Ngành du lịch TPHCM tăng cường quảng bá, xúc tiến tại các sự kiện trong và ngoài nước

 Tăng cường quảng bá, xúc tiến

Hoạt động xúc tiến, quảng bá luôn được ngành du lịch TP chú trọng, không ngừng nâng cao hiệu quả. Nhiều sự kiện du lịch đã được TP tổ chức định kỳ như: Lễ hội Áo dài, Ngày hội Du lịch, Lễ đón khách quốc tế đầu năm, Liên hoan Ẩm thực đất phương Nam và Lễ hội Trái cây Nam Bộ…

Đặc biệt, Hội chợ Du lịch quốc tế (ITE HCMC 2019) với quy mô lớn nhất từ trước tới nay đã thu hút sự tham gia của 25 quốc gia và vùng lãnh thổ, 14 cơ quan xúc tiến du lịch nước ngoài và 45 đơn vị tỉnh thành trong nước tham gia, quy mô Hội chợ có 315 gian hàng triển lãm, tăng 10% so với năm 2018 về gian hàng và tăng 57,3% về diện tích Hội chợ, hơn 8.000 cuộc hẹn đã được thực hiện giữa người mua và người bán. Hội chợ năm nay có nhiều gian hàng thiết kế đẹp với nhiều hoạt động phong phú, sôi nổi đã thu hút 30.000 lượt khách tham quan hội chợ, trong đó có 16.000 khách tham quan và 14.000 khách thương mại.

TP cũng tổ chức hội nghị liên kết, hợp tác phát triển du lịch với 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về giá trị tài nguyên du lịch của các địa phương, khai thác tiềm năng du lịch của vùng.

Theo Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh Bùi Tá Hoàng Vũ, trong thời gian qua, chất lượng các sự kiện, lễ hội du lịch của TP đều được nâng tầm, nâng chất, có sự đổi mới về phương thức truyền thông, quảng bá thu hút được đông đảo sự quan tâm của du khách và người dân TP. Đặc biệt trong năm 2019, TP đã triển khai việc tích hợp QR code tại 25 điểm tham quan nhằm giới thiệu cho du khách tổng quan về các điểm tham quan của TP đồng thời phục vụ các chương trình, sự kiện du lịch lớn trong năm.

Bên cạnh các hoạt động trong nước, ngành du lịch TP cũng tham gia vào các hoạt động quảng bá, xúc tiến nước ngoài. Cụ thể như: tham gia Diễn đàn du lịch ASEAN (ATF 2019); Hội chợ Du lịch Quốc tế ITB tổ chức tại thành phố Berlin, Cộng hòa Liên bang Đức và tổ chức chương trình Roadshow tại thành phố Paris, Pháp; tham dự cuộc họp Ủy ban điều hành TPO lần thứ 33 (TPO EXCOM 2019) và chương trình thương mại du lịch năm 2019 (TTT 2019) tại Jakarta, Indonesia; tổ chức các hoạt động xúc tiến du lịch trong khuôn khổ chương trình đoàn đại biểu cấp cao TP thăm và làm việc tại Nga; tham dự “Lễ hội Việt Nam tại thành phố Nagoya (tỉnh Aichi) – Nhật Bản”; Hội nghị Thị trưởng các thành phố du lịch khu vực hạ nguồn sông Mekong- Lower Mekong Tourism Cities (LMTCs) năm 2019 tại thủ đô Viêng Chăn – Lào; Hội chợ Du lịch Quốc tế WTM London 2019 tại Vương quốc Anh...

Nhờ việc đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến đã giúp cho du khách trong và ngoài nước biết nhiều hơn tới TP Hồ Chí Minh - một điểm đến thân thiện, hấp dẫn, an toàn.

Trong năm 2019, tổng lượt khách quốc tế đến TP Hồ Chí Minh ước đạt 8,5 triệu lượt khách, tăng 14% so với cùng kỳ (năm 2018 đạt 7,5 lượt khách) và đạt 100% kế hoạch năm. Khách du lịch nội địa đến TP Hồ Chí Minh ước đạt 32,77 triệu lượt, tăng 13% so với năm 2018 (cùng kỳ đạt 29 triệu lượt khách). Tổng doanh thu ngành du lịch ước đạt 150.000 tỷ đồng, tăng 14,5% so với năm 2018 (cùng kỳ đạt 138.663 tỷ đồng) và đạt 100% kế hoạch năm.


TPHCM luôn là điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước

Đa dạng các loại hình du lịch

Để du lịch TP ngày càng phát triển, công tác quảng bá, xúc tiến là quan trọng song TP xác định, chính mỗi sản phẩm du lịch nơi đây phải có sức hấp dẫn và luôn mới mẻ thì mới tạo sức hút, để du khách không tới một lần mà còn “giữ chân” được họ thường xuyên quay trở lại.

TP hiện đang phát triển đa dạng các loại hình du lịch: du lịch đường thủy, du lịch MICE (kết hợp với hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện); du lịch văn hóa-lịch sử; du lịch sinh thái, nông nghiệp; du lịch mua sắm; du lịch y tế; du lịch gắn với các chương trình nghệ thuật...

