Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Bích Liên
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó trưởng phòng Quản lý Khoa học (Sở KH&CN TP. Hồ Chí Minh), Chương trình sẽ hỗ trợ các tổ chức KH&CN đang hoạt động trên địa bàn TP.HCM có hoạt động nghiên cứu, ứng dụng các lĩnh vực nằm trong 4 ngành công nghiệp trọng điểm của TP.HCM gồm: Cơ khí – chế tạo; Điện tử - CNTT; Hóa chất, hóa dược – cao su nhựa; Chế biến tinh lương thực, thực phẩm.
Các tổ chức KH&CN khi tham gia Chương trình sẽ được hỗ trợ ba hợp phần: Một là, hỗ trợ về nâng cao năng lực nghiên cứu. Theo đó, các tổ chức KH&CN sẽ được hỗ về hoạt động đào tạo nhân lực chất lượng cao; hỗ trợ hoạt động hội thảo (ưu tiên các hội thảo mang tầm quốc tế); hỗ trợ về cơ sở vật chất…
Hai là, hỗ trợ về nâng cao năng lực quản lý. Các tổ chức KH&CN sẽ có đơn vị tư vấn đánh giá tổ chức, hỗ trợ áp dụng các hệ thống nâng cao năng suất chất lượng, quản trị tài sản trí tuệ…
Ba là, các hỗ trợ về chứng nhận doanh nghiệp KH&CN, tổ chức KH&CN. Các tổ chức KH&CN sẽ có những văn bản tự báo cáo và đánh giá về hoạt động của trung tâm mình, cũng như các chương trình mục tiêu phát triển của đơn vị đến năm 2020. Sau đó Sở KH&CN TP.HCM sẽ tổ chức xét chọn, ký kết biên bản ghi nhớ và tiến hành thực hiện hỗ trợ.
Sở KH&CN TP.Hồ Chí Minh cũng cho biết, các tổ chức KH&CN khi xây dựng kế hoạch phát triển phải đạt các tiêu chí cơ bản của một tổ chức KH&CN theo thông tư 38 của Bộ KH&CN. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Sở sẽ thuê các đơn vị tư vấn để đánh giá thực trạng của các tổ chức KH&CN. Cùng với đó, hỗ trợ sẽ được điều chỉnh, rút kinh nghiệm để vừa sát với tình hình thực tế của các tổ chức vừa đi theo mục tiêu thành phố đã đặt ra.
Theo Sở KH&CN TP.Hồ Chí Minh, thông qua Chương trình sẽ tạo ra những tổ chức nghiên cứu có trọng tâm, trọng điểm góp phần cho sự phát triển của thành phố, cũng như tạo liên kết, hợp tác giữa các trung tâm nghiên cứu, các chương trình hợp tác quốc tế./.