Quang cảnh buổi tọa đàm. (Ảnh: Hồng Phúc)
Chiều 6/1, tại TP. Hồ Chí Minh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hồ Chí Minh tổ chức buổi tọa đàm “Xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững”, với sự tham dự của đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học và nhà nghiên cứu từ nhiều địa phương đến đóng góp ý kiến.
Hơn 50 bài tham luận gửi về tọa đàm, cũng như các phát biểu trực tiếp đã nêu bật thực trạng gia đình Việt Nam hiện nay, chia sẻ những kinh nghiệm và cách giữ gìn hạnh phúc gia đình, vai trò của chính quyền địa phương và hộ gia đình tham gia thí điểm thực hiện bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình…
Mở đầu tọa đàm, bà Triệu Lệ Khánh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hồ Chí Minh cho rằng, hiện nay tình trạng ly hôn, ly thân gia tăng; trẻ em thiếu thốn tình cảm gia đình, vi phạm pháp luật cũng gia tăng; sự gắn bó, trách nhiệm giữa các thành viên trong gia đình có biểu hiện ngày càng lỏng lẻo. Đồng thời nhấn mạnh, các bất ổn của gia đình - tế bào nhỏ của xã hội, cũng đã tác động đến sự phát triển chung về kinh tế - xã hội của TP, do đó việc tổ chức hội thảo lần này nhằm đưa ra giải pháp, hiến kế kịp thời cho chiến lược phát triển bền vững, lâu dài trong giai đoạn mới.
Đưa ra ý kiến của mình, PGS.TS Nguyễn Văn Trình, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP. Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, trẻ em trên địa bàn thành phố phải sống hoàn cảnh gia đình khiếm khuyết do cha mẹ ly thân, ly hôn hoặc trường hợp mất mẹ, mất cha khiến các em phải sống mồ côi suốt thơ ấu đến trưởng thành. Hoặc các em có đầy đủ cả cha lẫn mẹ nhưng mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình có biểu hiện lỏng lẻo, ngoại tình hoặc tình cảm lạnh nhạt. Các biểu hiện bất ổn nêu trên của nhiều gia đình hiện nay đã ảnh hưởng lớn đến tâm lý các em.
Phân tích nguyên nhân chính dẫn tới sự bất ổn trên, ThS. Nguyễn Thị Ngọc Ánh, giảng viên Khoa Văn hóa học, Trường ĐH Văn hóa TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, đó là quá trình đô thị hóa “quá nóng”, luôn ở tỷ lệ cao nhất nước (82%); quá trình chuyển đổi phát triển công nghiệp, dịch vụ nhanh, dẫn đến sự hình thành nhiều khu dân cư mới thiếu các điều kiện cơ bản của một xã hội thu nhỏ, gây các bất ổn, phức tạp về an ninh, trật tự và các vấn đề xã hội nảy sinh.
Bà Võ Thị Phương Uyên, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Q.Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh kiến nghị, nên khuyến khích xã hội hóa các hoạt động phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình, trong đó đề cao tính chủ động và trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc hỗ trợ xây dựng, phát triển gia đình, lồng ghép thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu liên quan đến lĩnh vực gia đình. Đồng thời, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng dân cư, các tổ chức, dòng họ, cá nhân tạo điều kiện, cơ hội để các thành viên trong gia đình nâng cao nhận thức và thực hiện các quyền cơ bản của mình.
Ông Nguyễn Hữu Châu, Ủy viên Hội đồng tư vấn các vấn đề về Xã hội của UBTW MTTQ Việt Nam, nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hồ Chí Minh đưa ra ý kiến rằng, cần thí điểm xây dựng gia đình hạnh phúc ngay từ cơ sở, với sự tham gia tích cực của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội. Đồng thời nhấn mạnh, nên tổ chức mô hình tổ công tác Mặt trận sát với các hộ gia đình ở khu dân cư, Mặt trận có thể đứng ra làm đầu mối và các đoàn thể cùng phối hợp với các Ban Điều hành tổ dân phố để xuống cơ sở tiếp dân, lắng nghe ý kiến, cũng như hiến kế của từng hộ gia đình.
Các kiến nghị, tham luận tại tọa đàm sẽ được Ban tổ chức báo cáo đến Thường trực Thành ủy, kiến nghị đến UBND thành phố về những vấn đề quan tâm để làm cơ sở xây dựng được bộ tiêu chí gia đình hạnh phúc, phù hợp với thực tiễn gia đình tại TP. Hồ Chí Minh. Riêng các cấp Mặt trận sẽ đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của các thành viên trong gia đình về vị trí, vai trò, trách nhiệm của gia đình trong việc thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, ngăn chặn các tệ nạn xã hội./.