Ngày 24/5, Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị TP. Hồ Chí Minh phối hợp Hội Hữu nghị Việt Nam – Đông Nam Á TP Hồ Chí Minh, Học viện Cán bộ TP. Hồ Chí Minh và Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP tổ chức hội thảo khoa học quốc tế “TP Hồ Chí Minh trong mạng lưới các TP thông minh ở ASEAN: Cơ hội và thách thức”.

Các đại biểu tại hội thảo. (Ảnh: Minh Dung)

Chủ đề hội thảo đã thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học, đặc biệt là các đại biểu đến từ cộng đồng ASEAN, cùng hướng tới mục tiêu xây dựng TP thông minh, phát triển bền vững. Hội thảo là dịp để các nhà khoa học, nhà quản lý phân tích các quan điểm và giải pháp về xây dựng thành phố thông minh tại các quốc gia trong khu vực.

Phát biểu khai mạc tại hội thảo, PGS.TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh cho biết, cam kết giữa Chính phủ các nước ASEAN về xây dựng mạng lưới các thành phố thông minh trong khu vực ASEAN đã được thông qua tại hội nghị cấp cao ASEAN năm 2018. Việt Nam có 3 thành phố gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng gia nhập vào mạng lưới 26 thành phố thông minh ASEAN, mạng lưới này sẽ hợp tác cùng nhau, hướng tới mục tiêu phát triển đô thị thông minh và bền vững.

Hội thảo nhận được 35 bài tham luận của các nhà khoa học, trong đó có 7 bài của các nhà khoa học đến từ Úc, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Campuchia, Đài Loan... Đây sẽ là những tư liệu quý giá để xây dựng và hoàn thiện những giải pháp cho việc xây dựng thành phố thông minh ở TP.Hồ Chí Minh.

Hội thảo chia làm 2 phiên thảo luận về các vấn đề chung trong xây dựng thành phố thông minh và kinh nghiệm phát triển đô thị thông minh từ các nước ASEAN và thế giới.

Tại hội thảo, các đại biểu đưa ra những cơ hội và thách thức trong xây dựng đô thị thông minh của TP.Hồ Chí Minh, trong đó nhấn mạnh xây dựng thành công đô thị thông minh TP.Hồ Chí Minh sẽ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp và giúp tối ưu hiệu quả điều hành của chính quyền… Trong quá trình này, TP gặp phải không ít thách thức như: Giải pháp chồng chéo, không kết nối, chia sẻ dữ liệu được với nhau, gây lãng phí nguồn lực; nợ công gia tăng; gánh nặng ngân sách về chi thường xuyên; nhân sự chuyên trách về công nghệ thông tin còn thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng; các dịch vụ được tích hợp còn thấp; chưa có cơ sở pháp lý về xây dựng đô thị thông minh; thiếu bộ phận phụ trách về điều hành quản lý, tư vấn lựa chọn công nghệ tương thích, đánh giá khả thi, giám sát triển khai, quản lý dự án…./.

Chi Mai