Việc số hóa tài liệu giúp giảm không gian lưu trữ, tiết kiệm thời gian tìm kiếm và nhân lực quản lý tài liệu; hạn chế hư hỏng, mất mát tài liệu do các yếu tố khách quan; chia sẻ thông tin nhanh, trích xuất thông tin đáp ứng nhiều yêu cầu công việc; tăng cường khả năng bảo mật thông tin.


 Trình chiếu bằng chứng bằng hình ảnh tại phiên tòa ở TAND quận 7, TP Hồ Chí Minh.
Ảnh: Thành Chung/TTXVN


Kể từ khi triển khai công tác số hóa từ năm 2018 đến nay, Viện Kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh đã số hóa gần 300.000 trang tài liệu để phục vụ công tác của ngành, đồng thời xây dựng quy trình cơ bản cho các kiểm sát viên. Cụ thể, về thiết bị cần máy tính sử dụng để lưu trữ và trình chiếu tại phiên tòa của kiểm sát viên phải luôn không kết nối Internet để bảo mật hồ sơ; máy scan dùng để scan tài liệu phải có tốc độ đạt 6 trang/giây. Về tài liệu số hóa bao gồm các quyết định tố tụng; tài liệu liên quan đến vụ án như hình ảnh, video, ghi âm liên quan đến vụ án; chứng cứ liên quan đến bị can, bị hại; cáo trạng và công bố bản luận tội...

Thời gian qua, Viện Kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh triển khai ứng dụng dùng các tài liệu trong vụ án hình sự đã được số hóa để trình chiếu tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh ngay tại phiên tòa. Đây là bước đột phá lớn trong công tác phối hợp giữa Viện Kiểm sát và Tòa án. Những phiên tòa sử dụng hồ sơ bản án được số hóa và trình chiếu chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa mang lại hiệu quả rõ rệt, giúp các cơ quan tố tụng dễ khai thác, nghiên cứu, bảo đảm chính xác, nghiêm minh trong xét xử, đáp ứng nhiệm vụ cải cách tư pháp.

Được biết, bên cạnh đẩy mạnh tốc độ số hóa hồ sơ vụ án, Viện Kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh đang lên kế hoạch tập huấn, hợp tác với các đơn vị khác để đào tạo cho cán bộ của Viện Kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh nhằm nhanh chóng ứng dụng mạnh mẽ, thành thạo công nghệ thông tin trong quá trình xử lý giải quyết công việc./.

Mai Anh (tổng hợp)