Các đại biểu biểu quyết thông qua chương trình Đại hội đại biểu Đảng bộ TP HCM nhiệm kỳ 2020 - 2025 tại phiên trù bị ngày 14/10. Ảnh: Quốc Thanh.
Hướng đến mục tiêu tăng hiệu quả quản lý nhà nước theo phương châm “nâng cao trách nhiệm nêu gương và năng lực lãnh đạo”, chương trình đổi mới quản lý thành phố có 14 chương trình, đề án thành phần như đề án chính quyền đô thị, thành lập thành phố Thủ Đức (thuộc thành phố Hồ Chí Minh); chuyển một số huyện thành quận; xây dựng thành phố thông minh; chương trình chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế tri thức…”…
Chương trình cũng tập trung xây dựng, triển khai các cơ chế, chính sách quản lý thành phố phù hợp tính chất đô thị đặc biệt, đầu tàu về nhiều mặt của cả nước; đề xuất tỷ lệ điều tiết cho ngân sách thành phố phù hợp nhu cầu và phát huy các nguồn lực, đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng và ngân sách chung của cả nước; phát huy hiệu quả các cơ chế, chính sách để thành phố phát triển nhanh và bền vững dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; thực hiện nhanh chuyển đổi số, hoàn thiện chính quyền số, xây dựng thành phố trở thành thành phố thông minh….
Nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, đột phá về thể chế, thủ tục hành chính và tài chính công, nâng cao chất lượng quản trị công; đề xuất không tổ chức Hội đồng nhân dân ở quận, phường, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập nhằm đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; chuyển một số huyện thành quận, hình thành và phát triển Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông gắn với thành lập thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh, tạo động lực mới cho sự phát triển….
Phát triển đồng bộ và hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng, tạo môi trường, điều kiện tốt để phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng không gian phát triển, kết nối các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gắn với bố trí, cơ cấu lại sản xuất và phân bố dân cư là mục tiêu được đưa ra trong chương trình đột phá phát triển hạ tầng tập trung.
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, chương trình triển khai thực hiện 13 chương trình, đề án, chiến lược thành phần gồm: đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông , đề án phát triển ngành logistics, đề án chống ngập và xử lý nước thải, chương trình phát triển nhà ở, chương trình phát triển công viên cây xanh công cộng, chương trình giảm ô nhiễm môi trường…
Việc đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông, hạ tầng số, trong đó chú trọng phát triển hạ tầng dịch vụ thông qua gắn kết, phát huy hiệu quả quy hoạch và huy động tốt các nguồn lực (tài chính, công nghệ, đất đai,...) nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành dịch vụ tương xứng với vai trò, vị trí là ngành mũi nhọn phát triển chiến lược của thành phố.
Đồng thời, tập trung phát triển hạ tầng công nghiệp trên cơ sở tiếp tục phát huy các khu công nghệ cao, khu chế xuất, khu công nghiệp, chuỗi công viên Phần mềm Quang Trung và mạng lưới các trung tâm khởi nghiệp sáng tạo, hình thành khu công nghiệp mới có chất lượng và tính cạnh tranh cao, phù hợp với các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo…. Đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, phát triển mạnh ngành logistics; giải quyết hiệu quả các vấn đề cấp bách đặt ra: giảm ùn tắc giao thông, chống ngập, giảm ô nhiễm môi trường, xử lý nước thải, chất thải rắn, cung cấp và vận động 100% người dân thành phố sử dụng nước sạch, phát triển cây xanh, hệ thống chiếu sáng đô thị,... đáp ứng và phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân thành phố.
Với 11 đề án, chương trình thành phần như đề án đào tạo nhân lực trình độ quốc tế, đề án y tế thông minh, chương trình nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo, đề án hỗ trợ phát triển tài năng trẻ và lãnh đạo tương lai của Thành phố, chiến lược phát triển ngành Văn hóa Thành phố … chương trình đột phá phát triển nhân lực và văn hoá thành phố tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo, chuyển tiềm năng trí tuệ của nguồn nhân lực thành những thành quả ứng dụng và sáng tạo khoa học công nghệ, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế. Phát triển hệ thống y tế toàn diện, ứng dụng công nghệ để phát triển mạnh mẽ y tế thông minh, tiếp tục quan tâm đảm bảo y tế cộng đồng, đáp ứng tốt yêu cầu chăm lo sức khỏe Nhân dân.
Quan tâm đầu tư phát triển các hoạt động thể dục thể thao, nâng cao trình độ thể thao thành tích cao và đáp ứng nhu cầu thể dục thể thao nâng cao thể lực trong cộng đồng. Phát triển các ngành, lĩnh vực văn hóa thật sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, một động lực để phát triển kinh tế; đảm bảo phát triển văn hóa - xã hội hài hòa với phát triển kinh tế, mọi người dân đều được thụ hưởng các giá trị tốt đẹp của đời sống văn hóa - xã hội.
Chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực thành phố hướng tới mục tiêu xây dựng thành phố thông minh, làm nền tảng phát triển kinh tế hiện đại; tiếp tục là đầu tàu kinh tế quan trọng của cả nước, là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của khu vực Đông Nam Á.
Với 13 chương trình, đề án, trong đó tập trung hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp và sản phẩm trên địa bàn thành phố, chương trình phát triển giống cây, con và nông nghiệp công nghệ cao, đề án du lịch thông minh, đề án hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Thành phố, Thành phố Hồ Chí Minh và các triển lãm công nghiệp, dịch vụ 4.0… chương trình tập trung phát triển thành phố trở thành Trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế. Nghiên cứu và triển khai các chính sách hỗ trợ kinh tế chia sẻ, kinh tế số và kinh tế tuần hoàn; phát triển du lịch thông minh, phát huy tiềm năng du lịch nội địa, liên kết phát triển du lịch thành phố với các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long và các địa phương trên cả nước…/.