Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng phát biểu tại Hội nghị phổ biến Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 11/10. (Nguồn: TTXVN)

Tham dự Hội nghị lần này có lãnh đạo, đại diện các tỉnh, thành phố khu vực miền Nam bao gồm Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Đồng Tháp, Trà Vinh, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau, Cần Thơ, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Tô Anh Dũng khẳng định, Thỏa thuận GCM là kết quả của sự đoàn kết, hợp tác, tinh thần chia sẻ trách nhiệm của các quốc gia hướng tới mục tiêu thúc đẩy di cư hợp pháp, an toàn và trật tự vì sự phát triển bền vững và bao trùm. Theo công bố ngày 17/9/2019 của Vụ các vấn đề Kinh tế - xã hội, Liên hợp quốc, trên thế giới hiện có hơn 272 triệu người di cư, chiếm 3,5 % dân số thế giới với 74% người trong độ tuổi lao động, trong khi đó vào năm 2000 số lượng người di cư mới chỉ chiếm 2,8 % dân số thế giới.

Sự gia tăng nhanh chóng các dòng di cư xuyên quốc gia càng cho thấy tầm quan trọng của sự ra đời Thỏa thuận GCM - thỏa thuận liên chính phủ đầu tiên về di cư trong việc thiết lập khuôn khổ hợp tác toàn cầu nhằm quản lý di cư một cách hiệu quả. Việc Việt Nam thông qua Thỏa thuận GCM là bước tiến quan trọng trong hợp tác quốc tế về di cư, đồng thời tạo thêm cơ sở để các Bộ, ngành, địa phương rà soát, hoàn thiện chính sách trong lĩnh vực này, Thứ trưởng Tô Anh Dũng nhấn mạnh.

Ông Mark Brown, Quyền Trưởng Phái đoàn IOM tại Việt Nam đánh giá cao sự tham gia tích cực của Việt Nam đối với quá trình xây dựng, đàm phán, thông qua Thỏa thuận GCM. Trong bối cảnh các dòng di cư của Việt Nam ra nước ngoài ngày càng đa dạng và phức tạp, cùng với các cơ chế, cam kết hợp tác khu vực như Tiến trình Colombo, Tuyên bố ASEAN về Thúc đẩy và bảo vệ quyền của người di cư, việc triển khai Thỏa thuận GCM sẽ giúp Việt Nam đảm bảo tốt hơn sự an toàn và thịnh vượng của người di cư.

Hội nghị phổ biến Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự có sự góp mặt của đông đảo đại diện đến từ các tỉnh, thành phố khu vực miền Nam. (Nguồn: TTXVN)


Đề cao tầm quan trọng của Thỏa thuận GCM, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, khởi động tiến trình di cư hợp pháp, an toàn và trật tự sẽ giúp quản lý hiệu quả di cư nhằm hạn chế rủi ro nảy sinh trong quá trình di cư và đưa di cư trở thành động lực cho hợp tác và phát triển giữa các quốc gia. Việc triển khai Thỏa thuận GCM sẽ góp phần đảm bảo hài hòa lợi ích của người di cư, nước gốc, nước tiếp nhận và các địa phương có đông người di cư như Thành phố Hồ Chí Minh.

Hội nghị diễn ra trong một ngày gồm hai nội dung chính: phổ biến nội dung của Thỏa thuận GCM và các ưu tiên của Việt Nam trong việc xây dựng kế hoạch triển khai; công tác phòng chống mua bán người của Việt Nam và các biện pháp tuyên truyền đối ngoại.

Tại Hội nghị, Bộ Ngoại giao đã giới thiệu dự thảo Kế hoạch triển khai Thỏa thuận GCM và lắng nghe ý kiến của các địa phương về nội dung dự thảo cũng như các vấn đề chính sách cần hoàn thiện để quản lý hiệu quả di cư, đưa di cư trở thành nhân tố thúc đẩy phát triển bền vững.

Thỏa thuận GCM ra đời trên cơ sở Tuyên bố New York về người tị nạn và di cư vào tháng 9/2016 của Đại hội đồng Liên hợp quốc, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác toàn cầu về quản lý di cư. Thỏa thuận GCM được chính thức thông qua tại Khóa 73 Đại hội đồng Liên hợp quốc vào ngày 19/12/2018 với đa số thành viên Liên hợp quốc tán thành.

Sau khi Việt Nam thông qua Thỏa thuận GCM vào tháng 12/2018, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Ngoại giao đang trong quá trình lấy ý kiến của các Bộ, cơ quan liên quan đối với dự thảo Kế hoạch triển khai Thỏa thuận GCM do Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng.

Hội nghị phổ biến Thỏa thuận GCM tại Thành phố Hồ Chí Minh là Hội nghị lần thứ ba do Bộ Ngoại giao triển khai trong chuỗi các hoạt động tuyên truyền về Thỏa thuận GCM trên toàn quốc để phổ biến nội dung Thỏa thuận và thực hiện tham vấn chính sách với các địa phương. Các Hội nghị trước đó đã diễn ra tại Hà Nội ngày 20/8/2019 và Đà Lạt ngày 27/9/2019 với sự tham dự của đông đảo đại diện các Bộ, ngành và các địa phương khu vực miền Bắc và miền Trung.

Bảo Chi/baoquocte.vn