Đó là thông tin được Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ bảo đảm trật tự - an toàn giao thông, trật tự đô thị, quản lý, sử dụng lòng lề đường, vỉa hè năm 2020 do UBND Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 8/1.
Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong phát biểu tại Hội nghị.
Đồng thời, thành phố nâng cao trách nhiệm của người thực thi công vụ trong công tác bảo đảm trật tự giao thông; đẩy nhanh tiến độ và chất lượng xây dựng hạ tầng kết nối, tái cơ cấu lĩnh vực vận tải, đầu tư mới phương tiện, ứng dụng khoa học - công nghệ trong quản lý, điều hành, tổ chức giao thông; hạn chế phương tiện xe cá nhân, bảo đảm việc xây dựng các khu đô thị, trung tâm thương mại, khu công nghiệp… phù hợp với năng lực kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải công cộng.
UBND Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Ban An toàn giao thông thành phố nghiên cứu chủ đề văn hóa giao thông, hưởng ứng chủ đề năm 2020 của thành phố là “Đẩy mạnh các hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị”. Công an thành phố tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng dừng đỗ xe ô tô không đúng quy định; Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với UBND quận huyện có kế hoạch, bố trí xe đưa đón nhân viên, học sinh… không để xảy ra tình trạng đậu xe dưới lòng đường gây mất an toàn giao thông.
“Đối với công tác quản lý trật tự đô thị, sử dụng lòng lề đường, vỉa hè, cả hệ thống chính trị vào cuộc, sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị 11-CT/TU ngày 10/3/2017 của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Chỉ thị số 22/CT-UBND ngày 29/12/2016 của UBND thành phố gắn với trách nhiệm người đứng đầu đơn vị. Do lòng lề đường ở mỗi địa bàn có đặc điểm riêng nên lãnh đạo UBND quận huyện, phường xã phải có kế hoạch cụ thể, phù hợp với đặc điểm địa phương, không áp dụng hình mẫu chung”, ông Nguyễn Thành Phong cho biết thêm.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng Ban chuyên trách Ban An toàn giao thông Thành phố Hồ Chí Minh, trong năm 2020, Ban An toàn giao thông thành phố sẽ xây dựng kế hoạch chuyên đề tuyên truyền, vận động gắn với giám sát thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự - an toàn giao thông, tập trung vào Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia. Cùng với đó tăng cường ứng dụng khoa học -công nghệ trong công tác quản lý, điều hành, tổ chức giao thông, phối hợp với các bộ, ngành và Ủy ban An toàn giao thông quốc gia để xây dựng và triển khai Đề án thí điểm ứng dụng khoa học - công nghệ vào quy trình xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trên địa bàn thành phố.
Quang cảnh Hội nghị.
Dưới góc độ quản lý hạ tầng giao thông, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, cho biết, thời gian qua sở thường xuyên rà soát các điểm có nguy cơ mất an toàn giao thông và bàn giao cho các quận, huyện để tiếp tục quản lý. Thực tế cho thấy, việc thiết lập biển báo, cấm và xử phạt dừng đỗ sai quy định cũng gặp nhiều khó khăn do lực lượng chức năng xử lý chưa nghiêm. Hoạt động “xe dù bến cóc” vẫn còn tồn tại, đơn cử như khu đất trước bến xe miền Đông, đường Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh tổ chức thành điểm tập kết xe ra vào, gây ùn tắc giao thông, nhất là vào giờ cao điểm. Để giải quyết các điểm “xe dù bến cóc”, cần có sự chung tay của UBND các quận, huyện trong việc rà soát, kiểm tra mục đích sử dụng đất và xử phạt nghiêm.
“Trong quý I/2020, Sở Giao thông Vận tải sẽ rà soát các tuyến đường tổ chức gắn biển báo, hạn chế lưu thông một số tuyến đường hay xảy ra ùn tắc. Sau khi Chính phủ sửa đổi Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, Sở Giao thông Vận tải sẽ tham mưu cho UBND thành phố để công bố công khai các điểm đón trả khách làm căn cứ xử phạt nghiêm hành vi đón trả khách không đúng quy định”, ông Trần Quang Lâm cho biết thêm.
Ông Trần Văn Bảy, Chủ tịch UBND Quận 9, cho biết, là địa bàn cửa ngõ phía Đông thành phố, nơi thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông, trong năm 2020 quận sẽ chọn điểm để lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè chứ không tổ chức dàn trải. Trong đó, quận xác định trách nhiệm Chủ tịch UBND phường định kỳ 3 tháng đánh giá kết quả. Quận 9 cũng sẽ tiếp tục mời chủ đầu tư các dự án cam kết và xây dựng các khu ăn uống, mua thực phẩm trong khuôn viên dự án tránh tình trạng tập trung đông người, gây mất trật tự, ảnh hưởng đến giao thông đi lại.
Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2019 là năm thứ ba liên tiếp thành phố tiếp tục hoàn thành chỉ tiêu kéo giảm tai nạn giao thông trên 3 mặt (số vụ, số người bị chết, số người bị thương). Trong năm 2019 trên địa bàn thành phố đã xảy ra 3.427 vụ tai nạn giao thông, làm chết 641 người và bị thương 2.406 người, so với cùng kỳ năm 2018 giảm 213 vụ, giảm 74 người chết và giảm 69 người bị thương. Đã có 15/28 điểm ùn tắc giao thông chuyển biến tốt. Thành phố không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút, nhất là tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất và cảng Cát Lái. Thành phố tiếp tục hoàn thành và đưa vào sử dụng 8 công trình, hạng mục giao thông lớn, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án giao thông trọng điểm.
Đối với công tác quản lý trật tự đô thị và sử dụng lòng lề đường, vỉa hè, qua 3 năm triển khai Chỉ thị 11 của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và Chỉ thị 23 của UBND thành phố, nhiều lòng lề đường, vỉa hè được thông thoáng hơn, giảm việc lấn chiếm, sử dụng trái phép lòng lề đường, vỉa hè./.