Theo đó, các trường hợp người lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện sau: Thời gian tạm hoãn, nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng liên tục trở lên trong giai đoạn từ ngày 1/4 đến hết ngày 30/6/2020; thời điểm bắt đầu tạm hoãn, nghỉ việc không hưởng lương từ ngày công bố dịch 1/2/2020 trở đi. Người lao động phải có văn bản thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương do ảnh hưởng bởi dịch bệnh; đồng thời có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đến trước thời điểm tạm hoãn hoặc nghỉ việc không hưởng lương.

Đối với trường hợp bị chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động cần đủ các điều kiện sau để được hỗ trợ: Chấm dứt hợp đồng lao động trong khoảng thời gian từ ngày 1/2 đến hết ngày 30/6/2020, trừ trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật hoặc hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng. Người lao động không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.

 Lãnh đạo Liên đoàn Lao động Quận 8 trao hỗ trợ cho người lao động
tạm ngưng việc do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.


Theo Ủy ban nhân dân thành phố, mức hỗ trợ cho mỗi lao động là 1 triệu đồng/người/tháng, tính từ tháng 4 đến hết tháng 6/2020, được chi hàng tháng theo thời gian thực tế tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương.

Về trình tự, thủ tục, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao Động - Thương binh và Xã hội thành phố cho biết, với trường hợp tạm hoãn hoặc nghỉ việc không lương, người lao động có đơn đề nghị gửi đến người sử dụng lao động để lập bảng tổng hợp danh sách; công khai bảng tổng hợp danh sách tại doanh nghiệp; đề nghị tổ chức công đoàn cơ sở và bảo hiểm xã hội xác nhận. Sau đó, doanh nghiệp gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Ban quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp thành phố, Ban quản lý Khu công nghệ cao thành phố hoặc Ủy ban nhân dân các quận, huyện nếu trụ sở chính nằm ngoài khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao.

Với trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động nộp hồ sơ đề nghị trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến Ban quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp thành phố, Ban quản lý Khu công nghệ cao hoặc Ủy ban nhân dân quận, huyện nơi đặt trụ sở chính của doanh nghiệp. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ đề nghị, các đơn vị thẩm định hồ sơ, quyết định và chuyển kinh phí hỗ trợ cho người lao động.

Cùng ngày, Ủy ban nhân dân thành phố cũng chỉ đạo điều chỉnh giảm hệ số tăng thu nhập theo cơ chế đặc thù đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do thành phố quản lý. Theo Ủy ban nhân dân thành phố, việc làm này nhằm chia sẻ khó khăn với đồng bào, chiến sĩ lực lượng vũ trang thành phố trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, đặc biệt trong tình hình thu ngân sách nhà nước sụt giảm so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, Ủy ban nhân dân thành phố cũng giao cơ quan chức năng kịp thời cảnh báo, xử lý nghiêm hành vi mua gom sổ bảo hiểm xã hội; siết chặt quy trình chi trả bảo hiểm xã hội nhằm ngăn chặn đối tượng trục lợi bảo hiểm và người lao động trong dịp này.

Trước đó, các tổ chức chính trị - xã hội thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động chăm lo đoàn viên, thanh niên công nhân, người lao động gặp khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Cụ thể, các cấp Công đoàn thành phố đã hỗ trợ hơn 8.600 trường hợp với tổng kinh phí gần 10,5 tỷ đồng; vận động chủ nhà trọ giảm giá thuê từ 100.000 đồng đến 2,5 triệu đồng cho hơn 57.200 phòng trọ; miễn tiền thuê 200 phòng trọ.

Thành Đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Liên đoàn Lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao thành phố đã hỗ trợ hàng trăm ngàn suất ăn cho công nhân, người lao động tạm ngưng việc, bị mất việc làm đang thuê trọ do doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19./.

Tin, ảnh: Thanh Vũ