Nghề nuôi cá cảnh cho thu nhập cao ở TP.Hồ Chí Minh (Nguồn: Báo Người lao Động)
Theo Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.Hồ Chí Minh), Thành phố hiện có diện tích nuôi cá cảnh là vào khoảng gần 100 ha. Trong đó, có hộ nuôi trong ao, nhiều nhất là ở huyện Bình Chánh. Hộ nuôi trong bể xi măng nhiều nhất ở huyện Củ Chi, còn lại là nuôi trong bể kính có nhiều ở huyện Củ Chi, quận 9 và quận Thủ Đức, sản phẩm chủ yếu là cá dĩa.
Thành phố hiện có 18 cơ sở xuất khẩu cá cảnh, trong đó Công ty cổ phần Sài Gòn cá kiểng ở huyện Củ Chi là đơn vị xuất khẩu nhiều nhất chiếm 84%). Cá cảnh của TP.Hồ Chí Minh đã xuất khẩu đến 43 quốc gia, trong đó thị trường châu Âu chiếm 52%, còn lại 48% là các thị trường châu Á, châu Mỹ và Nam Phi. Đối tượng cá cảnh sản xuất chủ yếu là cá dĩa, chép Nhật, bảy màu, hòa lan, hồng kim, bạch kim, bình tích, trân châu, mô ly, xiêm, ông tiên, ba đuôi, koi, ngựa vằn, la hán, chép nam dương, tai tượng, cánh buồm, tam giác, hồng nhung, phượng hoàng, neon, mũi đỏ…
Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân huyện Củ Chi cho biết, Củ Chi đang là địa phương đi đầu trong sản xuất cá cảnh tại TP.Hồ Chí Minh, qua phát triển ngành nghề này cho thấy, việc sản xuất cá cảnh không cần nhiều diện tích đất như sản xuất các loại rau, hoa màu, lại phù hợp với điều kiện của nông dân đô thị. Do đó, trên cùng diện tích, sản xuất cá cảnh có thể mang lại lợi nhuận cho nông dân gấp 10 lần so với trồng rau và hoa màu.
Được biết, Ủy ban Nhân dân TP.Hồ Chí Minh đã phê duyệt quy hoạch phát triển nuôi và xuất khẩu cá cảnh đến năm 2020, phấn đấu đạt sản lượng từ 150 - 180 triệu con. Trong đó, cá cảnh dành cho xuất khẩu đạt 40 đến 50 triệu con với kim ngạch đạt 40 đến 50 triệu USD. Để đạt được mục tiêu này, toàn bộ các cơ sở nuôi cá cảnh của thành phố sẽ tham gia chương trình giám sát an toàn dịch bệnh để đáp ứng điều kiện xuất khẩu vào các thị trường trong khu vực và thế giới.
Thời gian qua, Thành phố đã đẩy mạnh sản xuất cá cảnh tại các quận, huyện như huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn, quận 12, quận 8, quận 9… Tuy nhiên, trong hàng trăm cơ sở sản xuất cá cảnh tại Thành phố, chỉ có số ít đơn vị tham gia xuất khẩu thường xuyên. Phần lớn các cơ sở còn lại đều có quy mô nhỏ, manh mún, ít sản phẩm, hàm lượng ứng dụng tiến bộ khoa học còn thấp, khả năng lai tạo và thuần dưỡng cá cảnh tự nhiên hạn chế... Trong khi đó, các chính sách để phát triển ngành này cũng chưa được chú trọng tương xứng cho nên các cơ sở nuôi cá cảnh khó mở rộng quy mô.
Chính vì vậy, theo các chuyên gia trong lĩnh vực thủy sản, ngành chức năng cần quy hoạch vùng nuôi cá cảnh, bảo đảm có diện tích đủ lớn và giải pháp kiểm soát dịch bệnh tốt. Cần khuyến khích và phát triển nuôi những loại cá bản địa có giá trị nhưng đang có nguy cơ tuyệt chủng; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ; sửa đổi danh mục cá cảnh được phép nhập khẩu phù hợp thực tế phát triển thị trường.
Đồng thời, Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, tham gia các đợt hội chợ, triển lãm quốc tế lớn. Trong đó, cần mở tua đưa khách du lịch nước ngoài đến tham quan một số doanh nghiệp cá cảnh có tiềm năng xuất khẩu nhằm giới thiệu sản phẩm trực tiếp…./.