Nhiều ý kiến tâm huyết đã góp ý, đưa ra hướng tới xây dựng một môi trường văn hóa lành mạnh, để sẵn sàng bước vào giai đoạn chuyển mình mới của TP và đất nước…
Giữ gìn và phát huy dòng nhạc truyền thống cách mạng là “điểm son” của ngành văn hóa TPHCM
Không thể coi nhẹ công tác tư tưởng trong văn hóa
Nhà báo - nhà phê bình Ngô Ngọc Ngũ Long chia sẻ câu chuyện thực tế rằng nhiều bạn bè của mình ở nước ngoài khi trở về Việt Nam đều tỏ ra rất ngạc nhiên vì: “Việt Nam không tệ như những gì đọc được trên mạng xã hội”. Rõ ràng, ấn tượng sai lệch này đến từ sự tràn lan của đủ thể loại thông tin tiêu cực không chỉ trên mạng xã hội mà ở cả một số báo chí. Tại sao bao điều tích cực, bao gương người tốt việc tốt, bao câu chuyện truyền cảm hứng lại ít được đề cập hay thông tin nhạt nhòa? “Điều này dễ hiểu khi thông tin tiêu cực dễ thu hút người đọc hơn, tâm lý phóng viên cũng thích viết điều tra tiêu cực vì dễ được đánh giá cao, dễ đạt giải báo chí hơn. Thế nên, mãi chạy theo lượt view (truy cập), vô hình trung, chính báo chí chính thống cũng góp phần vào việc “tô xám” hình ảnh đất nước. Vấn đề đặt ra là cần chấn chỉnh công tác tuyên truyền, quảng bá như thế nào để đưa thông tin phản ánh đúng bản chất vấn đề, truyền được năng lượng tích cực đến đông đảo công chúng nhanh và hiệu quả”, nhà báo Ngô Ngọc Ngũ Long nêu ý kiến.
Nhà nghiên cứu Mai Quốc Liên cũng cho rằng, công tác tư tưởng và văn hóa văn nghệ chưa được coi trọng đúng mức, dẫn đến hậu quả trông thấy là sự đi xuống của hoạt động sáng tác khi sáng tác mới không theo kịp thời sự, cũng không làm tốt việc kế thừa thành quả có được. “Đáng quan ngại hơn là sự trỗi dậy của những trào lưu từng bị lên án, như sự tràn lan của âm nhạc “não tình, ủy mị” trên sóng truyền hình, lấn át dòng nhạc truyền thống, cách mạng vốn nuôi dưỡng tâm hồn con người. Chúng ta phải coi chừng, nếu cứ chủ quan chỉ thấy cái lợi kinh tế, chỉ chạy theo làm những gameshow giải trí mà bỏ qua vấn đề tư tưởng là sai lầm, là nguy cơ mất văn hóa”, nhà nghiên cứu Mai Quốc Liên bày tỏ lo lắng.
Cũng theo nhà nghiên cứu Mai Quốc Liên, dù có phát triển đến đâu cũng phải coi trọng vấn đề tư tưởng và văn hóa, nếu không hậu quả rất khó lường mà trước mắt có thể thấy được qua việc chúng ta gặp nhiều khó khăn trong đấu tranh trên không gian mạng khi một bộ phận không nhỏ giới trẻ lại chỉ tin vào những thông tin trôi nổi trên mạng mà ít tin những kênh thông tin chính thống.
Nhắc lại việc bổ nhiệm một vị trí quản lý trong ngành chưa hợp lý, đã gây bức xúc trong giới, họa sĩ Trang Phượng nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác tư tưởng cho văn nghệ sĩ khi đây là đối tượng có sức ảnh hưởng trong xã hội. Tuy nhiên, thời gian qua, công tác này chưa thực sự tốt và cũng không hề dễ làm, rất cần người có chuyên môn trong lĩnh vực và phải am hiểu chính xác tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của văn nghệ sĩ.
Giới thiệu nghệ thuật truyền thống phục vụ người dân và du khách tại Phố đi bộ Bùi Viện.
