Sáng 25/7, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị họp mặt người có công tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2023).


Nhiều câu chuyện xúc động đã được chia sẻ tại Hội nghị

TP Hồ Chí Minh là địa phương thường xuyên dẫn đầu cả nước về phong trào “đền ơn đáp nghĩa”. Điều này khẳng định công tác chăm sóc người có công với cách mạng luôn được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các sở, ban, ngành, đoàn thể cùng Nhân dân Thành phố. Không chỉ là tình cảm, trách nhiệm, những hoạt động đó còn góp phần mang lại hiệu quả chính trị-xã hội sâu sắc, khơi dậy lòng yêu nước, củng cố nền tảng đại đoàn kết dân tộc và phát huy truyền thống đạo lý tốt đẹp của người Việt Nam.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND Thành phố cho biết, thời gian qua, cả hệ thống chính trị Thành phố đã huy động bằng nhiều nguồn lực khác nhau để chung sức, đồng lòng xây dựng, tôn tạo nhiều công trình ghi công liệt sĩ; đẩy mạnh tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.

Hiện nay, Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" của Thành phố đã huy động được gần 189 tỷ đồng, góp phần nâng cao đời sống cho các gia đình chính sách, đảm bảo 100% Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các đơn vị nhận phụng dưỡng và 100% xã, phường làm tốt công tác thương binh-liệt sĩ.

Đặc biệt, năm 2023, Thành phố đã dành hơn 77 tỷ đồng để tặng quà 73.434 người có công và thân nhân nhân dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ.

 

Đồng chí Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh tặng hoa và quà cho người có công tại Hội nghị

Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong việc thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức đã đề nghị các đơn vị, địa phương trong thời gian tới chú trọng một số nội dung. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công và thân nhân. Thành phố cũng yêu cầu các cấp thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với người có công, đảm bảo thực hiện đầy đủ các chế độ cho người có công và thân nhân.

Thường xuyên thực hiện tổng kết thực tiễn, đổi mới nội dung, hình thức hoạt động để kịp thời phát hiện, biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân người có công với cách mạng. Song song đó, thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người có công, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết nhanh chóng để đảm bảo quyền lợi của người có công.

Đồng chí cũng yêu cầu các đơn vị, sở ngành, quận huyện và TP Thủ Đức cần tiếp tục phối hợp và nâng cao hơn nữa trách nhiệm, năng lực quản lý Nhà nước, tăng cường thực hiện công tác cải cách hành chính, rà soát và quan tâm giải quyết hồ sơ kịp thời để những người có công và gia đình họ được hưởng đầy đủ các chính sách đền ơn, đáp nghĩa của Đảng và Nhà nước.

Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe những câu chuyện xúc động của các thương, bệnh binh, những người đã trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Dù trong thời chiến cũng như trong thời bình, những người lính bộ đội Cụ Hồ luôn mang trong mình lòng quyết tâm, ý chí kiên cường, không ngại khó, ngại khổ, sẵn sàng vượt qua mọi thử thách vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì sự phát triển thịnh vượng của đất nước.

Các thương, bệnh binh cũng bày tỏ niềm vui khi thấy thế hệ trẻ hôm nay đã luôn phát huy truyền thống của cha anh đi trước, sống có hoài bão, xung kích trên mọi mặt trận, cùng nhau chung tay xây dựng nước nhà giàu mạnh, ngang tầm với bạn bè năm châu.

 

 Đại diện lãnh đạo Thành phố tặng hoa và quà cho các đại biểu tham dự Hội nghị

Thay mặt cho 120 đại biểu người có công có mặt tại Hội nghị,  AHLLVTND, thương binh 2/4 Phan Thị Ngọc Tươi đã xúc động cho biết: “Ngày ấy chúng tôi cầm súng không phải để được tuyên dương anh hùng, hay để hôm nay được tri ân. Chúng tôi yêu nước, yêu quê hương mình, thương đồng bào mình bị giày xéo dưới gót giày xâm lược nên đã theo chân Bác, không tiếc máu xương, đứng lên đánh đuổi kẻ thù, góp phần giành độc lập tự do cho Tổ quốc. Tôi đã chứng kiến đồng đội mình, từng người, từng người anh dũng ngã xuống khi tuổi còn rất trẻ, để lại nỗi đau cho người ở lại. Số may mắn sống sót, tất cả đều thương tật đầy mình”.

Trở về với cuộc sống đời thường, nhiều người lính gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng bởi những di chứng của chiến tranh, song như cô Tươi chia sẻ: “Là thương binh, chúng tôi tàn mà không phế. Trong hoà bình, xây dựng đất nước, chúng tôi tiếp tục cống hiến, học tập, làm việc hết mình, làm thay cả phần những đồng đội đã ngã xuống. Rất, rất nhiều tấm gương thương binh tiêu biểu đáng được vinh danh, học tập”.

Đại diện tuổi trẻ Thành phố phát biểu tại Hội nghị, bạn Mai Hải Yến cho biết, đối với tuổi trẻ Thành phố, tháng 7 hàng năm là dịp để những người con được sinh ra và lớn lên trong hòa bình, được học tập, công tác, được tạo mọi điều kiện phát triển năng lực bản thân tiếp cận, tìm hiểu các kênh thông tin, tư liệu lịch sử về truyền thống quý báu, vẻ vang của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thành phố, để hiểu sâu sắc hơn giá trị to lớn của độc lập, tự do, hòa bình và hạnh phúc.

Các thế hệ tuổi trẻ Thành phố sẽ tiếp tục gìn giữ, phát triển và mãi mãi khắc ghi những công lao to lớn của các thế hệ cha anh đi trước đã hi sinh xương, máu để giành lại độc lập, tự do. Bằng tất cả sự tự hào với những thế hệ đi trước, tuổi trẻ Thành phố nguyện tiếp bước các thế hệ cha anh, phát động mạnh mẽ các phong trào hành động cách mạng, góp phần trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xây dựng và bảo vệ Thành phố thân yêu; thực hiện thành công sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Mỗi đoàn viên, thanh niên hôm nay nguyện tiếp bước theo tấm gương vì nước, vì dân của cha anh, ý thức được trách nhiệm của mình trong bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ vững chắc biển đảo, vùng trời, không gian mạng thiêng liêng của Tổ quốc./.

 

 

V.Lê