16:57 06/11/2023
print  

Thực tiễn phát triển KTTT định hướng XHCN ở TP Hồ Chí Minh

Sáng 6/11, tại TP Hồ Chí Minh, Đoàn khảo sát thực tế nhóm 2- Ban Chỉ đạo Tổng kết Trung ương (Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN) do đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Thành ủy TP Hồ Chí Minh về phát triển nền KTTT định hướng XHCN.

Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng đoàn công tác gợi mở nhiều vấn đề để các đại biểu thảo luận, làm rõ phát triển KTTT định hướng XHCN tại Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng.

Cùng dự buổi làm việc có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; cùng các đồng chí lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương; đại diện lãnh đạo Thành ủy TP Hồ Chí Minh…

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về phát triển nền KTTT định hướng XHCN trong công cuộc đổi mới theo định hướng XHCN trong 40 năm qua ở Việt Nam, là nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn cần thiết, nhằm làm sáng tỏ một số vấn đề lý luận và thực tiễn quan trọng, định hướng sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới; góp phần bổ sung, hoàn thiện lý luận của Đảng về đường lối đổi mới, lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam; đồng thời trực tiếp phục vụ cho việc xây dựng các văn kiện Đại hội lần thứ XIV của Đảng.

Thực tiễn phát triển nền KTTT định hướng XHCN tại TP Hồ Chí Minh

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan báo cáo tóm tắt một số nội dung chính trong tổng kết chuyên đề “Phát triển nền KTTT định hướng XHCN” của cả nước trong hơn 35 năm đổi mới nói chung và phát triển nền KTTT định hướng XHCN tại TP Hồ Chí Minh nói riêng.

Các đại biểu chia sẻ thực tiễn phát triển KTTT định hướng XHCN ở TP Hồ Chí Minh.

Báo cáo khẳng định, hệ thống thể chế KTTT định hướng XHCN đã từng bước được hoàn thiện đồng bộ hơn theo các chuẩn mực phổ biến của nền KTTT hiện đại và hội nhập quốc tế, mức độ tự do của nến kinh tế Việt Nam ngày càng được cải thiện đáng kể, cơ bản đảm bảo tính đồng bộ giữa thể chế kinh tế và thể chế chính trị, giữa nhà nước và thị trường; sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, phát triển con người, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển xã hội bền vững; hội nhập kinh tế quốc tế được đẩy mạnh gắn với xây dựng kinh tế độc lập tự chủ.

Với TP Hồ Chí Minh đã từng bước hoàn thiện thể chế về sở hữu, phát triển các thành phần kinh tế và các loại hình doanh nghiệp, số lượng doanh nghiệp của TP chiếm hơn một nửa so với cả nước. Thành phố tập trung hoàn thiện thể chế phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường và các loại thị trường, trong đó, tỷ trọng của ngành thương nghiệp đứng thứ hai trong GRDP của Thành phố, chỉ sau ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; cơ cấu lao động đã có sự chuyển dịch rõ rệt, tăng dần tỷ trọng lao động khu vực công nghiệp, dịch vụ; giảm tỷ trọng lao động nông nghiệp, Thị trường khoa học và công nghệ từng bước hình thành, đi vào chiều sâu và vận hành có hiệu quả…

Thành phố ưu tiên hoàn thiện thể chế gắn kết tăng trưởng kinh tế với bảo đảm phát triển bền vững, tiến bộ và công bằng xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trưởng và ứng phó với biến đổi khí hậu. Điều này được thể hiện qua sự phát triển kinh tế Thành phố duy trì tăng trưởng liên tục qua các năm, ngoại trừ vào năm chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19; tuy nhiên, so với giai đoạn trước, tốc độ tăng trưởng chậm dần. Tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại qua các giai đoạn 05 năm. Tính theo GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn), tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm trong giai đoạn 2011 - 2015 là 7,2% và giai đoạn 2016 - 2020 là 6,4%. Dưới tác động của đại dịch COVID-19, kinh tế thành phố tăng trưởng chậm lại ở mức 1,16% trong năm 2020 và suy giảm ở mức -5,36% trong năm 2021.

Đồng chí Nguyễn Văn Nên cho rằng: Dù những kết quả đạt được của TP là đáng ghi nhận, tuy nhiên thực tiễn sự phát triển KTTT định hướng XHCN vẫn còn nhiều bất cập tồn tại, cần được làm rõ để hoàn thiện hơn.

