Nhằm tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được thời gian qua, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Thành phố về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn Thành phố năm 2017. Theo đó, kế hoạch nhằm mục tiêu tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam và sản phẩm công nghệ Việt Nam và coi đó là thể hiện lòng yêu nước, nét đẹp trong văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam; tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp phát huy ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm, sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; khuyến khích các thành phần kinh tế hưởng ứng, tham gia cuộc vận động bằng các chương trình hành động thiết thực, hiệu quả nhằm gia tăng tỷ trọng hàng Việt Nam được tiêu thụ tại thị trường TP.Hồ Chí Minh.


Hàng Việt Nam đang chiếm thị phần lớn trong các siêu thị, trung tâm thương mại,
chợ truyền thống... tại TP. Hồ Chí Minh (Ảnh: Sơn Hồng)

Các nhiệm vụ trọng tâm của kế hoạch nói trên sẽ được thực hiện, bao gồm: tiếp tục triển khai 5 nhóm giải pháp thuộc Chương trình hành động của Thành phố về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn Thành phố gắn với yêu cầu phát triển kinh tế trong tình hình mới; tập trung đẩy mạnh công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, hoạt động kiểm tra, kiểm soát, quản lý thị trường, công tác truy xuất nguồn gốc hàng hóa, góp phần đảm bảo chất lượng và bảo vệ hàng hóa sản xuất trong nước; vận động người dân sử dụng sản phẩm công nghệ Việt Nam.

Theo Ban Chỉ đạo Cuộc vận động của Thành phố, việc tuyên truyền sẽ có đổi mới phương pháp và triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp thiết thực phù hợp với tình hình, định hướng phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế của Thành phố và cả nước thông qua các chương trình, đề án của Thành phố đã được phê duyệt; kiện toàn tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động TP.Hồ Chí Minh, tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt của Ban Chỉ đạo trong xây dựng và triển khai Cuộc vận động.

Được biết, qua 7 năm quán triệt và triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, TP.Hồ Chí Minh đã đạt được nhiều kết quả bước đầu rất cơ bản và khả quan. Thực tế cũng cho thấy rằng, nếu có quyết tâm và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng các cơ quan báo chí, hàng sản xuất trong nước sẽ có chỗ đứng vững chắc trong lựa chọn của người tiêu dùng…

Hưởng ứng cuộc vận động, nhiều đơn vị, doanh nghiệp của Thành phố đã chọn mua vật tư, thiết bị sản xuất trong nước. Cụ thể như: Tổng công ty Điện lực TP.Hồ Chí Minh đã mua sắm vật tư, thiết bị trong nước cho khoảng 60% nhu cầu hằng năm, đó là máy biến áp lực các loại đến 110 kV, cáp lực lõi đồng, nhôm các loại, cột điện các loại, tủ điện, thiết bị điều khiển bảo vệ,… (40% do yêu cầu kỹ thuật phải nhập).

Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh cũng đã nâng tổng số điểm bán thuốc bình ổn lên trên 4.000 nhà thuốc với 563 mặt hàng, 176 hoạt chất, 21 nhóm thuốc sản xuất trong nước để điều trị các bệnh thường gặp, có nhu cầu sử dụng nhiều. Sở Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy Thành phố cũng bảo đảm hơn 80% số vật tư, thiết bị sử dụng là hàng sản xuất trong nước…

Lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua, các cơ quan truyền thông, báo chí Trung ương và địa phương đóng trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh đã thường xuyên đồng hành tuyên truyền sâu rộng về cuộc vận động, tạo hiệu ứng cao và giành được sự ủng hộ của người dân với hàng hóa Việt Nam trên địa bàn Thành phố.