Sở dĩ vậy bởi, TP Hồ Chí Minh sở hữu nguồn tài nguyên du lịch, văn hóa đa dạng, phong phú gồm hơn 200 tài nguyên văn hóa vật thể, hơn 100 tài nguyên nhân tạo, hệ thống bảo tàng, di tích cách mạng… với nhiều điểm đến hấp dẫn du khách như Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi, Công viên văn hóa Đầm Sen, Khu du lịch văn hóa Suối Tiên, Làng du lịch Bình Quới, Khu du lịch Vàm Sát, Bảo tàng TP, Dinh Thống Nhất, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Chợ Bến Thành, Bưu điện thành phố, Nhà thờ Đức Bà…

Không chỉ là một trong những trung tâm trung chuyển, đầu mối tiếp nhận khách quốc tế và nội địa quan trọng của cả nước, TP còn là nơi tập trung nhiều cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống, mua sắm, tổ chức hội nghị du lịch hàng đầu của Việt Nam.

Để tạo điểm nhấn, khai thác thế mạnh với lợi thế khoảng 1.000 km đường sông và mạng lưới giao thông thủy với hơn 110 tuyến sông, kênh, rạch có chức năng đường thủy nội địa và hàng hải, trong những năm gần đây, TP đang tập trung phát triển du lịch đường sông.

Với tổng vốn đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng ngân sách cùng với nguồn xã hội hóa khoảng 10.000 tỷ đồng, TP dự kiến đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng bình quân về khách du lịch đường sông khoảng 20%; doanh thu tăng 30% mỗi năm và phấn đấu đến năm 2020, du lịch đường sông sẽ trở thành sản phẩm du lịch chủ lực của TP.

Trong thời gian qua, TP đã đẩy mạnh việc khảo sát, hình thành, phát triển và khai thác loại hình du lịch này, đưa vào phục vụ du khách một số tour tuyến du lịch. Trong đó, TP đã tổ chức khảo sát thực tế xã Thạnh An (huyện Cần Giờ) để góp ý hình thành các tour tuyến mới đi từ Bến Bạch Đằng (quận 1) với sự tham gia của các doanh nghiệp du lịch.

Một loại hình du lịch mà hiện nay cũng khá hấp dẫn du khách đặc biệt là khách quốc tế chính là du lịch sinh thái, nông nghiệp. Sở Du lịch TP đã phối hợp với một số quận, huyện tổ chức triển khai Đề án khuyến khích hỗ trợ người dân làm du lịch trên địa bàn; tập huấn về du lịch sinh thái, cộng đồng cho người dân. Ngoài ra, Sở cũng đã chủ động gắn kết với các quận huyện, doanh nghiệp nhằm đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch. Cụ thể như việc phát triển phố đi bộ Bùi Viện (quận 1), phố đông y, phố vàng bạc đá quý (quận 5)… đã được nhiều hãng lữ hành hưởng ứng, được du khách hài lòng.

Có thể thấy, du lịch TP Hồ Chí Minh trong những năm qua phát triển khá toàn diện cả về số lượng lẫn chất lượng. TP đã đạt các mục tiêu kế hoạch đề ra và đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của du lịch Việt Nam (đóng góp bình quân từ 55% - 60% lượng khách quốc tế đến Việt Nam và chiếm gần 40% doanh thu du lịch cả nước).

Theo các chuyên gia du lịch cũng như đánh giá từ một số tạp chí, tờ báo uy tín trên thế giới, TP Hồ Chí Minh luôn lọt vào nhóm đứng đầu các điểm đến được lựa chọn tại ASEAN cũng như trên thế giới. Những người làm công tác du lịch của TP luôn cố gắng, nỗ lực hết mình để TP mãi là điểm đến hấp dẫn thật sự đối với du khách.

Trong năm 2020, ngành du lịch TP Hồ Chí Minh xác định tiếp tục làm tốt vai trò là trung tâm tiếp nhận khách du lịch quốc tế, trong nước và tổ chức các chương trình du lịch đến các địa phương; thúc đẩy tăng trưởng du lịch theo hướng bền vững, tạo chuyển biến mạnh về chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch; tăng cường quảng bá xúc tiến và hợp tác quốc tế; chủ động hội nhập và cạnh tranh có hiệu quả với du lịch khu vực trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế so sánh.

Bên cạnh đó, TP luôn xác định phải xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện và văn minh, giới thiệu hình ảnh một TP thân thiện, hấp dẫn và an toàn tới với bạn bè trong nước và thế giới. Phấn đấu đến năm 2020, lượng khách quốc tế đến TP dự kiến đạt 10 triệu lượt, tăng khoảng 15% so với năm 2019; lượng khách du lịch nội địa đến TP dự kiến phấn đấu đạt 35 triệu lượt, tăng khoảng 6,4% so với năm 2019; tổng thu du lịch dự kiến phấn đấu đạt 165.000 tỷ đồng, tăng khoảng 11% so với năm 2019./.

Bài, ảnh: V.Lê