Từ những kết quả đạt được, những hạn chế còn tồn tại, về đảm bảo an ninh kinh tế trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế, TP Hồ Chí Minh kiến nghị Quốc hội ban hành các văn bản khắc phục tình trạng quy định còn thiếu, chưa đồng bộ, một số vấn đề mới phát sinh chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời; Tạo niềm tin cho doanh nghiệp về tính minh bạch, công minh trong chính sách và trong việc thực thi pháp luật...

Còn nhiều bất cập cần tháo gỡ, hoàn thiện

Tại buổi làm việc, các đại biểu khẳng định lại vị trí, vai trò của TP Hồ Chí Minh trong sự phát triển chung của đất nước thời gian qua. Từ thực tiễn phát triển nền KTTT định hướng XHCN tại TP, các đại biểu thảo luận, làm rõ quan điểm của TP Hồ Chí Minh về sự phát triển nhận thức, tư duy sáng tạo, đột phá lý luận cơ bản của Đảng ta về mô hình KTTT định hướng XHCN từ 1986 đến nay; đánh giá thực trạng phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Thành phố nói riêng và Việt Nam nói chung từ năm 1986 đến nay; đánh giá chung của Thành phố về đường lối phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam. Các đại biểu đã đề xuất giải pháp nhằm tiếp tục phát triển nền KTTT định hướng XHCN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: TP xác định rõ việc tham gia tổng kết phát triển nền KTTT định hướng XHCN là trách nhiệm của TP.  Để hoàn thiện các nội dung theo yêu cầu và có cái nhìn tổng quát từ thực tiễn phát triển nền KTTT định hướng XHCN, TP đã tổ chức nhiều hội nghị mời các đại biểu, các chuyên gia các bộ, ban ngành để lấy ý kiến, nhằm hoàn thiện các nội dung Trung ương yêu cầu.

“Trong quá trình thực hiện phát triển nền KTTT định hướng XHCN, TP có cho mình những chất liệu thực tiễn, đó là chất liệu qua 8 kỳ đại hội Đảng bộ TP và 4 lần Bộ Chính trị có các hội nghị sơ, tổng kết giao nhiệm vụ cụ thể cho Thành phố; đó còn là từ nguồn tư liệu của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan Trung ương về khảo sát và đánh giá chuyên đề đánh giá nền KTTT định hướng XHCN… Những chất liệu đó, giúp TP có nhận thức sâu sắc nền KTTT định hướng XHCN và vận dụng sáng tạo, hành động quyết liệt thực hiện, để có những thành quả như thời gian qua mà trong các báo cáo, cũng như các ý kiến của đại biểu đã phát biểu làm rõ”. Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho hay.

Tuy nhiên, đồng chí Nguyễn Văn Nên cũng thẳng thắn nhìn nhận, từ thực tiễn cho thấy còn nhiều vấn đề cần đánh giá, tổng kết nghiêm túc để có những giải pháp cụ thể phát triển nền KTTT định hướng XHCN tại TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung. Đó là về hệ thống pháp luật của đất nước, hiện còn nhiều bất cập, chưa theo kịp sự phát triển, nhất là trong thời kỳ hội nhập, trong quá trình thực hiện còn mâu thuẫn; chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh còn thấp, thiếu bền vững; hiệu quả và năng lực của nhiều doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nhà nước còn hạn chế… Những bất cập đó được chỉ ra rất rõ, đòi hỏi sự đánh giá thẳng thắn và có giải pháp tháo gỡ, khắc phục từ Trung ương.

Toàn cảnh buổi làm việc.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Trần Anh Tuấn, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, các ý kiến phát biểu về cơ bản đã góp phần làm rõ thêm nhận thức của Thành phố về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, đồng thời đã bổ sung nhấn mạnh thêm về một số vấn đề trọng tâm, trọng điểm… Các ý kiến đã phân tích rõ làm hơn về thực trạng thực hiện chủ trương của Đảng về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, nhất là những thành tựu nổi bật, những hạn chế, nguyên nhân của thành tựu, hạn chế, những vấn đề đặt ra và bài học kinh nghiệm từ góc độ địa phương cấp tỉnh.

Các ý kiến phát biểu cũng đã đánh giá chung về đường lối phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam, dự báo bối cảnh mới trong nước, quốc tế và những vấn đề đặt ra đối với phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, Thành phố đã đề xuất các quan điểm mới và các định hướng giải pháp nhằm phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam trong bối cảnh mới./..

PV