Tại chương trình “Lắng nghe và trao đổi” do HĐND TP Hồ Chí Minh phối hợp với Đài truyền hình HTV tổ chức ngày 10/11, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, thành phố đang tập trung một số chính sách để hoàn chỉnh hệ thống thu gom rác dân lập như chuyển đổi pháp nhân, hoàn chỉnh giá thu gom, giá vận chuyển và giá xử lý rác...

Hiện thành phố đã chuyển đổi được 500/1.500 đường dây, tổ thu gom rác dân lập, số còn lại đang được các quận, huyện lập kế hoạch và có nhiều giải pháp chuyển đổi pháp nhân. Thành phố cũng đã chuyển đổi được 100/1.700 phương tiện thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt hằng ngày.

Chương trình lắng nghe và trao đổi ngày 10/11 với chủ đề “Công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình - thực trạng và giải pháp”. Ảnh: hcmcpv.org.vn


Cũng theo ông Nguyễn Toàn Thắng, hiện nay mỗi ngày thành phố phải xử lý khoảng 9.000 tấn rác thải sinh hoạt từ hơn 1 triệu hộ gia đình và trên 134.000 hộ kinh doanh thương mại. Các hệ thống thu gom rác thải sinh hoạt chính gồm Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Môi trường và Đô thị (quản lý 240 xe vận chuyển), Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Dịch vụ công ích 24 quận huyện (quản lý 263 phương tiện) và hệ thống thu gom rác dân lập. Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường đã đưa ra 18 mẫu xe thu gom, vận chuyển để các quận huyện lựa chọn nhưng thực tế nhiều mẫu chưa phù hợp với địa từng quận huyện. Vì thế các quận huyện cần chủ động lựa chọn mẫu xe cho phù hợp với địa hình từng địa bàn.

Theo ông Trần Quang Thảo, Chủ tịch UBND quận 8, trên địa bàn quận có nhiều vỉa hè nhỏ hẹp, ảnh hưởng đến quá trình thu gom, vận chuyển rác. Để nâng cao hiệu quả thu gom, vận chuyển rác, UBND quận đã chỉ đạo Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Dịch vụ công ích Quận 8 chuyển đổi mô hình thu gom rác dân lập, tăng cường kiểm tra thu gom, đồng thời tuyên truyên vận động người dân bỏ rác đúng nơi, đúng thời gian. Sắp tới dự kiến UBND quận 8 sẽ xây dựng 1 trạm trung chuyển chất thải rắn trong khu vực quy hoạc công viên cây xanh với công nghệ hiện đại, chỉ đạo Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Dịch vụ công ích Quận 8 tiếp nhận lao động vào làm, tạo điều kiện để các hợp tác xã vệ sinh môi trường chuyển đổi phương tiện, pháp nhân, tạo thu nhập ổn định cho người lao động. 

Bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Phó Chủ tịch UBND quận 4 cho hay, địa bàn quận có nhiều hẻm nhỏ, bề rộng dưới 2m, cự ly dài. Nhiều người dân có tâm lý giữ rác trong nhà, làm lệch thời gian thu gom rác đối với lực lượng thu gom nên dễ phát sinh mùi hôi. Để khắc phục các tồn đọng, UBND quận 4 đã chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiên cứu mẫu xe phù hợp các tuyến hẻm nhỏ, chuẩn hoá phương tiện thu gom rác đồng thời vận động, tuyên truyền người dân không xả rác ra môi trường, tập kết rác đúng nơi, đúng thời điểm.

Thu gom rác dân lập ở Thành phố Hồ Chí Minh. (Nguồn: SGGP)


Trong khi đó, theo đại diện UBND quận 5, trên địa bàn quận có 90% lượng rác được thu gom bởi các đường dây thu gom dân lập. Quận có nhiều chung cư cũ, không có thang máy, hệ thống đường ống, lực lượng thu gom rác phải vận chuyển vất vả nhưng đơn giá thu gom vẫn áp dụng như tại các chung cư mới, thiệt thòi cho người thu gom.

Dưới góc độ công ty thu gom rác, ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Môi trường đô thị Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, công ty đang thu gom rác tại Bình Tân và Tân Phú, quản lý và xử lý khoảng 2.000 tấn/ngày. Hiện nay tồn tại nhiều vấn đề trong quá trình thu gom, vận chuyển rác như lực lượng thu gom tác đến sớm hơn điểm hẹn, quá trình vận chuyển gây mùi hôi do vương vãi nước rỉ rác. Trong khi đó trạm trung chuyển hở đang quá tải, không xử lý kịp gây mùi hôi. Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Môi trường đô thị Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai nhiều giải pháp khắc phục tình trạng trên, đồng thời tổ chức chuyển đổi pháp nhân đường dây thu gom rác dân lập cũng như phương tiện thu gom, vận chuyển rác phù hợp với địa bàn từng quận huyện./.

Trần Xuân Tình/TTXVN