Huyện Củ Chi nổi tiếng với các vườn hoa lan, cung cấp cho thị trường thành phố
và các địa phương lân cận. (Nguồn ảnh: vneconomy.vn)
Hiện nay, quá trình đô thị hoá Tại Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra nhanh chóng đã dẫn đến tình trạng mất đất nông nghiệp gây ảnh hưởng lớn đến cơ cấu kinh tế của thành phố. Diện tích canh tác không thể mở rộng và đang có xu hướng giảm dần, điều kiện sản xuất ngày càng khó khăn, trong khi ngành nông nghiệp thành phố có nhiệm vụ đảm bảo mục tiêu kép là vừa không để mất ngành nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế vừa phải đủ sản lượng cung cấp cho trên 12 triệu dân đảm bảo chất lượng, phong phú và đa dạng sản phẩm.
Để giữ lại vùng nông nghiệp, Thành phố xác định việc xây dựng các khu đô thị vệ tinh ở các huyện ngoại thành và thay đổi tư duy từ “sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “kinh tế nông nghiệp” là rất cần thiết, chủ yếu tập trung theo hướng nông nghiệp đô thị, ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển mô hình kinh tế tập thể và các dịch vụ hỗ trợ cho nông nghiệp.
Ngành nông nghiệp thành phố đã tập trung thực hiện nhiệm vụ “Phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, là trung tâm sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi có năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng cao, an toàn của khu vực, bảo vệ môi trường và đáp ứng tốt hơn nhu cầu về rau sạch, hoa tươi, cá kiểng, sữa bò của thị trường và gắn với phát triển du lịch mang đặc trưng thành phố...”; nỗ lực cải cách và đổi mới hoạt động theo định hướng “kinh tế nông nghiệp”, đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp, bảo vệ môi trường nhằm giúp thành phố vượt qua khó khăn, thách thức của thực tiễn sản xuất, kinh doanh và đạt các mục tiêu phát triển bền vững.
Để đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp, Thành phố Hồ Chí Minh đã dần hình thành hệ sinh thái nông nghiệp công nghệ cao, trong đó có các đơn vị trụ cột là Khu Nông nghiệp công nghệ cao, Trung tâm Công nghệ sinh học, các trường, viện, các doanh nghiệp, hợp tác xã ứng dụng hiệu quả nông nghiệp tiên tiến... có sức lan tỏa mạnh.
Nguồn ảnh: https://vneconomy.vn
Đặc biệt, đến nay, diện tích 87 ha trong Khu Nông nghiệp công nghệ cao dành cho các doanh nghiệp thuê đã được lấp đầy. Khi doanh nghiệp đầu tư vào Khu Nông nghiệp công nghệ cao có nhiều thuận lợi như nằm trong khu quy hoạch, được hỗ trợ, ưu đãi các chính sách về nông nghiệp công nghệ cao (ưu đãi về thuế, hỗ trợ cho vay về vốn...).
Ngoài ra, doanh nghiệp đầu tư vào đây được hưởng lợi hạ tầng có sẵn, được chia sẻ về khoa học kỹ thuật, vì trong Khu Nông nghiệp công nghệ cao có các trung tâm nghiên cứu phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp, nghiên cứu các quy trình ứng dụng công nghệ cao, hướng nghiệp và dạy nghề nông nghiệp công nghệ cao...
Ông Lê Văn Cửa, Phó Trưởng ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Các doanh nghiệp muốn đầu tư vào Khu Nông nghiệp công nghệ cao phải đáp ứng được khoa học kỹ thuật, mang lại hiệu quả, các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao dễ áp dụng và phát triển lâu dài. Để đáp ứng nhu cầu thực tiễn, Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao xin chủ trương của thành phố mở rộng thêm hai khu phục vụ cho chăn nuôi, nhân giống cây trồng và vật nuôi.
Theo ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh, ngành nông nghiệp thành phố đã cụ thể hóa, xây dựng định hướng phát triển của ngành trong giai đoạn 2021-2030. Trong đó, chuyển đổi nhanh nền nông nghiệp từ sản xuất các sản phẩm truyền thống sử dụng nhiều đất và lao động, sang nền nông nghiệp đô thị sinh thái ứng dụng công nghệ cao, tiến tới nền nông nghiệp đô thị xanh phát thải các-bon thấp.
Đồng thời, phát huy vai trò là trung tâm nghiên cứu, sản xuất và cung ứng giống nông nghiệp mới, dịch vụ khoa học-công nghệ tiên tiến, hiện đại cho khu vực và cả nước; sản xuất các sản phẩm tươi sống có lợi thế với chất lượng cao, thân thiện môi trường theo chuỗi liên kết đa giá trị, tạo mảng xanh và cảnh quan đô thị, nông thôn hài hòa.
“Thu nhập và điều kiện sống của người làm nông nghiệp ở mức cao, nông nghiệp và nông thôn trở thành nơi làm việc, sinh sống, tham quan, học tập và nghỉ dưỡng xanh, sạch, đẹp, văn minh, hiện đại”, ông Đinh Minh Hiệp cho biết.
Với sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của cả hệ thống chính trị thành phố, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các chủ trương, chính sách, áp dụng nhiều giải pháp mới, ngành nông nghiệp thành phố đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tư duy “sản xuất nông nghiệp” có sự chuyển hướng mạnh mẽ sang tư duy “kinh tế nông nghiệp”, như chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để tăng sản lượng, chất lượng, hiệu quả trong nuôi trồng thủy sản…. Các quy trình sản xuất hữu cơ, giảm thâm dụng tài nguyên và vật tư đầu vào được áp dụng và nhiều mô hình nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ được phát triển, nhân rộng./.