Tạo sức mạnh tổng hợp và tăng tính đối thoại
Cần phải ghi nhận rằng những năm qua, TPHCM không chỉ là địa phương có đời sống văn hóa nghệ thuật sôi động bậc nhất cả nước mà còn tổ chức, duy trì được nhiều chương trình cổ vũ văn hóa nghệ thuật lành mạnh. Nhạc sĩ Trần Long Ẩn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TPHCM, cho rằng, dù còn nhiều hạn chế nhưng những nỗ lực của Hội đồng LLPBVHNT TPHCM trong định hướng sáng tạo VHNT tại TP gần 10 năm qua; duy trì được chương trình LLPBVHNT, chương trình giới thiệu nhạc cách mạng và những sáng tác mới về TP hôm nay trên sóng phát thanh, truyền hình là “điểm son” của TP. “Chúng ta cần phát huy những thành tựu đã được nhiều tỉnh thành bạn ghi nhận và mong muốn học hỏi nhưng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các hội chuyên ngành, các sở ban ngành liên quan và hệ thống báo đài, thông tin đại chúng để tạo sự lan tỏa. Cả nước có 63 tỉnh, thành cũng là 63 đài phát thanh - truyền hình, chưa kể cơ quan báo chí, nhưng tiếng nói phản biện các vấn đề văn hóa nghệ thuật còn ít quá. Nếu phát huy được tổng lực hệ thống tuyên truyền này sẽ góp phần giải quyết nhiều vấn đề cấp thiết, tạo nền tảng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh”, nhạc sĩ Trần Long Ẩn chia sẻ.
Khẳng định xã hội hóa không đồng nghĩa với buông lỏng quản lý Nhà nước, nhà phê bình - PGS.TS Trần Luân Kim cho rằng, việc nhà nước gần như “buông”, nhường đất cho các nhà sản xuất tư nhân là sai lầm. Điển hình như lĩnh vực điện ảnh hiện nay là “sân chơi” của các nhà làm phim tư nhân, Nhà nước không bỏ tiền làm phim nữa nên không thể can thiệp, gần như không định hướng dẫn đến phổ biến dòng phim thị trường “mì ăn liền” kéo giảm thẩm mỹ người xem. “Cái nào cần tốn kém vẫn phải tốn kém, nhất là những sản phẩm văn hóa có tác động phức tạp và lâu dài đến tư tưởng con người. Trong đó, công tác lý luận phê bình định hướng tư tưởng, thẩm mỹ cho người sản xuất lẫn thụ hưởng sản phẩm văn hóa lại rất yếu, cần giải pháp đẩy mạnh hiệu quả công tác lý luận phê bình, góp phần đưa giá trị văn hóa thấm nhuần trong đời sống”, PGS.TS Trần Luân Kim nêu ý kiến.
Đồng ý kiến, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM Trần Văn Tuấn nhìn nhận hiệu quả hoạt động về LLPBVHNT TP nhiều năm qua vẫn còn mờ nhạt đối với xã hội, những diễn đàn định hướng quá nghiêm túc nên thiếu sức lan tỏa, chủ yếu trong tình trạng “nói cho nhau nghe”. “Tới đây, cần phải thay đổi phương thức tổ chức, chuyển diễn đàn nội bộ thành hoạt động đối thoại với đời sống, với người dân. Trước mắt, Chương trình LLPBVHNT phát sóng hàng tháng trên HTV9 của Hội đồng sẽ thay đổi cách thực hiện theo hướng tăng tính đối thoại, tương tác, lấy ý kiến của đa dạng đối tượng công chúng về những vấn đề văn hóa gắn bó thiết thân với người dân TP. Cần phải đưa công tác lý luận phê bình đến với đời sống và cả hệ thống truyền thông phải có trách nhiệm. Bây giờ muốn khen cũng khó, khen đúng chuyện và đúng hình thức truyền tải nếu không rất dễ phản tác dụng. Mà đúng thôi chưa đủ, còn phải phản ứng nhanh. Chúng ta cần một hệ thống báo chí biết chắt lọc thông tin, các vấn đề VHNT đầy rẫy trên mạng xã hội, xem cái nào đúng, cái nào chưa đúng và kịp thời làm rõ để tuyên truyền hay phản biện”, nhà văn Trần Văn Tuấn góp ý.
“Chất độc dioxin còn có thể tẩy xóa nhưng chất độc trong văn hóa văn nghệ thì không thể xóa được và gây hậu quả dai dẳng, lâu dài. Vì thế, chúng ta cần phải hết sức thận trọng không để loại chất độc này lan tràn, đòi hỏi vai trò và hiệu quả công tác LLPBVHNT phải được củng cố và nâng cao”, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TPHCM Trần Long Ẩn khẳng định./.