Tập trung và ưu tiên cho ngăn ngừa phát sinh người nghiện mới
Thiếu tướng Phan Anh Minh phát biểu tại hội nghị
Thiếu tướng Phan Anh Minh, nguyên Phó Giám đốc Công an TP. Hồ Chí Minh cho rằng, chưa thể trả lời thắng thua trong một cuộc chiến xác định từ đầu là gian khó và lâu dài, do chưa kết thúc. Nhưng rất dễ nhận thấy là hiện nay, tội phạm về ma túy có quy mô lớn và tuyến mua bán vận chuyển rộng hơn, người sử dụng trái phép và nghiện ma túy gia tăng về số lượng, lạm dụng nhiều loại ma túy hơn và ma túy tổng hợp dần chiếm tỷ lệ tuyệt đối, gây lây lan tệ nạn nhanh hơn, hậu quả nghiêm trọng hơn và hầu như không thể khắc phục. Chính vì vậy, nguyên Phó Giám đốc Công an TP thẳng thắn chỉ ra: Phải nhìn nhận rằng chúng ta chưa đạt yêu cầu bao trùm là kiềm chế và kéo giảm tội phạm lẫn tệ nạn về ma túy.
Ông Minh cho rằng: Thành tố người nghiện là thành tố trung tâm tạo sự nguy hiểm nhất, chính người nghiện là nguồn nhân lực tiếp tay cho việc thử nghiệm ma túy, là thành tố làm gia tăng vấn đề mất ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội, người nghiện là diện có nguy cơ lây lan các nguồn bệnh… và hiện nay công tác cai nghiện dường như chưa thực sự đạt hiệu quả như mong muốn.
Dẫn chứng cụ thể, Thiếu tướng Phan Anh Minh cho biết, trong thời gian ông phụ trách trong 2 năm (2008 và 2013) tội phạm hình sự gia tăng trên địa bàn TP, nguyên nhân là do công tác quản lý người nghiện không hiệu quả, gây tồn đọng người nghiện và tội phạm gia tăng.
Theo Thiếu tướng Phan Anh Minh, nên chọn phương châm “tập trung và ưu tiên cho ngăn ngừa phát sinh người nghiện mới, can thiệp sớm và kéo dài hơn đối với từng cá nhân và quần thể người vi phạm hoặc có nguy cơ vi phạm về ma túy, không chờ đến khi nghiện nặng. Ông cũng cho rằng, cần có quan điểm nhìn nhận toàn diện hơn về người nghiện. Họ thuộc đối tượng có nguy cơ vi phạm pháp luật cao, cần được chăm sóc điều trị và quản lý đặc biệt.
Để xử lý tội phạm ma túy, tướng Phan Anh Minh đề nghị các cơ quan tố tụng cần nhanh chóng khắc phục một số nhược điểm tồn tại lâu nay. Theo ông Minh, luật hình sự quy định hàng chục tội danh nhưng chỉ xử lý có 3 tội danh tàng trữ, vận chuyển, sử dụng chất ma túy mà bỏ qua nhiều hành vi phạm tội là tác nhân gây phát sinh người nghiện, như: Lôi kéo, cưỡng ép, tổ chức, chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy. Vì vậy cần cố gắng xử 1/3 số vụ án có thêm nhóm tội nêu trên.
Bên cạnh đó, phải mở rộng điều tra vì tội phạm ma túy là tội phạm có tổ chức để tăng số bị can vì hiện nay bình quân hơn 70% vụ án ma túy chỉ có một bị cáo và không có đồng phạm.
Nâng cao nghiệp vụ, làm tốt công tác nắm bắt, quản lý địa bàn
Đại tá Nguyễn Toàn Thắng, Trưởng Công an quận Bình Thạnh phát biểu tại Hội nghị.
