Hội nghị nhằm tạo cơ hội để TP.Hồ Chí Minh tăng cường hơn nữa những hoạt động hợp tác về kinh tế, thu hút các nhà đầu tư mới và hỗ trợ các nhà đầu tư hiện hữu, quảng bá hình ảnh Thành phố, giới thiệu các chính sách thu hút đầu tư, khẳng định lợi thế chính trị và nguồn nhân lực của Thành phố.
Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo UBND TP.Hồ Chí Minh; các Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ, Indonesia, Singapore, Ấn Độ, Ý; lãnh đạo các cơ quan ngoại giao của các nước Anh, Cô-oét, Campuchia, Canada, Hàn Quốc, Hungari, Tây Ban Nha, Thái Lan…cùng các sở ban ngành, hiệp hội, doanh nghiệp đầu tư…
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Trần Vĩnh Tuyến phát biểu tại hội nghị (ảnh:CN)
Thay mặt lãnh đạo Thành phố, phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh, TP.Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ và là đầu mối giao lưu hội nhập quốc tế, có sức hút và sức lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Mặc dù chỉ với diện tích tự nhiên hơn 2.000 km2 nhưng đón nhận hơn 13 triệu dân cư ngụ; kinh tế Thành phố duy trì mức tăng trưởng khá cao, bình quân đạt 9,6%/năm (tăng gấp 1,66 lần so với cả nước); Tổng vốn đầu tư xã hội trong 5 năm (2011- 2015) đạt 1,19 triệu tỷ đồng (tương đương với 52,3 tỷ USD Mỹ), gấp gần 2 lần giai đoạn 2006 -2010. Đặc biệt thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đạt kết quả tích cực, có 2.404 dự án được cấp mới chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đạt 10,36 tỷ USD. Chỉ trong 8 tháng đầu năm 2017, giá trị vốn đầu tư nước ngoài đạt 3,29 tỷ USD.
Dựa trên những lợi thế, tiềm năng, Thành phố đã đề ra một số mục tiêu trong những năm tới, trong đó tốc độ tăng trưởng sản phẩm nội địa bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt từ 8,5%/năm; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Cụ thể, tỷ trọng ngành dịch vụ trong GRDP đến năm 2020 chiếm từ 56% - 58%; tổng vốn đầu tư xã hội chiếm bình quân khoảng 30% GRDP; đến năm 2020 GRDP bình quân đầu người đạt 9.800 USD/người/năm.
Theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố Trần Vĩnh Tuyến, để thực hiện các mục tiêu trên, TP.Hồ Chí Minh tập trung kêu gọi đầu tư vào 9 nhóm ngành dịch vụ gồm: Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; du lịch; vận tải, cảng, kho bãi; bưu chính, viễn thông, thông tin và truyền thông; kinh doanh tài sản bất động sản; tư vấn; khoa học công nghệ; y tế; giáo dục và đào tạo; cũng như 4 ngành công nghiệp trọng yếu, gồm: Cơ khí; điện tử - công nghệ thông tin; hóa chất - nhựa - cao su; chế biến tinh lương thực - thực phẩm. Thành phố cũng quyết tâm triển khai 7 chương trình đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ X đề ra.
Cụ thể, tại hội nghị lần này, TP.Hồ Chí Minh mời gọi đầu tư vào 116 dự án xã hội hóa, 11 dự án quốc gia, 6 dự án thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Trong 116 dự án xã hội hóa có 64 dự án hạ tầng giao thông, 5 dự án hạ tầng kỹ thuật đô thị, 7 dự án giảm ngập nước, 3 dự án nông nghiệp, 1 dự án công nghiệp, 4 dự án thương mại dịch vụ, 21 dự án chỉnh trang đô thị và xây dựng nhà ở tái định cư, 6 dự án giáo dục, 1 dự án y tế, 4 dự án văn hóa thể thao. Trong 11 dự án quốc gia có 9 dự án hạ tầng giao thông, 1 dự án giáo dục đào tạo và 1 dự án y tế. Riêng khu đô thị mới Thủ Thiêm có 6 dự án gồm: 1 dự án khách sạn nghỉ dưỡng đô thị, 4 dự án xây dựng trường học tiêu chuẩn quốc tế, 1 dự án xây dựng nhà hát nghệ thuật tổng hợp.
Lãnh đạo Thành phố mong muốn các nhà đầu tư đã hoạt động tại Việt Nam hiểu rõ hơn sự trân trọng của chính quyền Thành phố đối với các nhà đầu tư, sẽ giới thiệu nhà đầu tư khác biết đến Việt Nam nói chung, TP.Hồ Chí Minh nói riêng, là nơi đầu tư đầy tiềm năng.