Đài Truyền hình TP.Hồ Chí Minh phát sóng chương trình “Đồng hành hàng Việt”, “Hàng Việt đổi mới sáng tạo” với thời lượng 52 chương trình/năm. Đài Tiếng nói nhân dân TP. Hồ Chí Minh thực hiện phát thanh 52 chương trình “Đồng hành cùng người tiêu dùng”, trên 100 chương trình “Tôi yêu hàng Việt”/năm. Báo Sài Gòn giải phóng thực hiện chuyên trang “Chương trình Bình ổn thị trường” với 52 kỳ phát hành/năm để thông tin về tình hình cung - cầu hàng hóa, giá cả thị trường, giúp người tiêu dùng tiếp cận thông tin đúng, đủ về hàng Việt Nam. Các cơ quan báo chí trung ương như Nhân Dân, Thông tấn xã Việt Nam, Quân đội nhân dân, … cũng đưa nhiều tin, bài phong phú về cuộc vận động đã góp phần lan tỏa sâu rộng đến bạn đọc.

Theo Sở Công thương TP.Hồ Chí Minh, trên địa bàn Thành phố hiện có 40 trung tâm thương mại, 193 siêu thị, 240 chợ truyền thống, hơn 890 cửa hàng tiện ích. Các hệ thống phân phối đang tiếp tục được đầu tư, đổi mới cải tiến chất lượng dịch vụ..., góp phần đáng kể trong việc thay đổi diện mạo ngành thương mại Thành phố theo hướng hiện đại và tỷ lệ hàng Việt Nam tại các hệ thống này duy trì ở mức hơn 90%.

Đối với Chương trình “Bình ổn thị trường”, đã phát triển được gần 11 nghìn điểm bán hàng Việt bình ổn giá, tăng trên 1.000 điểm bán so với các năm trước và phủ rộng khắp các địa bàn. Tính đến tháng 3/2017, đã có 86 doanh nghiệp tham gia chương trình với tổng hạn mức vay ưu đãi là 12.900 tỷ đồng, tăng trên 1.000 tỷ đồng so năm 2015. Các doanh nghiệp này cũng đã cung ứng hàng Việt vào 23 bếp ăn tập thể phục vụ gần 45.000 suất ăn/ngày cho công nhân.

Bà Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP.Hồ Chí Minh cho biết, từ Chương trình hành động thực hiện cuộc vận động với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể tác động đến ba đối tượng là người tiêu dùng, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước, đã tạo hiệu quả tổng hợp giúp các doanh nghiệp Việt Nam thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng cũng có cơ hội tiếp cận các mặt hàng sản xuất trong nước với giá cả phù hợp. Hiệu quả của chương trình đã góp phần giúp tổng sản phẩm nội địa của Thành phố trong năm 2016 tăng 8,05% so với cùng kỳ.

Được biết, trong năm 2017, Ban Chỉ đạo cuộc vận động của Thành phố tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức tiêu dùng hàng Việt Nam, thông qua các cơ quan báo chí, thành phố tiếp tục đẩy mạnh quảng bá sản phẩm sản xuất trong nước, giới thiệu các điển hình doanh nhân Việt Nam làm ăn giỏi. Thường trực Ban Chỉ đạo cuộc vận động tiếp tục phối hợp các cơ quan báo chí tại TP.Hồ Chí Minh tuyên truyền sâu đậm, định kỳ hằng tuần trên mặt báo bởi quy mô cuộc vận động của thành phố đã lan tỏa và có mối liên kết chặt chẽ với các tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Sở Thông tin và Truyền thông, Hiệp hội Doanh nghiệp, Hội Hàng Việt Nam chất lượng cao phối hợp thành lập Website “Tự hào hàng Việt Nam”.

Ngoài ra, Thường trực Ban Chỉ đạo cuộc vận động và các sở, ngành tập trung xây dựng Saigon Co.op thành tập đoàn bán lẻ hàng đầu khu vực, trong đó có một trung tâm thương mại lớn dành cho hàng Việt Nam; tiếp tục mở rộng điểm bán hàng bình ổn thị trường để đưa hàng Việt đến với công nhân, nông dân nhiều hơn; tăng cường công tác chống hàng gian, hàng giả để bảo vệ hàng hóa sản xuất trong nước.../.

Sơn Hồng