựa trên nguồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa khá phong phú, với các khu vườn cây ăn trái, vui chơi, thư giãn, nghỉ ngơi trong không khí trong lành, yên ả tại các khu nhà vườn mang đậm bản sắc của một vùng nông thôn Thành phố. Đó là những sản phẩm đặc trưng để du lịch phát triển và có tiềm năng, triển vọng tiến xa hơn, làm phong phú cho sản phẩm và điểm đến của du lịch Thành phố.
Những năm gần đây, hoạt động du lịch nông nghiệp có nhiều bước phát triển mới với nhiều tour tuyến, loại hình sản phẩm phục vụ du khách như: Chương trình một ngày làm nông dân; Chương trình tham quan, trải nghiệm, hướng nghiệp tại Khu Nông nghiệp công nghệ cao Thành phố; hoạt động tham quan, trải nghiệm tại làng nghề truyền thống.
Phát triển bền vững cần phải có sản phẩm du lịch nông nghiệp mang tính đặc trưng
Tuy nhiên, du lịch nông nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh COVID-19. Bên cạnh đó hiện nay du lịch nông nghiệp mang tính tự phát, các sản phẩm du lịch nông nghiệp vẫn còn rất ít, chưa có sự gắn kết nhiều giữa các khu, điểm du lịch với các doanh nghiệp lữ hành, với các cơ quan, đơn vị liên quan.
Từ thực tiễn cho thấy, du lịch sinh thái nông nghiệp không bị gò bó theo chương trình khép kín hay đơn thuần là nghỉ dưỡng đi tour truyền thống, lại không đòi hỏi sự mạo hiểm, thách thức như đi du lịch “phượt”, nên du lịch sinh thái nông nghiệp đang là loại hình du lịch được nhiều du khách yêu thích. Tuy nhiên, để phát triển bền vững cần phải có sản phẩm du lịch nông nghiệp mang tính đặc trưng riêng có. Bởi, sản phẩm du lịch nông nghiệp mang lại cho du khách nhiều giá trị vật chất, tinh thần như: thưởng lãm cảnh quan thiên nhiên, giải trí, ẩm thực và kết hợp giáo dục.
Bên cạnh đó, xây dựng hoạt động du lịch nông nghiệp phong phú, đa dạng, hấp dẫn, có tính mới lạ, đặc thù, theo chủ đề và có chất lượng cao; sản phẩm du lịch nông nghiệp có tính trải nghiệm và tính ứng dụng cao, có thể thu hút sự tham gia của du khách, giúp cho du khách thu thập được những thông tin, những kiến thức hữu dụng, gắn với giáo dục hướng nghiệp về nông nghiệp với hàm lượng tri thức công nghệ cao; sản phẩm du lịch nông nghiệp cũng có tính tổng hợp, vừa giúp du khách trải nghiệm, thư giãn trong không gian nông nghiệp, hòa mình vào sinh hoạt của đời sống nông thôn; vui chơi, giải trí bằng những trò chơi dân gian; thưởng thức đặc sản địa phương; chia sẻ cảm xúc với người nông dân; thay đổi cách nghĩ, cách làm nông nghiệp theo xu thế mới...
Mặt khác cần có một môi trường du lịch thân thiện, an toàn cho du khách. Đó là sự thân thiện về cảnh quan, môi trường thiên nhiên, an toàn về vệ sinh thực phẩm; là sự thân thiện, cởi mở trong mối quan hệ giao tiếp giữa người dân địa phương với du khách; là sự thông thoáng, thuận lợi, dễ dàng của các chính sách quản lý nhà nước về du dịch; là môi trường xã hội an ninh và an toàn. Tất cả đảm bảo cho yếu tố chuyên nghiệp, chất lượng và tính cạnh tranh cao của sản phẩm du lịch nông nghiệp.
Phát triển thị trường khách du lịch nông nghiệp, hiện nay, ngoài thị trường khách du lịch trong nước, trong đó có người dân sinh sống ở các thành phố lớn; học sinh, sinh viên cũng tham gia hoạt động du lịch học đường, du lịch ngoại khóa… cần phải thu hút thêm khách du lịch quốc tế tham gia trải nghiệm du lịch nông nghiệp độc đáo của Thành phố./.