Những điểm sáng trong bức tranh kinh tế, xã hội nhiều màu sắc

 

 

Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành của doanh nghiệp, sự đồng lòng của người dân đã góp phần đưa kinh tế TP Hồ Chí Minh vượt qua giai đoạn khó khăn và để lại nhiều điểm sáng tích cực (nguồn ảnh: báo Nhân dân)

 
Trong năm 2020, kinh tế thế giới, khu vực và cả nước gặp nhiều khó khăn, tình hình dịch bệnh COVID-19 với những diễn biến mới phức tạp, khó lường, tác động sâu sắc, toàn diện tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của TP Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành của doanh nghiệp, sự đồng lòng của người dân đã góp phần đưa kinh tế TP Hồ Chí Minh vượt qua giai đoạn khó khăn và để lại nhiều điểm sáng tích cực.

Trước tiên, phải nói về công tác phòng chống đại dịch COVID-19, TP đã chủ động, tích cực, sáng tạo triển khai công tác phòng, chống dịch; xây dựng các kịch bản ứng phó với dịch bệnh và vận dụng linh hoạt, hiệu quả đối với từng đợt bùng phát dịch bệnh. Trên địa bàn TP, dịch bệnh COVID-19 đã được kiểm soát tốt, tạo được niềm tin của Nhân dân.

Cũng từ những tác động của dịch bệnh COVID-19, TP đã kịp thời hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn, thực hiện 100% kế hoạch đề ra với số tiền hơn 600 tỷ đồng, được người dân đánh giá cao, góp phần đảm bảo công tác an sinh xã hội. Bên cạnh đó, TP đã nhanh chóng có các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, ngăn đà phá sản, duy trì sản xuất, kinh doanh. TP đã xử lý gia hạn hơn 8.800 tỷ đồng tiền thuế cho doanh nghiệp; hơn 200 tỷ đồng gia hạn thuế giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân và tiền thuê đất của các hộ kinh doanh.

Một điểm sáng nữa đó là TP đã duy trì mức tăng trưởng dương trong một năm vô cùng khó khăn như năm 2020 (đạt 1,39% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, cả 3 khu vực dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp của TP đều tăng trưởng dương; xuất khẩu đạt hơn 43 tỷ USD. Thu hút đầu tư từ nước ngoài đạt hơn 4,3 tỷ USD. Có hơn 40.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký hơn 1,1 triệu tỷ đồng. Ngoài ra, TP có hơn 8.300 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 21% so cùng kỳ. Đây là những dấu hiệu tích cực, dự báo nhiều khả năng kinh tế TP sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới.

Một nỗ lực nữa của TP trong năm qua đó là hoạt động thu ngân sách Nhà nước. Tuy chỉ được 352.000 tỷ đồng, đạt 86,74% dự toán nhưng đó là kết quả đáng ghi nhận trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Qua đó, góp phần đóng góp khoảng 25% thu ngân sách quốc gia.

Kỳ vọng về một TP phát triển vượt bậc trong tương lai

 

 

Một góc TP Thủ Đức thuộc TP Hồ Chí Minh. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Song song với các hoạt động kinh tế, TP cũng chuẩn bị chu đáo nội dung văn kiện và tổ chức thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ TP lần thứ XI. Sự năng động, sáng tạo, đi đầu của TP tiếp tục được thể hiện với các chủ trương lớn được Trung ương chấp thuận. Trong đó có Nghị quyết 131 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh và Nghị quyết 1111 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức thuộc TP Hồ Chí Minh.

Thành lập TP Thủ Đức thuộc TP Hồ Chí Minh - đây là mô hình “thành phố trong thành phố” nhằm giúp khu vực phía Đông TP Hồ Chí Minh sớm trở thành “hạt nhân”, một “cực” tăng trưởng mới thúc đẩy kinh tế TP Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Qua đó, sẽ góp phần thúc đẩy thiết lập chuỗi giá trị gia tăng trên nền tảng công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện đại theo chuẩn quốc tế, hỗ trợ tài chính hiệu quả cho doanh nghiệp vươn lên tầm quốc tế.

Để phát huy được những lợi thế, đáp ứng kỳ vọng về một thành phố phát triển vượt bậc trong tương lai, TP Hồ Chí Minh đã nhanh chóng hoàn thành việc sắp xếp, bàn giao, ổn định tổ chức bộ máy, nhân sự, cơ sở vật chất. Đến nay, toàn bộ hệ thống các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội ở TP Thủ Đức và các phường trực thuộc chính thức đi vào hoạt động. Mặc dù đang khẩn trương ổn định và kiện toàn tổ chức, còn gặp nhiều khó khăn bước đầu, song TP Hồ Chí Minh cũng đã chỉ đạo rõ, TP Thủ Đức phải đảm bảo duy trì hoạt động hành chính, không để gián đoạn, không để người dân bị ảnh hưởng trong quá trình chuyển tiếp.

TP Thủ Đức sẽ là một đô thị sáng tạo, tương tác cao, tạo nên hệ sinh thái cho kinh tế tri thức, trí tuệ nhân tạo phải có các loại hạ tầng đặc thù và kết nối chặt chẽ với nhau. Tại đây, TP Hồ Chí Minh đã có kế hoạch và sẽ có sự đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế; hạ tầng đô thị; hạ tầng giao thông; các công trình hạ tầng xã hội về y tế, giáo dục, văn hóa thể dục thể thao; công viên cây xanh; hạ tầng số và chuyển đổi số, tạo sự phát triển đột phá, xứng tầm.