Đại tá Nguyễn Toàn Thắng, Trưởng Công an quận Bình Thạnh cho biết: Từ thực tiễn quá trình triển khai thực hiện công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy vẫn còn nhiều khó khăn. Hiện tình trạng thanh niên sử dụng bóng cười và "cỏ Mỹ" là khá phổ biến, tuy nhiên trong Thông 17 liên tịch của Bộ Y tế - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Công an chưa có danh mục xác định chất ma túy mới nên chưa xác định được tình trạng nghiện của đối tượng, không có cơ sở để quản lý, vì vậy Đại tá Nguyễn Toàn Thắng kiến nghị phải bổ sung vào Thông tư.
Đại tá Nguyễn Toàn Thắng cũng cho biết, hiện việc kiểm soát tình trạng mua bán ma túy nhỏ, lẻ tại các chung cư cao tầng, khách sạn… rất khó phát hiện kịp thời. Vì vậy, để công tác phòng chống tội phạm ma túy đạt hiệu quả cần phát huy tính chủ động, nâng cao nghiệp vụ của lực lượng chức năng, nhất là phải làm tốt công tác nắm tình hình, nắm chắc địa bàn, đối tượng, quản lý chặt chẽ đối tượng hồi gia, nhất là đối tượng tái hòa nhập cộng đồng, đối tượng tù tha về tội ma túy; phát huy có hiệu quả các mô hình “tự phòng, tự quản”…
Là địa bàn trung tâm của TP, nơi tập trung nhiều trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch, nhà hàng… mỗi năm thu hút hàng lượt du khách trong và ngoài nước, trong đó có trên 5.000 lượt khách du lịch nước ngoài, vì vậy quận 1 cũng là nơi có nhiều tụ điểm phức tạp, tập trung các đối tượng mua bán, tàng trữ và sử dụng trái phép chất ma túy.
Quận 1 xác định rõ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy đặc biệt quan trọng, các cấp ủy, chính quyền, trong đó nòng cốt là lực lượng công an đã có nhiều giải pháp đấu tranh mạnh mẽ, quyết liệt với tội phạm nói chung và tội phạm ma túy nói riêng.
Đại diện lãnh đạo quận 1 cho rằng, hiện nay, quy trình, thủ tục và biểu mẫu lập hồ sơ để xử lý số đối tượng nghiện còn phức tạp, gây ảnh hưởng đến hiệu quả trong công tác xử lý đối tượng nghiện. Do đó cần thống nhất và rút gọn thủ tục, quy trình xử lý đối với đối tượng nghiện để đảm bảo việc đưa người nghiện đến các cơ sở cai nghiện được kịp thời.
Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phòng chống tội phạm, tệ nạn ma túy với nhiều hình thức phong phú, đa dạng; phối hợp chặt chẽ giữa cấp ủy chính quyền, lực lượng công an với MTTQ và các đoàn thể chính trị- xã hội trong việc triển khai các biện pháp tuyên truyền… Cần có văn bản quy định, hướng dẫn việc quản lý người nghiện ma túy đã chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc tái hòa nhập cộng đồng.
Thực hiện giải pháp đặc thù
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: TP cần nghiên cứu áp dụng một số giải pháp đặc thù trong công tác phòng, chống tệ nạn ma túy
Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, TP Hồ Chí Minh cần nghiên cứu áp dụng một số giải pháp đặc thù mới có thể ngăn chặn được tệ nạn ma túy hiện nay.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: Các cơ quan liên quan nghiên cứu dự thảo phân loại địa bàn về tệ nạn ma túy. Từ đó có giải pháp cụ thể, đăng ký mục tiêu với cấp ủy cấp trên gắn với trách nhiệm người đứng đầu, đưa đây là một trong các tiêu chí đánh giá công tác cuối năm, từ đó nâng cao trách nhiệm của cấp ủy chính quyền địa phương với công tác phòng chống ma túy.
Công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của các cấp ủy, sự quản lý thống nhất của chính quyền các cấp, sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn dân; trong đó, lực lượng Công an nhân dân là nòng cốt. Phòng, chống và kiểm soát ma túy là nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, vừa thường xuyên, liên tục và lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ, quyết liệt, quyết tâm rất cao và cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, các ngành và các tổ chức chính trị, xã hội", Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh./.