“Thành phố trong thành phố” là mô hình đầu tiên của cả nước nên chưa được luật quy định cụ thể. Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh cho biết, căn cứ vào Nghị quyết 131 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh, TP sẽ chủ động và khẩn trương xây dựng đề án riêng về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Thủ Đức trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ xem xét, quyết định. Việc thành lập TP Thủ Đức, không phải sáp nhập cơ học 3 quận (quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức) mà sáp nhập lại để hình thành tổ chức với yếu tố bên trong mới, từ đó phát triển cao hơn. TP Thủ Đức có nhiều tiền đề hội tụ và nếu tiếp tục bổ sung với một chính sách phù hợp, đặc thù sẽ trở thành nơi có năng suất lao động cao nhất cả nước.

Năm mới, thời cơ mới, động lực mới và với 1 quyết tâm cao

 

Năm 2021 sẽ là năm đầu tiên TP triển khai thực hiện đưa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần XI vào cuộc sống.

 Tuy nhiên, nhìn lại năm qua, bên cạnh những kết quả đạt được, TP Hồ Chí Minh cũng còn tồn tại những hạn chế, những việc cần tiếp tục phải hoàn thiện trong thời gian tới.

Đó là những dự án còn chậm tiến độ, tình trạng ngập nước, ùn tắc giao thông, vấn đề ô nhiễm môi trường… vẫn là những bài toán cần tiếp tục phải tìm lời giải cho phù hợp nhất, hiệu quả nhất, đáp ứng mong mỏi của Nhân dân. Thành phố rất năng động, nơi đây cũng đi đầu trong rất nhiều phong trào, có những chương trình đột phá, tạo sức lan tỏa trong cả nước, song cũng có những hạn chế nhất định, chưa đạt được như kỳ vọng về môi trường thu hút đầu tư, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số hiệu quả hành chính công cấp tỉnh…

Điều đó đòi hỏi, trong năm 2021, TP phải có những giải pháp linh hoạt hơn nữa, khắc phục những tồn tại, hạn chế hiện nay. Cùng với đó là quyết tâm tiếp tục thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ đã đề ra, tập trung kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19 và triển khai có hiệu quả các chương trình phục hồi kinh tế trên các ngành, lĩnh vực; tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Đây cũng là năm đầu tiên triển khai thực hiện đưa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần XI vào cuộc sống. TP xác định sẽ tập trung triển khai đảm bảo tiến độ 51 nội dung, chương trình đề án trong 3 chương trình đột phá về đổi mới quản lý, phát triển hạ tầng, phát triển nhân lực và văn hóa, 1 chương trình trọng điểm về phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực TP.

TP cũng xác định, một nhiệm vụ quan trọng nữa trong năm 2021 là việc triển khai thực hiện hiệu quả, đảm bảo đúng quy trình, quy định cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV; bầu cử đại biểu HĐND TP Hồ Chí Minh khóa X; đại biểu HĐND TP Thủ Đức, đại biểu HĐND huyện, xã, thị trấn nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Được biết, vừa qua, TP cũng đã họp và đi tới thống nhất các chỉ tiêu cụ thể trong năm 2021. Theo đó, TP Hồ Chí Minh phấn đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn (GRDP) từ 6% trở lên. GRDP bình quân đầu người đạt 6.500 USD/người. Tổng vốn đầu tư xã hội chiếm bình quân khoảng 35% GRDP. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt 5,7%/năm...

Trong bối cảnh hiện nay, nhất là tình hình dịch bệnh COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp, khó lường, việc hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đề ra năm 2021 sẽ có nhiều khó khăn. Phát biểu trong các cuộc họp gần đây, các đồng chí lãnh đạo TP đều nhấn mạnh, để năm 2021 đạt được những kết quả như mục tiêu đề ra thì đòi hỏi cả hệ thống chính trị, mỗi người dân, doanh nghiệp cần nỗ lực, quyết tâm ngay từ những ngày đầu năm, nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, đi đầu trong triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của TP.

Năm mới, thời cơ mới, động lực mới, với quyết tâm cao và khí thế mạnh mẽ của mỗi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp hứa hẹn các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra sẽ được TP Hồ Chí Minh hoàn thành xuất sắc; giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, phát triển toàn diện, bền vững, với tinh thần “vì cả nước, cùng cả nước, vì hạnh phúc của Nhân dân”./..

Cần đánh giá đúng năng lực, phẩm chất của cán bộ

Công tác cán bộ được coi là “then chốt của then chốt”. Trong thời gian tới, TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục tập trung đổi mới công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức; nâng cao hiệu quả công tác tuyển chọn, đề bạt cán bộ lãnh đạo, quản lý theo hướng thi tuyển công khai, minh bạch. Tại Hội nghị tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2020, triển khai chương trình công tác năm 2021 do Ban Tổ chức Thành ủy TP Hồ Chí Minh tổ chức, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên đã nhấn mạnh thực tế cho thấy, chỉ có đánh giá đúng năng lực, phẩm chất của cán bộ mới có cơ sở cho việc tuyển chọn, quy hoạch, đào tạo, luân chuyển, bố trí cán bộ... được chính xác, khách quan.Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã thống nhất việc tiếp tục thực hiện nghị quyết của Đảng về việc mỗi cán bộ, đảng viên phải có chương trình hành động trước khi nhận nhiệm vụ mới. Có chương trình hành động sẽ giúp có căn cứ đối chiếu với kết quả hoàn thành công việc, từ đó sẽ đảm bảo công tác tự phê bình hay đánh giá cán bộ mang tính định lượng, cho ra kết quả đánh giá thực chất hơn.




V.Lê